Chuyển hóa giải đãi và nghi ngờ

GN - Sự tu hành không phải lúc nào cũng suôn sẻ mà có khi thăng lúc trầm. Do đó, người tu cũng lắm phen cảm thấy đuối sức, mệt mỏi, muốn buông xuôi là chuyện bình thường.


chuyenhoa.jpg
Nghiêm thân tấn đạo - Ảnh minh họa

Ngay những lúc mềm lòng, nản chí như vậy, nếu có được sự soi sáng và khích lệ của thầy bạn, vực dậy sơ tâm thì thật có phước duyên. Nên có thầy sáng và bạn lành yểm trợ tu hành sẽ trợ duyên rất nhiều cho những ai đang loay hoay tìm cách vượt qua bão giông nghiệp lực của chính mình.

Nốt lặng trong đường tu không phải tự dưng sinh ra mà được dẫn dắt từ những nốt trầm. Những hạt mưa li ti gom lại mới kết thành dòng thác. Bắt đầu từ những việc như buông lung các căn, không tiết độ trong ăn uống, chẳng giữ thời khóa công phu bền bỉ, không siêng năng chế ngự ngủ nghỉ, không học tập và tư duy Chánh pháp nên dần dà sự thối thất trong đường tu đã xảy ra.

“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo tên là Đê-xá, cùng với một số đông Tỳ-kheo khác tập hợp tại nhà ăn. Tỳ-kheo Đê-xá nói với các Tỳ-kheo:

- Thưa các Tôn giả, đối với Pháp tôi không thể phân biệt. Tôi không thích tu phạm hạnh nữa, chỉ thích ngủ nghỉ nhiều và nghi hoặc đối với Pháp.

Bấy giờ trong chúng có một Tỳ-kheo đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

- Thế Tôn, Tỳ-kheo Đê-xá, nhân lúc chúng Tăng tập hợp tại nhà ăn, đã nói lên những lời như vầy: ‘Đối với Pháp tôi không thể phân biệt. Tôi không thích tu phạm hạnh nữa, chỉ thích ngủ nghỉ nhiều và nghi hoặc đối với Pháp’.

Phật bảo Tỳ-kheo:

- Tỳ-kheo Đê-xá này là kẻ ngu si, không gìn giữ các căn, ăn uống không có chừng mực; đầu đêm, cuối đêm, tâm không tỉnh thức, giải đãi biếng nhác, không nỗ lực tinh tấn, không khéo quán sát tư duy pháp thiện. Tỳ-kheo này mà đối với phân biệt pháp, tâm thích tu phạm hạnh, xa lìa mọi sự ngủ nghỉ và ở trong Chánh pháp mà xa lìa mọi sự nghi hoặc, thì việc này không thể xảy ra. Nếu Tỳ-kheo giữ gìn các căn, ăn uống chừng mực; đầu đêm, cuối đêm, tỉnh thức tinh tấn, quán sát pháp lành; với Tỳ-kheo ấy, sự yêu thích pháp phân biệt, ưa tu phạm hạnh, xa lìa mọi sự ngủ nghỉ, tâm không nghi ngờ Pháp, điều này có thể xảy ra”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 271 [trích])

Thế Tôn đã chỉ dạy thật rõ ràng, sự việc gì cũng có nhân duyên. Tu tiến hay lùi cũng đều có nhân duyên. Phải thấy rõ tiến trình nhân-duyên-quả của mỗi sự việc thì mới có thể trị liệu và chuyển hóa. Bạn đồng tu với mình càng ngày càng tăng trưởng phước huệ, an yên với đạo mà sao ta thì ngược lại. Bằng hữu thì phơi phới, hoan hỷ, an vui trong Pháp mà sao ta lại bất an, nghi hoặc, muốn thoái lui.

Truy tìm nguồn cơn của sự việc, hóa ra cũng tại mình. Lâu nay mình buông lung quá, thấy cái gì cũng thích, nghe cái gì cũng hay,… các căn không phòng hộ. Ăn uống thì vô chừng, không kể giờ giấc, lại luôn tìm cầu mới lạ ngọt ngon. Lười biếng công quả, giải đãi công phu, ham mê ngủ nghỉ nên lực tu ngày càng suy kiệt. Lại thêm không chịu học hiểu Chánh pháp để thấy con đường, đi trong lờ mờ và quờ quạng biết về đâu.

Khi đã thấy rõ nhân duyên của sự thối thất rồi thì hãy đứng dậy và đảo chiều nghiệp lực. “Nếu Tỳ-kheo giữ gìn các căn, ăn uống chừng mực; đầu đêm, cuối đêm, tỉnh thức tinh tấn, quán sát pháp lành; với Tỳ-kheo ấy, sự yêu thích pháp phân biệt, ưa tu phạm hạnh, xa lìa mọi sự ngủ nghỉ, tâm không nghi ngờ Pháp, điều này có thể xảy ra”.

Lời Đức Phật dạy (trong phần cuối của bản kinh trích ở trên) “Hãy đến dưới bóng cây, hoặc chỗ đất trống, hoặc trong hang núi, trải cỏ làm chỗ ngồi, khéo tư duy chánh niệm, tu tập không buông lung, chớ để tâm hối hận về sau này” chính là chìa khóa cho sự nghiêm thân, tấn đạo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.