Giữa cái yên ắng của buổi sớm mai, tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng trì kinh hòa quyện lan xa, tạo nên sự thanh tịnh lạ thường. Dường như không ai còn nhận ra khung cảnh xô bồ, khói hương nghi ngút, người xe chen chúc tấp nập ở nơi từng được xem là linh thiêng bậc nhất vùng Bình Chánh: chùa Phật Cô Đơn.
Thanh Tâm tự, Phật Cô Đơn...
Thanh Tâm tự là cái tên khá xa lạ với số đông, hầu hết người ta nhớ đến nơi này dưới tên gọi Bát Bửu Phật Đài, hay dân dã hơn: chùa Phật Cô Đơn.
Ngược dòng lịch sử về những năm 1956 - thời điểm ngôi già-lam này bắt đầu được khởi công tạo dựng, chùa Thanh Tâm được kiến tạo trên khu đất do cư sĩ Ngô Chí Bình hiến cúng, kênh An Hạ, thuộc ấp Phú Đức, xã Tân Tạo, ở về phía trái Cầu Xáng, nay thuộc xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Thoạt tiên, chùa Thanh Tâm được xây lên trước và ngôi Bát Bửu Phật Đài được tạo dựng ngay sau đó, với mục đích để làm nơi tôn trí tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cao 4,8m, ngang hai gối 4m, nặng khoảng 4 tấn đặt trên đài sen cao 1,2m, do điêu khắc gia Trương Đình Ý chỉ huy gia công.
Chiến sự nổ ra, rồi dần đến hồi khốc liệt. Tháng 2-1965, Bát Bửu Phật Đài bị cháy phần mái lợp tranh do lửa của trái sáng từ máy bay thả xuống. Đến tháng 11-1965, Thanh Tâm tự cũng bị bom san bằng, chỉ còn trơ lại nền chùa. Song, điều đáng ngạc nhiên là sau bao nhiêu trận bom đạn kéo dài nhiều năm liền, ngôi Phật đài với kim thân Đức Phật vẫn an nhiên tĩnh tọa. Cũng do ảnh hưởng của chiến tranh, đường sá không thuận lợi để khách thập phương đến lễ lượt chiêm bái, khu vực Bát Bửu Phật Đài ngày càng trở nên hiu quạnh. Dân gian thấy tượng Phật ngồi sừng sững giữa đồng không, vắng người lui tới nên gọi là Phật “cô đơn”. Dần dà, cái tên “mắt thấy tai nghe” này trở nên phổ biến trong tâm thức người dân, làm phai mờ hẳn dấu vết của ngôi Thanh Tâm tự năm nào.
Sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, với những ứng hiện mầu nhiệm của tượng Phật “cô đơn”, nơi đây trở thành điểm tín ngưỡng thu hút đông đảo người dân không chỉ tại thành phố mà cả các tỉnh thành lân cận đến lễ bái, cầu cúng nhộn nhịp, đặc biệt vào dịp đầu năm mới...
Trong ký ức của người dân ở đây, còn nhớ hình ảnh những đoàn xe chở khách thập phương rầm rộ nối đuôi nhau đến chùa “Phật cô đơn” để cầu tự, cầu tình duyên, gia đạo được vẹn thành với một niềm tin rằng Phật “cô đơn” sẽ giúp con người thôi… cô đơn. Từ đây, các dịch vụ nhằm “đáp ứng thị hiếu” của du khách cũng nở rộ, như quán xá, hàng ăn, chỗ bói toán, vật phẩm lưu niệm, phong thủy,… tổ chức ngay trong và quanh khuôn viên chùa.
Hình ảnh đó khiến người ta liên tưởng đến cảnh cội bồ-đề mà trên thân có nhiều loại tầm gửi, có lúc tầm gửi che khuất cả tàng lá bồ-đề...
Nguồn sinh khí mới tại chùa Thanh Tâm - Ảnh: Nhuận Bảo |
… đến đạo tràng an cư tu học
Trước thực trạng nói trên, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, trực tiếp là Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Trưởng BTS, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM đã đưa ra quyết định tái kiến thiết toàn diện, đưa ngôi chùa này trở về với tên gọi ban đầu là Thanh Tâm, làm cơ sở nội trú cho Ni giới tu học trang nghiêm, thanh tịnh, bên cạnh cơ sở 2 của Học viện, một trong 4 trung tâm đào tạo Tăng Ni lớn của Giáo hội.
Tháng 3-2017, lễ đặt viên đá xây dựng, đánh dấu cho sự chuyển mình của ngôi chùa này được thực hiện. Sau khoảng thời gian tôn tạo kéo dài 3 năm, đến ngày 5-11-2019 (nhằm mùng 9-10, Kỷ Hợi), Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã cử hành lễ an vị Phật.
Chùa Thanh Tâm cùng với hai trong số 3 ngôi chùa là cơ sở tự viện trực thuộc sự quản lý của Giáo hội TP.HCM đã được thiết lập với từng chức năng đặc thù, gồm: Việt Nam Quốc Tự (Q.10) - Trụ sở Ban Trị sự của Phật giáo thành phố; chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình) là nơi dành cho chư Tăng các tỉnh thành đến TP.HCM theo học các chương trình chính thức lưu trú và là Nhà Truyền thống của Phật giáo thành phố; chùa Thanh Tâm (Bình Chánh) làm nơi lưu trú dành cho chư Ni đang theo học các chương trình cao đẳng, cử nhân và sau đại học thuộc Học viện.
Ni sư Thích nữ Như Nguyệt, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, phụ trách quản viện Ni cho biết do số lượng Ni sinh Học viện Phật giáo VN TP.HCM rất đông, Ni xá Học viện không còn đủ chỗ cho chư Ni nội trú, nên Trưởng lão Viện trưởng đã cho một số lượng Ni sinh (cụ thể là Ni sinh khóa XIII) sang chùa Thanh Tâm nội trú, theo nếp sống vừa học vừa rèn luyện đạo hạnh thiền môn.
“Đây là phước duyên thù thắng đối với chư Ni tại TP.HCM nói chung, Ni sinh Học viện Phật giáo nói riêng, được Hòa thượng từ bi, khuyến tấn và tạo điều kiện để Ni chúng có nơi nội trú sinh hoạt tu học”, Ni sư chia sẻ.
Chư Ni an cư tại chùa Thanh Tâm, mùa An cư PL.2564 - Ảnh: Nhuận Bảo |
Thanh tâm, tức là tâm trong sáng, tâm thanh tịnh. Được biết, từ sau ngày lễ An vị Phật chùa Thanh Tâm được cử hành, dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Trưởng ban, Ni chúng tại đây được chính thức tu học nội trú, quy củ thiền môn được thiết lập, sinh hoạt dần đi vào nề nếp. Đồng thời, khuôn viên chùa được phân thành hai khu vực: khu vực sinh hoạt tín ngưỡng và khu vực nội viện giới hạn; không còn cảnh buôn bán, xem bói, xô bồ như trước đây, thay vào đó là cảnh trí thanh tịnh, cây cỏ xanh tươi. Duy chỉ còn một vấn đề đáng ngại đó là hiện tại, chùa Thanh Tâm chưa có giấy phép xây dựng hàng rào, cổng sau chưa thể đóng được nên bất kể ngày đêm, người ngoài đều có thể ra vào tự do khuôn viên chùa, điều này khiến chư tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM rất lo lắng cho số đông Ni chúng tu học tại đây.
Được biết sắp tới, chùa sẽ chuẩn bị một thư viện nhỏ với số lượng sách cần thiết cho nghiên cứu, tu học, trong đó có các sách nghiên cứu và các đầu báo, tạp chí chuyên đề, các tạng kinh và sách Phật học các ngôn ngữ để Ni chúng có thêm điều kiện tham khảo, học tập và nghiên cứu.
Ngoài ra, trong mùa an cư này, theo lời thỉnh cầu, khát ngưỡng học tập giới luật của Ni chúng chùa Thanh Tâm, HT.Thích Minh Thông, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo TP.HCM giảng dạy lớp giới luật mỗi tháng 2 lần cho chư Ni an cư tại đây.
Mùa an cư đầu tiên được tổ chức tại chùa Thanh Tâm - Ảnh: Nhuận Bảo |
Mùa An cư kiết hạ PL.2564 cũng là mùa an cư đầu tiên được tổ chức tại chùa Thanh Tâm với số lượng hành giả gồm 220 vị Ni, các thời khóa hành trì nghiêm mật, tạo nên một nguồn sinh khí mới, thanh tịnh và bình an trên vùng đất Nông trường Lê Minh Xuân năm nào. Nguồn sinh khí ấy đã và đang góp phần cải biến một điểm thuần túy tín ngưỡng trở thành một đạo tràng tu học đầy nội lực, lan tỏa những giá trị mầu nhiệm thiết thực hiện tại của Chánh pháp, làm ích đời lợi đạo. Đó cũng là ý nguyện lớn lao nhất mà chư tôn đức đã gửi gắm trong công việc kiến thiết lại ngôi chùa Thanh Tâm.
Chùa Thanh Tâm được kiến thiết mới hoàn toàn trên khu đất chùa Phật Cô Đơn - Ảnh: Bảo Toàn |
Các tòa nhà dành cho Ni sinh viên Học viện Phật giáo VN lưu trú tu học - Ảnh: Bảo Toàn |
Giới hạn khu Nội viện tu học - Ảnh: Bảo Toàn |
Chùa Thanh Tâm trở thành trung tâm tu học cho Ni giới |
Thời khóa một ngày ở chùa Thanh Tâm - Ảnh: Bảo Toàn |
Hiện nay, chùa Thanh Tâm có hơn 220 chư Ni tu học - Ảnh: Nhuận Bảo |
Chương trình tu học được tổ chức theo nếp thiền môn - Ảnh: Nhuận Bảo |
Lễ bố-tát, tụng giới của chư Ni theo luật định tại chùa Thanh Tâm - Ảnh: Nhuận Bảo |
Chùa Thanh Tâm đã trở thành đạo tràng tu học của chư Ni đông nhất tại TP.HCM - Ảnh: Bảo Toàn |