Chùa Trấn Quốc, đóa sen trên gương nước Hồ Tây

Tồn tại ngót 1.500 năm, chùa Trấn Quốc là một biểu tượng của văn hóa Thủ đô. Tổng thống Ấn Độ, Tổng thống Nga đã đến thăm chùa.

Hồn xưa giữa Thăng Long

Nằm cuối đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), trên bán đảo phía đông hồ Tây,  chùa Trấn Quốc được xem là ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất đất kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam với lịch sử gần 1.500 năm.

Tương truyền, chùa được xây dựng lần đầu vào thời vua Lý Nam Đế (544-548), trên bãi sông Hồng, thuộc địa phần làng An Hoa, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên(nay là Yên Phụ, quận Tây Hồ)  Lúc đầu gọi là chùa Khai Quốc. Đến triều Lê Thái Tông thế kỉ 15, chùa được đặt tên là An Quốc. Trải qua nhiều lần đổi tên, nhân dân vẫn quen gọi chùa là Trấn Quốc. Tên này được đặt chính thức vào cuối thế kỷ thứ 17, đời vua Lê Hy Tông.


Kiến trúc chùa là sự kết hợp giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa mênh mang sóng nước Tây hồ. Chùa có ba nếp nhà chính là tiền đường, nhà thiêu hương, và thượng điện, nối thành hình chữ công.

Tiền đường hướng về phía tây, hai bên nhà thiêu hương là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông là một ngôi nhà ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính.

Cũng giống như bao ngôi chùa Việt khác, chùa Trấn Quốc có nhiều nếp nhà, cửa thấp, mái rộng, nhiều tượng Phật vàng son, được sắp xếp theo quy định của đạo Phật.


Điểm nhấn tạo nên nét riêng cho chùa Trấn Quốc chính là vườn tháp với nhiều tháp cổ từ thế kỷ 18. Nổi bật là tòa Bảo Tháp lục độ đài sen, được xây dựng năm 1998. Bảo tháp có 11 tầng, cao 15 mét. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa vòm, có tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen 9 tầng, được gọi là Cửu phẩm liên hoa, cũng bằng đá quý. Bảo tháp được xây dựng đối xứng với cây bồ đề trong vườn sau của chùa . Sư trụ trì Thích Thanh Nhã đã giải thích sự đối xứng đó là  hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân như, sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp.


Nhìn từ xa, chùa Trấn Quốc ẩn mình giữa vườn cây xanh tốt với đủ loai găng, nhãn, liễu, bồ đề…,  nơi con nguời và thiên nhiên gắn bó, hòa quyện; chốn cửa thiền thanh tịnh, u nhã khiến ta chợt nhớ tới một câu thơ trong bài thơ của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến:

Chùa xưa ở lẫn cùng cây lá;
Sư cụ nằm chung với khói mây…

Thời Lê - Trịnh, chúa Trịnh đã cho xây một dãy hành cung tại đây, về sau, trở nên xơ xác, tiêu điều, khiến nhà thơ Nguyễn Thị Hinh (tức Bà huyện Thanh Quan) phải thốt lên:

            Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu,
            Khách qua đường dễ chạnh lòng đau.
            Mấy giò sen rớt hơi hương ngự;
            Năm thức mây phong nếp áo chầu…

Trải qua nhiều lần tôn tạo, diện mạo chùa thay đổi  nhiều. Xung quanh chùa, những công trình hiện đại mọc lên, phần nào làm mất đi dáng dấp ngôi chùa cổ. Tuy nhiên với những giá trị về lịch sử và kiến trúc đó, chùa Trấn quốc ngày nay không chỉ nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, thu hút rất nhiều phật tử về hành lễ, mà còn là điểm đến hấp dẫn khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.


 Nơi hấp dẫn khách nước ngoài

Năm 1959, chùa Trấn Quốc đón Tổng thống Ấn Độ Prasat đến thăm. Ông tự mình mang sang tặng cây bồ đề chiết từ gốc cây mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ. Cây bồ đề ấy nay rất tốt tươi, vươn  cành xòe tán trong sân chùa.

Cách đây không lâu, nhân chuyến sang dự Hội nghị Cấp cao không thường niên ASEAN - LB Nga lần thứ hai, chiều 30/10/2010, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã đến thăm chùa Trấn Quốc. Trong không khí se lạnh có chút nắng vàng của trời thu Hà Nội, Tổng thống thong dong bách bộ trên lối lối nhỏ trong vườn chùa  bên cạnh nhà  sư trụ trì Thích Thanh Nhã. Ông cho biết, ông cảm thấy rất bình an, được thụ hưởng những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn thực sự.


Với lịch sử lâu đời, kiến trúc độc đáo và cảnh quan thiên n.hiên hài hòa, chùa Trấn Quốc là điểm du lịch lý tưởng của nhiều  khách quốc tế. Những đoàn khách  từ  Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Romania… đến vãn cảnh chùa đều tỏ ra thích thú và muốn tìm hiểu nhiều điều về Phật giáo. Ngôi chùa mang đậm kiến trúc Á Đông, là nơi giao hòa giữa thiên nhiên và con người, lắng đọng nơi tâm hồn du khách một cảm giác nhẹ nhàng, trong lặng. Nó khác nhà thờ Thiên Chúa giáo của người phương Tây với cái tháp chuông cao vút, đơn độc như muốn chế ngự thiên nhiên.


Mỗi ngày chùa Trấn Quốc đón hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến vãng cảnh. Họ rất ngạc nhiên trước không gian tĩnh lặng, vẻ đẹp nên thơ của “đóa sen” nổi trên mặt nước hồ Tây. Một du khách Anh cho biết: “ Ngay khi bước vào cổng chùa, tôi đã bị thu hút bởi một mùi hương rất lạ, thật dễ chịu!” Mùi hương  hòa quyện với hơi mát từ mặt hồ bay lên, khiến du khách nao lòng.  Họ được hưởng sự an lạc từ một không gian văn hóa đậm màu sắc Phật giáo Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.