GN - Vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina Plaza (Q.8) vào rạng sáng ngày 23-3 khiến 13 chết và gần 100 người nhập viện được xem là vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nặng nề nhất tại TP.HCM trong hơn 15 năm qua, chỉ đứng sau vụ cháy kinh hoàng ITC với hơn 60 người thiệt mạng vào năm 2002. Những vụ hỏa hoạn như thế luôn mang đến cảm giác bàng hoàng tột độ cho cộng đồng xã hội.
Lễ cầu siêu cho 13 nạn nhân tại sân chung cư Carina - Ảnh: TNO
Hàng ngày, có không biết bao nhiêu cái chết đột ngột diễn ra, ví dụ chỉ tính riêng trong lĩnh vực tai nạn giao thông, theo thống kê năm 2017, mỗi ngày tại nước ta có khoảng 22 người thiệt mạng. Dù vậy, chết vì hỏa hoạn vẫn mang lại một nỗi thương tâm to lớn lạ lùng - bởi cái chết đến bất ngờ, chết ngay nơi nhà họ, theo cách oan nghiệt nhất. Nó chính là minh chứng rõ ràng nhất cho điều mà Đức Phật thường ví: “mạng người trong hơi thở”, hay: “quỷ sứ lớn nhất là sự vô thường chết chóc”.
Theo Phật giáo, cái chết thông thường diễn ra do tuổi thọ đã mãn, do sanh nghiệp kết thúc - hay khi cả hai đồng thời xảy đến. Ngoài ra, có một sự chết đột ngột, như kiểu cơn gió dữ thổi tắt ngọn đèn, gọi là “hoạnh tử” hay chết oan, chết ngang trái, mà kinh Dược Sư mô tả điển hình qua 9 sự chết, trong đó có sự chết do lửa đốt. Nguyên nhân gần có thể do chủ quan, tắc trách, sai lầm, bất cẩn,… nhưng nguyên nhân sâu xa hơn chính là do nghiệp dữ đã tạo từ trước.
Trở lại với vụ tai nạn do lửa tại chung cư Carina. Những ngày qua, nhiều nạn nhân trong vụ cháy đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ phía cộng đồng - những người vốn xa lạ; nhiều câu chuyện cảm động diễn ra khiến cho người ta có thêm niềm tin rằng “tình người vẫn còn đó”. Giới Phật giáo cũng đã có những nghĩa cử ấm áp qua những bữa cơm chay, những lời động viên, an ủi. Tuy nhiên, tất cả những sự sẻ chia, bù đắp đó đều dành cho người còn sống. Riêng đối với những người không may thiệt mạng, chúng ta, những người con Phật, có thể làm được những gì để giúp họ? Phật giáo quan niệm, một người sau khi chết, họ sẽ tái sanh vào một trong sáu cõi - lục đạo, tùy theo nghiệp.
Phật giáo Bắc truyền nói rõ hơn, những người khi sống làm việc cực thiện, ngay khi chết liền được sanh vào cõi lành “nhanh như tên bắn”; còn người cực ác sẽ sanh vào cõi dữ “nhanh như mũi gươm phóng xuống nước”, ngay đến thần lực của Phật cũng không kịp níu giữ. Thông thường thì, với những người khi sống có thiện có ác, họ sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp sau khi chết, thọ đời sống của thân trung ấm. Giai đoạn này thường kéo dài đến 49 ngày, dĩ nhiên có thể sớm hơn. Các đạo sư Phật giáo Tây Tạng - Kim Cang thừa chỉ rõ, chúng sanh trong thân trung ấm ấy sẽ kinh nghiệm lại nỗi khổ của sự chết sau mỗi 7 ngày, cứ như thế cho đến 7 lần 7 ngày, tức 49 ngày thì theo nghiệp mà thọ sanh. Mỗi lần thọ lại kinh nghiệm chết ấy, họ có thể đau khổ hơn hoặc nhẹ nhàng hơn tùy vào sự trói buộc của tham ái, sân hận hay sự buông xả, hướng thiện của họ.
Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể giúp cho người đã mất bằng cách xoay chuyển tâm họ hướng về nẻo chánh, quy y Tam bảo và làm các việc thiện như tụng kinh, niệm Phật, phóng sanh, bố thí - cúng dường… nhằm hồi hướng công đức cho người đã mất. Kinh Địa Tạng nói rõ: “Người chết ấy, lúc chưa sinh vào các loài, tức là trong thì gian bảy lần bảy ngày, ý nghĩ này liên tiếp ý nghĩ khác, trông ngóng bà con xương thịt làm phước cứu vớt cho họ. Hết thì gian này rồi, phải tùy nghiệp mà chịu quả. Nếu là nghiệp dữ thì trải qua hàng trăm hàng ngàn năm cũng chưa có cái ngày thoát khỏi. Nếu là năm nghiệp dữ vô gián thì bị sa vào địa ngục lớn nhất ấy, trải qua cái kiếp hàng ngàn hàng vạn năm, chịu đủ mọi thứ cực hình trong thì gian rất lâu dài như vậy”.
Cũng theo kinh Địa Tạng, Đức Phật dạy thêm: “Sau khi người ấy chết rồi, trong bảy tuần bảy ngày, nếu cha mẹ bà con lại làm thêm cho họ những nhân tố thánh thiện như trên, thì năng lực việc làm ấy làm cho người chết kia thoát khỏi đường dữ một cách lâu dài, được sinh trong nhân loại hay trên chư thiên, hưởng thụ sự yên vui tuyệt diệu. Còn cha mẹ bà con đã tạo nhân tố thánh thiện cho họ thì được lợi ích vô lượng”.
Do cộng nghiệp của chúng sanh trong cõi này mà “sau khi chết, bà con lớn nhỏ làm phước cho họ bằng mọi nhân tố thánh thiện, thì trong bảy phần, người chết hưởng một, còn lại sáu phần người làm tự hưởng”; “Cho nên (…), hết lòng cẩn trọng, chân thành, làm phước như vậy thì người còn kẻ mất đều được ích lợi tất cả”. Ngược lại, trong thời gian này, người thân nếu vì họ mà làm các việc ác… thì người chết sẽ bị trì hoãn việc sanh vào đường lành và họ chẳng khác nào “một kẻ đến đây từ đường sá xa xôi, hết ăn đã ba ngày, đồ vật gánh vác lại nặng quá trăm cân, vậy mà khi gặp được người làng xóm, người này lại chất thêm một ít đồ vật và gánh vác ấy, nên kẻ kia càng nặng và càng khốn hơn lên” (Kinh Địa Tạng).
Hành trang mà người mất có thể mang theo chỉ có thể là nghiệp để làm nền tảng cho một đời sống khác. Phật giáo, với quan niệm sự sống là một sự tiếp nối không ngừng, nên đã hướng về người còn sống lẫn người đã chết. Sự trợ giúp bằng việc hồi hướng công đức đến cho người đã mất và giúp đỡ tinh thần, vật chất cho người còn sống là thiết thực và mang lại nhiều ích lợi khó có thể nghĩ bàn mà chỉ những ai có niềm tin chân chánh mới có thể thực hiện toàn vẹn được.