Chút cảm nhận nhịp thời gian trước giao thừa giữa năm cũ và năm mới 2010 !

Chút cảm nhận nhịp thời gian trước giao thừa giữa năm cũ và năm mới 2010 !
Thời gian là gì ? Thấm thoắt 365 ngày trong một năm đã qua như thoi đưa. Vậy 365 ngày đó là gì ? Xin đáp đó là thời gian. Thời gian là cái gì dài hơn hết, ngắn hơn hết, mau hơn hết, bị bỏ bê hơn hết, được luyến tiếc hơn hết. Thời gian không có nó không có việc gì có thể làm được; nó tiêu hủy tất cả cái gì nhỏ, làm sống lại cái gì lớn.

Để sách tấn và kiểm nghiệm lại công phu tu tập của  đồ chúng  sau một thời gian dài học đạo Đức Phật có hỏi các đệ tử của Ngài rằng: mạng người sống được bao lâu ? các Tỳ Kheo lần lượt trình bày kiến giải của mình lên Đức Thế Tôn, ai cũng mong muốn rằng mình là người liễu ngộ hoặc chí ít ra cũng đã hiểu được tông chỉ mà Ngài đã dày công dạy bảo.

Rất nhiều quan điểm, rất nhiều kiến giải khác nhau đã được trình bày lên đức Phật song Ngài vẫn chưa xác quyết. Đúng lúc mọi người cảm thấy hoang mang nhất, mất phương hướng nhất thì có một vị Tỳ Kheo thưa: "Bạch Đức Thế Tôn ! Mạng người sống được trong hơi thở ?" Chỉ lúc này Đức Phật mới gật đầu mỉm cười và nói: "Ông là người đã hiểu đạo !" [1]

Điều đó cho thấy rằng phải có thời gian các pháp mới viên dung. Đức Phật tìm ra chân lý cứu đời sau khi phải trải qua quãng thời gian dài tu hành và học đạo. Chính trong khoảng thời gian sáu năm tu hành khổ hành và năm năm tìm thầy học đạo ấy Ngài đã tìm ra nguyên nhân khiến chúng sinh đau khổ là do chúng sinh bị vô minh che lấp không chịu sống trong sự thật và chấp nhận sự thật rằng:

“Chư hành vô thường
Chư pháp vô ngã
Nhất thiết giai khổ
Tịch tịch Niết Bàn”

Chính tư tưởng không chịu chấp nhận sự thật này mà chúng sinh cứ chạy Đông, tìm Tây mượn giả làm chân, say sưa trong ảo vọng để rồi khi kịp ngộ ra thì mới hay rằng “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt...”[2]

Mong muốn chúng sinh tìm được hạnh phúc chân thật ngay bên trong đời sống vốn bấp bênh, giả tạm Đức Phật đã khéo léo nhắc nhở các đồ chúng của Ngài hãy mau mau quay về thực tại để thể nhập đời sống của mình trọn vẹn qua hai chữ thời gian bằng việc hỏi đạo các Tỳ Kheo.

Vâng ! Thời gian quả thật là mong manh, giả tạm khi mà mạng sống của con người chỉ trong hơi thở. Nhưng cũng vì nhận chân được sự vô thường đến, đi của sự vật là không đoán định được bao giờ nên biết bao người đã sống, đã cháy, đã cống hiến tài năng, trí tuệ, đạo đức của mình cho nhân loại một cách không hề biết chán mệt. Để chạy đua với thời gian, các bậc vĩ nhân như Đức Phật, Mẹ Teresa, Phật hoàng Trần Nhân Tông....đã không hề bị chi phối bởi khái niệm thời gian vì họ đã quên đi bản thân mình, đã đốt cháy bản thân mình để thắp sáng những giá trị đạo đức nhân sinh, những tư tưởng nhân bản, nhân văn mà ngàn đời sau nhân loại vẫn lấy đó làm kim chỉ nam, làm khuôn vàng, thước ngọc cho mọi ứng xử trong đời sống văn hóa tinh thần của con người.

Khi xưa, Khổng Tử cùng các môn đệ của mình đứng trên bờ sông nhìn dòng nước chảy tuôn thao bất tận mà cảm khái than rằng: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ". Tạm dịch là: "Trôi mãi như thế này sao ngày đêm không thôi!”. Thời gian cũng với ý niệm ấy luôn bị đẩy lên phía trước không bao giờ dừng lại. Vậy thời gian là gì mà nhân loại ngàn năm trước cho đến ngàn năm sau luôn có những tiếng thở than rằng: “Trời đất là quán trọ của vạn vật, thời gian là khách đi qua của trăm đời, cuộc phù sinh như giấc mộng, biết tìm hoan lạc ở nơi đâu?[3].

Thời gian đôi khi bị đông cứng, đứng yên như một thế giới phẳng đối với những ai đang chờ đợi nó và nhanh như tên bắn đối với người đang hưởng thụ nó với cảm giác tiếc nuối vì: “cuộc vui ngắn chẳng tày gang”. Thời gian cũng có thể bị nát vụn, bị xé tan đối với những ai sống mà không hoặc chưa tìm ra mục đích, kế hoạch gì cho tương lai. Chưa hết, thời gian còn bị bỏ bê, bị quên lãng đối với những ai đang đắm say trong dục vọng, với những ai “ chưa cuối xứ mê ly, chưa cùng trời phóng đãng[4], với họ những đêm dạt vòm, những cơn say thuốc lắc, sự quyến rũ của nàng tiên nâu mới là đích đến. Và thời gian lại là sự luyến tiếc đến không nguôi, nỗi ám ảnh đến dày vò, day dứt đối với những ai có được sự sung sướng, hạnh phúc nhưng lại coi thường nó, không nâng niu, trân trọng, giữ gìn và chỉ khi nó mất đi mới giật mình hối hận.

Hôm nay, ngần ngại bóc tờ lịch cuối cùng của một năm xuống mà chợt thấy cõi lòng se lại vì hổ thẹn với Đức Thế Tôn. Hổ thẹn vì  bản thân mang danh là những thiện nam tử, thiện nữ nhân của đấng Từ Phụ nhưng chưa làm được thật nhiều điều tốt đẹp cho nhân sinh. Hổ thẹn vì lúc nào cũng mượn cớ không có thời gian để trì hoãn những dự định tốt đẹp, hổ thẹn vì biết mái tóc mẹ đã nhuộm trắng màu thời gian để đổi lại cho đời con xanh hy vọng nhưng con thì lúc nào cũng lần lữa thất hứa với mẹ rằng con bận học quá, con bận làm ăn quá, con có nhiều dự án, công trình, nhiều hợp đồng béo bở quá chưa về thăm mẹ được mẹ ơi...

Ngoái nhìn lại một năm đã qua hàng đệ tử Phật chúng ta có tự hỏi lòng mình đã làm được những gì và chưa làm được những gì ? Trước thềm năm mới 2010 - Năm đánh dấu thập kỷ đầu của thế kỷ XXI cả nhân loại đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình để chung tay xây dựng một kỷ nguyên tốt đẹp, cũng là năm mà tất cả những người con Phật nói riêng và tất cả mọi công dân Việt Nam nói chung hân hoan đón chào đại lễ mừng Hà Nội ngàn năm tuổi. Thế nhưng, vẫn còn đó những ngổn ngang trăn trở khi mà biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến Việt Nam, khi mà những giá trị đạo đức căn bản giữa người với người, vợ với chồng, cha với con anh với em đang có nguy cơ bị xói món bởi cơn lốc của nền kinh tế thị trường, khi mà những cơn lũ quét, lốc xoáy... luôn luôn tiềm ẩn những họa hoạn vô cùng tàn nhẫn và khắc nghiệt lên trên những số phận lam lũ... khi mà an toàn thực phẩm, hóa chất độc hại, cùng bệnh tật, stress... đang gặm nhấm tinh thần, thể xác của con người và để lại những vết thương chưa liền sẹo.

Thời gian sẽ không bao giờ dừng lại để chờ đợi chúng ta vì đích đến của nó là phía trước. Kẻ thức giả an trú trong hiện tại luôn thấy thời gian như hơi thở nên ra sức làm nhiều thiện pháp, tạo công đức lành... Mong rằng, tất cả những người con Phật chúng ta sẽ làm sống lại quá khứ hào hùng của cha ông, sống lại tinh thần “ Hòa quang đồng trần” năm xưa của các bậc xuất trần Thượng sĩ. Và sống có giá trị trong từng Sát na của sự sống để khi mất đi ta không phải hối tiếc một điều gì ta chỉ có thể an nhiên nở một nụ cười vì tất cả đều là Diệu Pháp. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.