Chúng tôi là cư sĩ

'Chúng tôi là cư sĩ', nghe hao hao giống nhà báo Lại Văn Sâm nói 'Chúng tôi là chiến sĩ'. 'I am cư sĩ', nghe hao hao giống Y Ban nói 'I am đàn bà'! Bạn đừng vội cười, vì tôi viết rất nghiêm túc! Bạch Tầm Xuân

Chắc hẳn bà con cư dân mạng sẽ thấy từ "cư sĩ" là lạ, nhưng chúng tôi là cư sĩ, hay nói cách khác, chúng tôi là Phật tử.

Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê, ở phố thị, người giàu kẻ hèn nhưng tất cả có một điểm chung: giác ngộ Phật pháp. Một con người khi đã bước chân trên con đường giác ngộ, thì tất yếu, người đó sẽ sống thận trọng, tử tế, vị tha, nỗ lực hơn. Bạn thử hình dung xem, bạn được sống trong một nhóm bạn toàn những người tử tế, vị tha thì dễ chịu nhường nào. Tôi cam đoan là dễ chịu đến mức hài lòng với cuộc sống! Vì thế, người cư sĩ là những người nỗ lực nhiều thứ... để trở thành sự dễ chịu cho những người xung quanh.

Chúng tôi là cư sĩ - là doanh nhân, là buôn bán, là sinh viên, là bốc vác, là bác sĩ, là phóng viên... Dù là ai, chúng tôi cũng cố gắng thực hành buông xả sở hữu vật chất, tiền bạc - buông xả được nhiều thì sẵn lòng chia xẻ cho tha nhân được nhiều, buông xả ít thì chia xẻ chút ít, dần dần cho tới khi giác ngộ tốt hơn!

Là cư sĩ, cũng có khi, chải chuốt hình thức cho cuộc giao dịch, cũng có khi đóng bộ đồ lịch sự nơi công sở, cũng có khi khoác áo lam bước vào cổng chùa. Dù đóng vai trong những bộ dạng nào, tâm chúng tôi vẫn luôn luôn hướng về Phật, nhớ lời Phật dạy, và cố gắng thực hành. Lời Phật dạy đơn giản và dễ nhớ như thế này:
Điều ác xin chớ làm
Duyên lành xin gắng gieo
Nội tâm giữ an nhiên
Câu thiêng Thế Tôn dạy.

Bốn câu thơ ngắn vậy thôi, nhưng chúng tôi thực hành đến hết đời cũng không xong. Dù sao, chúng tôi vẫn bình tĩnh mà gieo - gieo những mầm thiện cho mỗi ngày. Tặng ai đó một nụ cười, tặng ai đó một cái bánh mì, tặng ai đó một lời động viên, giúp ai đó một hành động, biếu ai đó một tờ polyme, hay một điều gì đó mà bạn thấy lạ! Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy chúng tôi cúi rạp người sát đất để quỳ lạy trước tượng Phật. Bạn sẽ tò mò khi thấy chúng tôi ngồi kiết già, thiền định giống tư thế của tượng Phật. Mỗi ngày, chúng tôi chọn một niềm vui từ những điều như thế! 

Sống như thế, vô hình chung, chúng tôi giảm bớt tham, sân, si từng ngày, từng ngày... Khi tấm lòng bao dung, vị tha tăng lên là khi tham, sân, si hạ xuống. Điều đó tương ứng với sự gia tăng chỉ số EQ.

Trí tuệ cảm xúc EQ trong mỗi người tỷ lệ thuận với đạo đức và lương tâm. Trí tuệ EQ giúp chúng tôi thích nghi với công việc tốt hơn, giảm thiểu stress trong cuộc sống tốt hơn. Sự thật hiển nhiên như thế, như mặt trăng dịu êm hơn mặt trời! 

Những cụm từ trừu tượng như "bản ngã, từ bi, vô ngã" có khiến bạn quan tâm? Với chúng tôi, đó là những "chìa khóa" thần chú hàng ngày. 

Bản ngã, trong nó có cái tôi vị kỷ, hẹp hòi, có cái tôi vị tha tử tế, có cái tôi kiêu căng ngã mạn, có cái tôi khiêm tốn bé nhỏ. Cái tôi này cá tính xương gai, cái tôi kia dịu dàng tinh tế... Tất cả theo guồng quay 24h mỗi ngày!

Từ bi sâu sắc, xa xôi... Khó lắm, chúng tôi rèn luyện EQ, kỹ năng vị tha trong suốt 3 năm, thậm chí 5-10 năm, may ra tâm từ bi le lói. Hiểu một cách sơ sơ, "từ" nghĩa là vui niềm vui của người, bi là xót xa cho nỗi buồn tha nhân. Chúng tôi lần bước trên từng viên gạch của sự tôn trọng người khác, tử tế, bao dung, từng viên gạch của lòng yêu thương cỏ cây, muông thú... cứ thế, cứ thế, chúng tôi mang sự bao dung, vị tha của mình để đối đãi với đời! 

Tương lai phía xa xa. Một ngày nào đó, cái tôi mòn mỏng bay đi theo gió, chúng tôi trở thành vô ngã.

Vô ngã và vị tha tuyệt đối là hai mặt của một đồng xu! Vị tha để đi trên con đường về xứ Phật... 
Và bạn có biết: Tại sao chúng tôi sống theo lý tưởng vô ngã?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.