Chùa Yên Lạc ở Nhượng Bạn

GN - Cách thị trấn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) khoảng 15km về phía Ðông, tại vùng làng Nhượng Bạn (xã Cẩm Nhượng), có di tích kiến trúc nghệ thuật được nhiều người biết đến - chùa cổ Yên Lạc, nơi đang lưu giữ hệ thống tượng pháp và một số hiện vật mang giá trị nguyên bản…

Ha tinh - thien cam3.jpg

Cổng chùa Yên Lạc

Làng Nhượng Bạn gối đầu lên sóng. Giữa ba bề sóng nước, khi bể lặng sóng yên lại có khi biển cả ba đào. Người dân nơi đây hơn đâu hết phải gồng mình chống chọi thiên tai để bảo toàn cuộc sống. Những mái nhà như cánh neo chơi vơi trên bờ biển và biển cả bao la là cánh đồng vô tận để truyền đời nhau, dân Nhượng Bạn bao đời nay sống bằng nghề biển. Cũng nơi đây, khoảng 600 năm trước, cuộc sống trở nên yên bình và niềm tin được vững chãi nhờ vào tiếng chuông hôm sớm vang vọng từ nơi cổ tự Yên Lạc bên bàu sen cuối dòng Gia Hội.

Chùa Yên Lạc được tạo dựng niềm tin được chư Phật, Bồ-tát độ trì và lòng thành của người dân với chư thánh hiền. Nhờ đức tin và tâm hướng thiện ấy, con người có cuộc sống tốt đẹp hơn và yên ổn bao đời nay.

Mạch đời không ngừng tuôn chảy như ngọn triều kia theo dòng thời gian. Giá trị tín ngưỡng, tâm linh của người Nhượng Bạn được gửi vào bóng mái tam quan nơi ngôi cổ tự Yên Lạc tự thâm nghiêm.

Chùa Yên Lạc có khuôn viên rợp bóng cây xanh, toàn bộ kiến trúc ngôi chùa cổ được bố trí theo hướng Tây bắc - Đông nam - theo lối chữ Tam (≡) trên trục chính gồm thượng - trung - hạ điện. Hai bên tả hữu vu ẩn dưới vòm cây cổ thụ.

dsc_0025_jpg.jpg

Chánh điện đã được trùng tu

Still1022_00002.jpg

Biển đề "Yên Lạc tự"

chieckhanhdong.jpg

Và chiếc khánh đồng

Khi bình minh, vầng dương đội sóng bao la hay hoàng hôn tà huy sương khói, tiếng chuông, nhịp mõ khoan thai vọng lên từ mái già lam, như nhắc nhở con người vơi bớt bụi trần, rũ bớt tham vọng, nuôi dưỡng thiện tâm, kiểm soát hành vi của mình mà sống nhân đức thuận hòa.

Giữa muôn mặt cuộc đời, người Nhượng Bạn vẫn giữ nếp đến chùa, thành kính trong lời kinh tiếng kệ. Đó chính là nét đẹp văn hóa tinh thần của cư dân ven biển.

Người dân đến chùa lễ Phật cầu mong trời yên bể lặng, sóng nhẹ, gió êm; cầu cho dân sinh khang thái, quê hương đất nước bình yên, an vui. Như hạt cát âm thầm mang phù sa bồi đắp nên đất nên làng, nét văn hóa tâm linh tín ngưỡng đạo Phật đã thấm vào tâm hồn con người nơi vùng duyên hải này một cách tự nhiên và sâu lắng.

Theo dòng thời gian, chùa Yên Lạc ngày nay đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng hệ thống tượng thờ, pháp khí, đồ thờ tự được lưu khá nguyên vẹn. 

hinh chinh dien.jpg

Gian thờ ở chánh điện chùa

DenThienCam07.jpg

Phù điêu Thập điện

Màu thời gian đọng lại trên chuông đồng, khánh đá ghi niên hiệu Cảnh Thịnh triều Tây Sơn. Chùa còn giữ bức tranh Thập điện, bộ tượng Tam thế và nhiều hiện vật giá trị.

Vào chùa Yên Lạc, với người viết bài này, lúc nào cũng nhận được sự thanh thản và thanh thoát trong tâm hồn, rũ bỏ tất cả những phiền não của thế gian. Trên vùng quê sóng nước, chùa Yên Lạc cổ kính rêu phong, qua bao biến thiên của lịch sử, vẫn lấp lánh những giá trị tinh thần làm phong phú thêm cho quê hương.

Với những gì đóng góp cho xứ sở trong quá khứ và hiện tại, chùa Yên Lạc đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Trong khung cảnh thanh bình ở làng quê cửa biển, khi hoàng hôn buông và trong sớm mai tinh sương, tiếng chuông chùa khoan thai vang vọng, vỗ về, an ủi lòng người; đồng thời làm nhịp cầu nối đời sống người dân với các giá trị thiêng liêng, làm điểm tựa vững chãi cho con người giữa phong ba của cuộc mưu sinh khổ ải.

Trương Ngọc Ánh

Vài nét về chùa Yên Lạc

Chùa Yên Lạc tọa lạc trên mảnh đất đầu làng. Có lẽ ngay từ buổi ban đầu xây dựng chùa, người xưa đặt niềm tin và sự mong ước cho vùng quê mình có cuộc sống yên ấm, thanh bình, muôn dân hạnh phúc nên đã đặt tên là chùa Yên Lạc.

Quy mô không đồ sộ, nhưng các hạng mục chính, phụ của công trình được quy hoạch theo một tổng thể vừa có sự đăng đối, vừa uy nghi và nằm trong một khuôn viên khép kín.

Tam quan chùa là một hạng mục có thể nói khá hoàn chỉnh, trên có 4 chữ Hán “Quan đối nam sơn”, mặt chính nhà hạ điện có 3 chữ “Yên Lạc tự” được sử dụng bằng kỹ thuật đắp nổi; nhà hạ điện, trung điện được làm bằng gỗ, không chạm trổ cầu kỳ nhưng có lối kiến trúc thoáng, gọn; thượng điện thu nhỏ, cao dần lên và là tâm điểm chính của chùa.

Quy mô vừa, nhỏ của chùa Yên Lạc phần nào đã thể hiện đặc trưng của đền, chùa ven biển Hà Tĩnh - là sự không phô trương - là sự gọn gàng, ẩn mình khép kín để phù hợp với điều kiện của dải đất luôn hứng chịu nhiều giông, bão.

Ðiểm nổi bật ở chùa Yên Lạc là nơi còn bảo lưu được hệ thống tượng Phật khá đầy đủ, nguyên bản nhất tại vùng Hà Tĩnh. Hài hòa tín ngưỡng Phật giáo với tín ngưỡng dân gian, cấu trúc thờ tự gồm có bộ tượng Tam thế, Đức Thích Ca sơ sinh, Quan Âm, Thế Chí, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Hộ Pháp, bộ tượng ông phỗng bằng đá thanh và đặc biệt có pho tượng Quan Thế Âm bằng đồng nặng 100kg. Ngoài ra tại đây còn có bộ sưu tập phù điêu trên gỗ về tích Tôn Ngộ Không cùng Ðường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh; bộ tranh gỗ Thập điện Diêm vương; đèn Dược sư 49 ngọn; bộ khánh, chuông đồng có khắc bài minh do sự trụ trì ở chùa tự là Hải Thủy soạn, niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ 5 (1797), Cảnh Thịnh năm thứ 7 (1799); bia đá niên đại Bảo Ðại năm Giáp Tuất…

B.T.V

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.