Chùa Bửu Hương nằm ven quốc lộ 1 cách chợ Tắc Vân (Cà Mau) không xa. Ngôi chùa này bỗng dưng nổi tiếng do vụ cá sấu sổng chuồng từ trại nuôi của Công ty Quốc Việt, đang đêm lẻn vào tận chánh điện.
Hình ảnh người ta bắt cá sấu trong nơi thờ Phật được đăng trên các báo khiến ngôi chùa nhỏ được nhiều người biết. Nhưng có chuyện ít người hay, kể cả tôi, sống chỉ cách đó vài ba cây số: trong số các cháu bé chùa nhận nuôi, có một cháu bị não úng thủy.
Tôi lạy Phật và hỏi sư cô trụ trì về cháu bé. Sư cô chỉ ngay dưới chân tôi: Cháu đấy, cậu! Tôi thảng thốt nhìn dưới chân mình một cháu bé nằm gần như bất động với cái đầu to, dị dạng. Nước vàng từ chiếc đầu to đêm đêm cứ rịn ra chảy trên gạch, kiến riện bu đầy, cho dù sư cô đã làm hết sức.
Người ta kể cho tôi nghe về cháu: mẹ cháu vì hoàn cảnh mà đã đến gặp sư cô để gửi cho chùa nuôi ngay khi cháu còn trong bụng. Đến khi bệnh viện kiểm tra phát hiện cháu bị não úng thủy, đã có lời khuyên bỏ thai nhi, song sư cô quyết nhận nên cháu ra đời. Cháu về chùa lớn lên, nhưng chỉ lớn phần đầu. Cháu có giấy khai sinh, có pháp danh song người ta hay gọi là bé Mèo.
Bé Mèo nằm bất động ở chánh điện, ngay dưới chân Phật. Người ta bảo vì cưu mang bé Mèo mà sư cô trụ trì mất đi vẻ trang nghiêm của bậc tu hành, và chánh điện thờ Phật mất đi sự thanh tịnh cần có. Song đấy chỉ là cái nhìn phiến diện. Sư cô thay người mẹ và làm hơn người mẹ để chăm lo cho bé Mèo.
Tôi đã tận mắt nhìn sư cô bồng cháu lên một cách rất ư nhẹ nhàng, bón sữa và âu yếm cháu. Và cho dù bé bất động như thế, nhưng sư cô vẫn đoan chắc với tôi là cháu biết hết đấy cậu. Kìa, cậu nhìn cháu cười, mình nói gì cháu cũng nghe và hiểu hết...
Vâng, tôi hiểu tấm lòng bậc xuất gia, chỉ tấm lòng thôi. Vì tôi đã tìm hiểu qua một bác sĩ nổi tiếng và được biết bệnh của bé Mèo y học dường như bó tay, cháu phải sống gần như thực vật, nhiều trường hợp được chạy chữa đầy đủ vẫn không kéo dài được cuộc sống bao lâu.
Hôm nọ cá sấu của Công ty Quốc Việt lẻn vào chánh điện, đến cạnh bé Mèo, suýt chút nữa bé đã làm mồi cho loài bò sát man dại này, may mà sư cô phát hiện kịp. Số cháu chưa hết. Cho dù sống có dễ đâu. Khiếm khuyết từ thuở hoài thai, được gửi ở chùa với một pháp danh, nương dưới chân Phật đúng theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng vậy mà suýt chút đã tiêu đời trong hàm cá sấu. Nghĩ đến đấy như thấy được sự mông lung của kiếp nhân sinh.
Tôi nhìn thấy đạo không phải ở sự uy nghi của bậc tu hành, không ở sự thanh tịnh, không ở thuyết pháp thông tuệ nào, mà ở sự tồn tại của bé Mèo. Bé là một bài pháp sinh động Bất khả tư nghị (Không thể nghị bàn). Nếu sư cô khư khư giữ sự uy nghi thì còn đâu chỗ cho bé Mèo trên đời này?
Nguyễn Thành Công (TTCT)