Chuyện ba đứa trẻ bị bỏ rơi trước cửa chùa

Giác Ngộ- Đó là một ngôi chùa nhỏ như bao ngôi chùa khác ở Nam Bộ, nhiều người ghé thăm đều không khỏi ngạc nhiên khi thấy nơi đây lại rộn tiếng khóc, cười của trẻ con khác hẳn với vẻ trang nghiêm, yên tĩnh. 

Gần hai năm qua, chùa Phước Điền (ấp 5, xã Phú An, Cai Lậy, Tiền Giang) đã mở rộng vòng tay đón nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa để nuôi dạy. Những người mẹ của chùa Phước Điền ấy không phải là ai khác, chính là các sư cô và các cô “bảo mẫu”của chùa.

Phận người mong manh

Chùa Phước Điền nằm cách ngã ba Văn Cang (huyện Cái Bè, Tiền Giang) khoảng 200m. Đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ bình thường như bao ngôi chùa khác ở Nam Bộ. Bên trong nhà chúng, bàn ghế được sắp xếp gọn lại tạo một khoảng trống để có chỗ cho mấy đứa trẻ vui chơi và sinh hoạt.

anh 1.jpg

Sư cô Như Thảo và các bé

Khi nhìn thấy Sư cô TN.Như Thảo xuất hiện, 2 đứa trẻ đang nô đùa bỗng reo lên vui mừng “Sư phụ”, còn bé gái đang nằm trong nôi cũng cố gắng ngước lên nhoẻn miệng cười. Và rồi, những ánh mắt ngây ngô nhìn chúng tôi. Có bé còn chắp hai tay miệng ngọng nghịu “Mô Phật”. Giờ đây, tôi mới có dịp quan sát những đứa trẻ và trong thâm tâm tôi tự nghĩ rằng tại sao có những người cha, người mẹ lại nhẫn tâm bỏ núm ruột mang nặng đẻ đau của mình ra ngoài đường. Và nếu không có những tấm lòng cưu mang thì những ánh mắt trẻ thơ kia nay sẽ về đâu.

 Ngồi tiếp chuyện cùng chúng tôi, Sư cô Như Thảo chỉ bé trai lớn nhất cho biết, hồi cuối năm 2009, lúc tờ mờ sáng, sư cô dậy quét sân chùa, bỗng thấy một chiếc khăn được quấn tròn lại đựng trong một chiếc thau, kế bên là tã, áo quần... Biết là một em bé bị vứt bỏ, sư cô bế lên đưa vội vào chùa. 

Em bé còn đỏ hỏn, da dẻ mong manh như tờ giấy mỏng. Mấy ngày sau đó, cháu khỏe dần và được đặt tên là Ngô Minh Hiếu (lấy họ của Sư cô Thích nữ Như Thảo). Vài tháng sau, sư cô tiếp một cô gái trên tay bồng một bé sơ sinh. 

Vào chùa, cô gái chỉ biết khóc và xin sư cô cho gửi đứa con mới 6 ngày tuổi, rốn vẫn còn chưa rụng... Trao xong đứa bé cho chùa, cô gái đưa vội một số giấy tờ có liên quan rồi hứa một ngày gần nhất đến đón cháu về. Vậy mà gần một năm trôi qua, cô gái ấy vẫn biệt tăm. Bé được sư cô đặt tên là Ngô Minh Thiện.

Giọng sư cô chợt chùng lại khi nói đến đứa bé gái đang nằm trong nôi: “Khoảng tháng 8 ÂL năm rồi, sau một cơn mưa lớn khoảng 2 giờ chiều, bé Minh Hiếu khóc hoài không nín, sư cô bồng cháu ra phía trước sân để dỗ. Tình cờ nghe tiếng oe oe phát ra từ chiếc áo mưa cuộn tròn sát hàng rào. Lúc đó, cô Sanh cũng vừa bước ra. Biết là đứa trẻ bị bỏ rơi, cô vội bế ngay vào chùa. Tội nghiệp, không biết cháu bị bỏ rơi trước hay sau mưa, da tím ngắt, chỉ thở thoi thóp. May mà nhà Phật thương nên cũng qua khỏi và chúng tôi đặt tên cháu là Ngô Thị Minh Lộc”. 

Tôi nghĩ, nếu nhìn thấy khuôn mặt bụ bẫm dễ thương với hai má phúng phính, đôi mắt đen tròn cười đùa cùng mọi người chắc cha mẹ bé không nỡ bỏ rơi con mình như thế. Cha mẹ xa con như thế này có thể vì một lý do bất khả kháng nào đó.

Bé Minh Hiếu đã hơn 17 tháng tuổi có phần dạn dĩ hơn cứ quấn quít bên chúng tôi. Sư cô cho biết, khi nhận những trường hợp này, sư cô đều báo cáo với chính quyền địa phương nhưng không ai đến nhận, và sau đó làm giấy khai sinh cho các bé.

Chăm sóc ba đứa trẻ bên cạnh sư cô còn có chị Sanh ở ấp 2. Chị Sanh nhà nghèo, lại bị chồng con ruồng bỏ, chị đã đến chùa nhận làm công quả mong tìm lại sự bình yên và sau đó âm thầm làm “bảo mẫu” cho những đứa trẻ. Hay như chị Thu, vừa nghỉ hưu, chị cũng đến chùa tình nguyện chăm sóc các cháu. Chính sự hồn nhiên, dễ thương của 3 đứa bé đã giúp cho các cô “bảo mẫu không chuyên” này có được niềm vui trong cuộc sống.

Tấm lòng từ bi

Sư cô TN.Như Thảo đã 57 tuổi nhưng đã có trên 36 năm sống nơi cửa Phật. Quê của cô ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), quãng thời gian thơ ấu của Sư cô Như Thảo là những tháng ngày đầy cơ cực, gia đình đông anh em, thiếu thốn quanh năm. Thời trước cô từng tham gia cứu thương, chăm sóc thương binh nhưng vẫn nuôi chí nguyện xuất gia. Sau năm 1975, Sư cô TN.Như Thảo đã xin được vào chùa Thiền Khiêm (Tháp Mười) tu tập theo đúng ý nguyện. 

Đến năm 1990, sư cô được Đại đức Thích Thiện Đạt, trụ trì chùa Phước Điền, mời về phụ giúp chùa vì thầy đã cao tuổi. Bao nhiêu gian khó ban đầu, Sư cô Như Thảo đều vượt qua, từ việc làm thực phẩm chay để bán đến đi vận động tìm kinh phí để trùng tu lại chùa. Nhờ tấm lòng tận tụy của sư cô và sự trợ duyên của Phật tử, chùa đã được trùng tu lại khang trang, làm chỗ tu tập cho hàng Phật tử tín tâm.

anh 2.JPG

Bé Ngô Minh Hiếu

Duyên trời đã đưa sư cô đến làm mẹ của 3 đứa bé bị bỏ rơi và xem chúng như chính như con ruột của mình. Thời gian đầu, việc chăm nom các cháu, thay tã lót, bế ẵm đều chỉ mình sư cô lo liệu. Có cháu còn nhỏ khát sữa, sư cô xin những phụ nữ gần chùa cho các cháu bú nhờ. Sau này, khi có cô Sanh, cô Thu đến giúp, sư cô đỡ vất vả hơn. 

Ngày nào cũng vậy, những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm lại được các cô chăm lo từng chút một, nhìn những đứa trẻ thơ ngây ngủ ngon lành, Sư cô thấy thương và cố gắng bù đắp cho chúng tình cảm ấm áp như một gia đình. “Nhiều hôm đang ngồi đọc kinh, những đứa trẻ chưa quen cuộc sống trong khuôn khổ lại khóc thét lên, chúng tôi không làm sao tĩnh tâm được”, Sư cô TN.Như Thảo cho biết.

Nói về nỗi vất vả của mọi người trong chùa khi nuôi các bé, Sư cô Như Thảo không giấu nổi niềm tự hào: “Mình đi tu hướng Phật nên làm những công việc nhỏ nhặt này thì có vất vả gì đâu, ngược lại còn thấy vui hơn vì mình đã nuôi nấng, dạy dỗ các cháu nên người và có được niềm vui “làm mẹ””.

Khi hay tin có 3 cháu bé mới sinh nhưng bị gia đình bỏ rơi ai cũng cảm thương nên tranh thủ  đến chùa để xem mặt. Nhiều người đã hỗ trợ vật chất thêm để nuôi nấng các bé. Gần hai năm qua, cũng nhiều lần có người đến xin các em về nuôi, sư cô đều nhất quyết từ chối vì lẽ: “Ở đây, dù tôi có vất vả nhưng các cháu được ăn no, được chăm sóc dạy dỗ và sẽ được đi học”. 

Mục đích của sư cô là tạo cho các cháu có tổ ấm, có ăn có học, nhận thức đúng đắn và đỡ gánh nặng cho xã hội. 

Vì thế với tâm nguyện của người xuất gia, sư cô nhận nuôi những đứa trẻ này với tấm lòng từ bi và cố gắng bù đắp cho các cháu. Sư cô cho biết những đứa trẻ dù bị cha mẹ chúng bỏ rơi nhưng chúng đã có duyên được làm con trong chùa, được nương nhờ nơi cửa Phật. Đó là nhờ các cháu có được phước duyên, chúng sẽ được chăm sóc, học tập và sống đời sống thơ ngây như bao đứa trẻ khác. 

Sau này, các cháu có thể sẽ tìm lại được nguồn cội, gia đình và khi đến tuổi trưởng thành, các cháu tùy duyên mà tự quyết định con đường mình phải đi để làm người lương thiện và có ích cho xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.