Chuyện ly trà sữa

GN - Một lần tôi tham gia lớp hướng dẫn kỹ năng sống cho thiếu nhi, lớp có khoảng 4 giáo viên và 150 em học viên, trong đó đa số thuộc tuổi teen, nghĩa là từ 12-18 tuổi. Vì vậy giáo viên đưa ra một chủ đề về tình yêu, cũng rất phù hợp với lứa tuổi này. Tuy nhiên, cách giải quyết, giải thích, hướng dẫn, xem ra chưa ổn. Thiết nghĩ, chỉ cần một chút cực đoan, chúng ta đã đẩy vấn đề đi quá xa.

a tuoiteen.jpg


Ảnh minh họa

Tình huống giáo viên đưa ra như sau: Có một cậu trai tuổi teen mê chơi game trên điện thoại, mẹ cậu nấu bếp lỡ thiếu chút hành, nhờ cậu ra chợ mua giùm, nhưng cậu mê chơi không chịu đi. Nhưng khi cô bạn gái gọi đến nói muốn uống trà sữa, thế là cậu ta lập tức chạy đi mua ly trà sữa ngay cho cô bạn.

Giáo viên hỏi cả lớp đánh giá thế nào về cậu con trai ấy. Các em ý kiến rất nhiều, sau đó các giáo viên rút lại như sau, tất nhiên trong đó là những ý do giáo viên định hướng cho các em:

1- Cậu con trai đó bất hiếu, không biết thương mẹ.

2- Các cô gái không nên đặt tình cảm với những người con trai thiếu chữ hiếu, vì mẹ mà nó còn không thương thì làm sao nó thương mình.

3- Ly trà sữa chỉ là bước đầu để dẫn dắt đến những thứ nguy hiểm hơn như tình dục, rồi làm hại đời các cô gái, hoặc bụng mang dạ chửa, tiêu tan mọi thứ. Hãy cảnh giác với những thứ ngon ngọt, dụ dỗ.

Tôi nghe như vậy thì thấy lấn cấn, nên xin có ý kiến. Đại ý tôi nói:

1- Xin đừng vội vã kết tội một em tuổi teen là bất hiếu. Bởi các em còn nhỏ, có khi còn một quá trình, một thời gian cho em thay đổi, chứ nào đã định hình ngay đâu. Dĩ nhiên mười mấy tuổi cũng không phải nhỏ, nhưng cũng chưa gọi là đủ lớn để định hình nhân cách. Tuổi teen nào mà không mê cái này cái nọ, nhưng rồi qua tuổi đó có khi thay đổi một cách ngoạn mục. Tôi dẫn chứng con tôi, hồi ấy nó cũng ngoan nhưng vẫn hơi lơ lơ với gia đình, nhưng từ tuổi 20 thì biết chăm lo mọi thứ, ai cũng khen có hiếu. Như vậy, nếu các em chưa hoàn chỉnh thì chúng ta nên nhắc nhở, động viên, chứ đừng có thái độ “kết tội”. Chính sự kết tội làm các em sinh ra đối kháng, và sẽ bất hiếu thật, bất hiếu nhiều hơn.

Giai đoạn tuổi teen của các em thường là nổi loạn, mà tôi nói vui là “khùng khùng”, không đoán trước được sẽ làm cái gì, cứ nổi hứng bất ngờ, nắng mưa thất thường. Cho nên cha mẹ cần thông cảm, hiểu biết, và khéo léo đồng hành cùng con. Cái gì thông cảm được thì thông cảm, cái gì uốn nắn được thì uốn nắn, cái gì uy nghiêm thì uy nghiêm, cái gì vui vui thì cứ nhẹ nhàng bỏ qua. Hãy cùng con vượt qua ghềnh thác giai đoạn này, rồi mọi thứ sẽ ổn định.

Hãy nhìn suốt một quá trình chứ đừng nhìn vào một chi tiết bất chợt. Thí dụ, những ngày khác con mình nhiệt tình giúp mẹ, nhưng bữa đó tự nhiên mê mẩn chuyện gì đó mà không giúp mẹ, thì thôi hãy thông cảm. Còn nếu như quanh năm suốt tháng nó đều “cà chớn” như thế thì lỗi cũng tại cha mẹ đã không uốn nắn nó từ 5-6 tuổi. Hãy tập con giúp đỡ cha mẹ từ khi còn rất bé, thì tới tuổi teen nó cũng bớt độ nổi loạn hơn.

2- Các cô gái cũng đừng nên kết tội bạn mình quá sớm. Mà thật tình làm sao cô bạn gái này biết rằng anh bạn trai đã phạm lỗi không giúp mẹ. Cô ấy chỉ biết đón nhận ly trà sữa ngon lành kia thôi. Suy cho cùng, phái nam ga-lăng với phái nữ là chuyện đương nhiên, như vậy nó mới là đàn ông. Nó mà không giúp mẹ, cũng không ga-lăng bạn gái, thì chắc nó hết xài. Người lớn cứ hoan nghênh thái độ ga-lăng này, động viên chất đàn ông trong nó.

Và tại sao cậu con trai hăm hở ga-lăng bạn gái mà lơ là với mẹ? Nói cho khách quan, sát sườn tâm lý, bởi vì cô bạn kia đối với cậu là rất “mới”, còn sức hút rất lớn, đòi hỏi nỗ lực để chinh phục. Còn đối với mẹ, thì trong tiềm thức cậu thấy mẹ rất quen thuộc, rất bình thường, chả có sức hút lẫn cần chinh phục, nên cậu tự nhiên ì ra, không có năng lượng tâm lý để làm gì hết. Ví như chúng ta khi thích một cái áo mới trong shop, thì sẽ lượn qua lượn lại nhìn ngắm, nỗ lực kiếm tiền để mua. Còn với những cái áo cũ ở nhà thì tự nhiên chúng ta không còn sự kích thích như vậy nữa. Cần hiểu biết về tâm lý để tìm ra giải pháp.

Tôi mỉm cười nói với cả lớp: “Các em phải làm người đàn ông biết ga-lăng phụ nữ nhé. Và phụ nữ ở đây có cả bạn gái lẫn mẹ của em. Mẹ là một người phụ nữ yếu đuối hơn em tưởng, vì đã sinh ra em, nuôi nấng cực khổ, đi làm về lại quẩn quanh cơm nước giặt giũ, mẹ rất mệt mỏi. Và mẹ mỗi lúc mỗi già hơn, càng đau ốm, nhức mình nhức mẩy. Em cần nâng niu mẹ. Tóm lại, em nên ga-lăng cả bạn gái lẫn mẹ. Như vậy mới đúng là một người đàn ông tuyệt vời”. Cả lớp vỗ tay. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt những “người đàn ông” kia có sự tự hào và thương cảm. Tự hào vì được gọi là đàn ông đúng nghĩa. Thương cảm vì nhận ra có một phụ nữ yếu đuối bên cạnh mình mà mình bỏ quên. Hãy kích hoạt chất đàn ông trong các em, từ đó các em sẽ chìa tay ôm tất cả những phụ nữ của mình vào lòng.

Cuối cùng, nếu với những người đàn ông bất hiếu thật sự, không hề biết thương mẹ thật sự, thì đúng là các cô gái nên tránh xa. Họ sẽ làm khổ người yêu hoặc vợ của mình.

3- Đừng kết tội ly trà sữa. Hãy nhìn tình cảm tuổi teen như một thứ trong veo, hồn nhiên.

Nói thật, hầu như ai cũng từng trải qua những rung động đầu đời khi tuổi còn mộng mơ. Cái đó không phải là tình yêu. Có thể có những mối tình phát triển từ đây, nhưng hiếm lắm. Qua tuổi teen rồi, hầu như ai cũng thay đổi quan niệm sống, điều kiện sống, tự nhiên những rung động ấy phai đi, biến mất. Hãy nhìn tuổi thanh xuân như cái gì trong veo, dễ thương, cần một chút nâng niu, một chút thông cảm.

Cho nên, tôi mong các bậc phụ huynh đừng vội cuống quít, sợ hãi, lồng lộn. Thái độ của nhiều phụ huynh rất kinh khủng, và thậm chí còn xúc phạm tới các em. Đành rằng phụ huynh nên cảnh giác vì tuổi teen bây giờ khôn lanh hơn ngày xưa, dễ phạm tội hơn ngày xưa, nhưng như thế không có nghĩa nhìn đâu cũng thấy đen tối. Một ly trà sữa mà đưa tới một cái bụng bầu, trời ơi còn xa lắm. Hầu như những món quà của tuổi teen đều quanh quẩn ở những thứ vặt vãnh dễ thương như trà sữa, bánh ngọt, trái cây, gấu bông…và các em tặng nhau trong e ấp, ngại ngùng. Đó không phải là những thứ có mục đích “dụ dỗ”. Chúng ta vô tình gieo vào đầu óc non tơ của các em sự ghê gớm của ly trà sữa, của con gấu bông… thật là tội nghiệp quá! Hãy để các em “cho và nhận” những món quà trong sự dễ thương. Còn nhiệm vụ phụ huynh là đồng hành và phát hiện những bất thường mà thôi. Có đồng hành với con mình thì nó mới chịu chia sẻ với mình, và mình mới uốn nắn kịp. Những thái độ xúc phạm sẽ làm các em rút vào bí mật, khi xảy ra sự cố càng nguy hiểm hơn.

Còn những thứ đáng gọi là “dụ dỗ” thường là những thứ đắt tiền, và khi người ta đã lớn. Một gã đàn ông có thể dụ một cô bé 15 tuổi, hoặc dụ một cô 20 tuổi, 30 tuổi, nhưng một cậu bé 15 với một cô bé 14 thì không thể gọi là dụ dỗ được. Đó là tình cảm thật của đôi bên, dù tình cảm rất non nớt. Nói như vị giáo viên kia, vô tình đã gieo vào đầu cô bé teen một ý nghĩ: “Nó tặng trà sữa cho mình là nó dụ mình”, như vậy quá oan cho cái tuổi teen của cậu bé. Chưa hết, cô bé có thể nhìn tất cả những món quà tặng đều là mồi dụ dỗ, thế là cho đến lớn cô vẫn không tin vào một tình yêu thật sự, một tình yêu tử tế đàng hoàng, làm sao cô sống an vui chứ? Đời người trong Tục đế vẫn có tình yêu, thì xin hãy giáo dục tình yêu ấy sao cho lành mạnh. Không nên có thái độ cấm đoán hoặc bôi đen tình yêu. Bất cứ lời dạy nào của giáo viên cũng tác động rất lớn đối với các em, cho nên chúng ta nên cẩn trọng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.