Bức tượng Thích Ca Mâu Ni này do Công ty Thần Châu Ngọc Việt và Công ty cổ phần Xã hội Nhân Tông dâng cúng thờ ở chùa Yên Tử, được tái khởi công chế tác vào ngày 27-8 tại Cung Trúc Lâm, chùa Yên Tử.
Việc tái khởi công này là để nối tiếp di nguyện dang dở của cố nghệ nhân Đào Trọng Cường. Khối ngọc sẽ được chế tác bởi các nghệ nhân giỏi trong và ngoài nước.
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đá quý từ di nguyện của nghệ nhân
Theo Ban Tổ chức, tượng Phật sẽ được tạo nên từ khối đá quý từng làm say lòng những nhà buôn ngọc trên thế giới, một khối ngọc hoàn hảo gần như không có vết nứt.
Bà Đào Thị Hạnh Trâm, con gái cố nghệ nhân Đào Trọng Cường, cho biết cách đây 20 năm, bố của bà khi lần đầu nhìn thấy khối ngọc quý này tại hội chợ ở Myanmar đã muốn mang nó về Việt Nam để tạo tác tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Ngọc bích phỉ thúy được giới thiệu là loại ngọc tự nhiên quý giá được khai thác chủ yếu ở vùng mỏ Myanmar - quốc gia có mỏ ngọc bích phỉ thúy lớn nhất thế giới (chiếm hơn 90%). Nó còn được gọi là phỉ thúy vì trong một viên ngọc có cả màu xanh lá cây và màu đỏ, có độ trong suốt như kính, với ánh sáng mê hoặc.
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đá ngọc bích phỉ thúy dự kiến sẽ được dâng thờ tại chùa Yên Tử vào ngày 13-12-2023 (ngày 1-11-Quý Mão) nhân ngày giỗ thứ 715 của Phật Hoàng |
Năm 2009, cố nghệ nhân Đào Trọng Cường đã đưa thành công khối ngọc bích phỉ thúy tuyệt mỹ nặng 35 tấn, được khai thác từ mỏ ngọc lớn nhất tại Myanmar, về nước.
Được biết, khối ngọc này đã có chặng đường ly kỳ, khó khăn trong suốt ba năm mới về đến Việt Nam.
Đá ngọc bích phỉ thúy làm tượng Phật quý hiếm thế nào?
Tại buổi tái khởi công bảo tượng, GS.TSKH Phan Trường Thị - một chuyên gia về đá quý - cho biết ngọc bích phỉ thúy là một loại ngọc kỳ lạ. Từ loại đá bazan màu đen do núi lửa phun trào rất "tầm thường", nhờ quá trình vần vũ của đất trời ở độ sâu 65-70km dưới lòng đất mà trở thành loại đá trắng tinh khôi, kỳ vĩ pha sắc màu xanh của chính cây lá, thiên nhiên.
Cố gắng thực hiện di nguyện của bố mình, bà Trâm hy vọng bức tượng khi hoàn thành sẽ trở thành một di sản của Phật giáo thế giới tại Việt Nam.
Cùng với bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni này, tại sự kiện, Ban Tổ chức cũng tổ chức lễ chú nguyện khai tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đá ngọc bích phỉ thúy.
Bức tượng có kích thước bằng với phiên bản của tượng Phật Hoàng trong tháp tổ, dự kiến sẽ được dâng thờ tại chùa Yên Tử vào ngày 13-12-2023 (ngày 1-11-Quý Mão) nhân ngày giỗ thứ 715 của Phật Hoàng.
Theo Ban Tổ chức, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông quý giá không chỉ bởi giá trị của ngọc bích phỉ thúy mà còn bởi sự trau chuốt, công phu của những nghệ nhân điêu luyện, cùng tấm lòng biết ơn những công lao vô lượng của Phật Hoàng của các Phật tử.