GN - Ngày 6-6-2015, một sự kiện rất hy hữu sẽ được tổ chức tại New York Hall of Science (Mỹ) để kỷ niệm một thông điệp: “Chúng ta đều là anh em”. Sự kiện gọi tên như là một cuộc đoàn tụ đại gia đình thế giới được phát động bởi AJ Jacobs, một tác giả sách nổi tiếng.
Al Jacobs đã lập một website để truyền thông cho sự kiện này, website có tên Global Family Reunion, tạm dịch là “Đoàn tụ gia đình thế giới”. Trong bài nói chuyện trên Ted Talk, Jacobs bằng những lập luận rất đơn giản nhưng thuyết phục đã khẳng định rằng: “Chúng ta không chỉ giống nhau đều là con người. Chúng ta còn là anh em trong một gia đình”.
Cuộc chia tay đầy quyến luyến của những người dân ở hai miền Nam và Bắc Triều Tiên - Ảnh: AFP
Bằng cách liên kết dữ liệu trên các website về sơ đồ gia hệ, như Geni, MyHeritage, Wikitree..., ý tưởng được đưa ra là, ví dụ gia đình bạn có bốn người bao gồm cha mẹ và hai người con, mỗi người đã hoặc sẽ lại có một gia đình bốn người khác, và mỗi gia đình bốn người đó lại có những gia đình bốn người khác trong đó; cứ tiếp tục như vậy, theo thời gian, hơn bảy tỷ người trên thế giới này đều trực tiếp hoặc gián tiếp có “họ hàng” với nhau vì cùng có chung tổ tiên, và hậu thế. Những website về sơ đồ gia hệ như thế sẽ giúp bạn “kết nối” các gia đình lại với nhau, giống như tìm xem miếng ghép của bạn nằm ở đâu trong bức tranh ghép hình của đại gia đình thế giới, và từ đó mở rộng định nghĩa của bạn về “gia đình”.
Ý tưởng về “miếng ghép” các gia đình này thoạt nghe có vẻ không thực tế cho lắm. Làm sao bạn có thể có “họ hàng” gì đó với một người bạn chưa từng gặp hoặc thậm chí là một người ở cách bạn đến nửa vòng trái đất như tài tử Brad Pitt người Mỹ hay nhà bác học Albert Enstein người Đức? Có thể lắm chứ! Một gia đình hai người có hai người con, mỗi người con lại có hai người con, sau mười thế hệ, số người hậu thế đã lên đến con số ngàn và cứ vậy tăng lên theo cấp số nhân của 2 (hai). Như vậy không quá khó để tưởng tượng về một đại gia đình thế giới nhiều thế hệ, bao gồm đủ các mối quan hệ anh chị em, cô dì chú bác có cùng tổ tiên và hậu thế. Thế giới từ đó là một đại gia đình.
Chúng ta thường bó hẹp định nghĩa gia đình trong phạm vi “tôi” và “cái của tôi”. Con trai của tôi thì sẽ được coi trọng hơn con trai của anh, vì đó là gia đình của tôi, và tất nhiên là khác với con trai của em gái đằng vợ của người em họ ba đời với tôi, mặc dù cũng là họ hàng! AJ Jacobs khi nói về ý tưởng thế giới là một đại gia đình này, ngoài những dữ liệu giúp ích cho nghiên cứu khoa học về sự di dân, các bệnh di truyền, ông còn nói về một viễn cảnh thế giới tốt đẹp hơn khi đối xử giữa người với người không còn là mối quan hệ xa lạ, mà trên thực tế khoa học, là một đại gia đình.
Trong khi rất nhiều nhà khoa học đang nỗ lực chứng minh sự việc này một cách thực tế để dễ tiếp nhận hơn nữa, Đức Phật bằng tuệ nhãn thanh tịnh đã nhìn thấy và nói cho chúng ta biết hơn hai ngàn năm trước. Phật pháp quan niệm rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, vì vậy, tất cả chúng sanh đều bình đẳng. Không những người với người bình đẳng, vạn vật muôn loài trong vũ trụ đều bình đẳng, vì đều có “trí tuệ và đức tướng của Như Lai” như kinh Hoa nghiêm nói.
Vì sao kiếp này chúng ta gặp nhau, có quan hệ trong một gia đình với nhau? Nhà Phật lược nói do vì có bốn nhân duyên: đòi nợ, trả nợ, báo ân và báo oán. Nhân quả ba đời thông suốt, nhân duyên lược nói gồm có bốn nhân. Chúng ta đời này gặp nhau trong một gia đình là vì trong một hay nhiều đời quá khứ đã có nhân duyên với nhau, chính vì đã gieo bốn loại nhân trên nên khi nhân duyên hội đủ tạo thành kết quả. Như vậy, đối với mỗi người bạn gặp hàng ngày, hàng giờ, đều là vì một nhân duyên nào đó trong quá khứ, hoặc có thể là một nhân duyên tiếp tục cho tương lai.
Có câu, “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, đã có gặp gỡ, có “tương ngộ”, tức là đã có “hữu duyên”. Nếu không có nhân duyên chắc chắn không thể gặp, giống như một tràng hạt nếu không có xâu chuỗi thì không thể nối liền.
Hiểu được tất cả chúng sanh đều là một đại gia đình, hành động của chúng ta sẽ thay đổi. Những người ta gặp, những người sống cùng một mái nhà, một khu phố, một đất nước, một địa cầu này, đều có nhân duyên với ta trong đời quá khứ. Họ có thể đã từng là cha mẹ, vợ con, ông bà, anh chị em với ta, hoặc ngược lại. Khi chuẩn bị nói lời thô ác, trách móc, mắng nhiếc người khác, hãy chợt nghĩ rằng họ rất có thể đã từng là cha mẹ của mình, là họ hàng thân thích của mình, vậy thì hãy từ tốn giải thích những khúc mắc trong lòng, đối xử với nhau bằng sự chân thành, cung kính.
Khi ý niệm tà dâm vừa khởi lên, chợt nghĩ rằng tất cả người nam đã từng là cha ta, tất cả người nữ đã từng là mẹ ta, chúng ta đều là anh em họ hàng của nhau, ý niệm tà dâm kia còn khởi lên được nữa hay chăng? Khi chuẩn bị cầm dao cắt cổ một con gà, một con lợn, nếu nghĩ rằng mình đang cầm dao cứa cổ chính những người thân trong gia đình mình, bạn có thấy gớm tay hay không? Bạn còn có thể làm được nữa chăng? Cho nên đối xử với người, với vật, người học Phật phải luôn luôn chân thành, cung kính. Xét về quá khứ, tất cả người, tất cả vật đều là họ hàng thân thích với ta. Xét về tương lai, tất cả người, tất cả vật đều sẽ thành Phật. Như vậy thì có thể không chân thành, không cung kính được hay sao?
Cho nên, người học Phật phải rộng mở tâm lượng, “tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới”, tâm lượng rộng mở bao trùm cả hư không cùng pháp giới. Thế giới này là một gia đình, bất luận bạn là tôn giáo, quốc gia, sắc tộc nào, chúng ta đều là anh em của nhau, đối xử với nhau cần phải chân thành, cung kính, tương thân tương ái. Bởi vì: “Không gì có thể phân biệt giai cấp giữa chúng ta khi dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”, bạn có thấy như vậy không?