Chùa San Bảo (Phượng Lâu) có nhiều pho tượng cổ

Theo tra cứu của Bảo tàng Phú Thọ thì chùa làng Phượng Lâu, xã Phượng Lâu, TP Việt Trì xây dựng vào cuối thời Lê.

Sau vua Lê Thánh Tông là Hiến Tông, Uy Mục, Tương Dực, đến Lê Chiêu Tông là vị vua cho khắc bia nhiều nhất (từ năm 1521 trở đi). Sau này, đến đời Lê Dụ Tông thì bia “Hậu Phật bi kí” còn giữ đến nay ở chùa San Bảo, khắc vào niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14 (năm 1718).

Trên 4 núm tròn vành đai giữa thân chuông ghi 4 chữ Hán: San – Bảo – Tự – Chung. Vậy, tên cổ là chùa San Bảo, dựng trên núi Chùa, làng Phượng Lâu. Chùa San Bảo là nơi thành lập Chi bộ Đảng CSVN đầu tiên của xã Phượng Lâu.

Chùa có 33 pho tượng cổ, 4 pho tượng đá 2 mặt. Mặt trước là phật, mặt sau là bia, gồm 2 bia khắc năm 1718 là “Bia Hậu Phật bi kí” và bia “Hậu Phật kí kị bi”, bia đặt tượng (năm 1720) và một chuông đồng cao 0,95m, đường kính 0,47m, bốn mặt khắc bài Minh chuông bằng chữ Hán, trang trí hình tứ linh, hoa lá, mây cụm...

Chùa San Bảo (Phượng Lâu) có nhiều pho tượng cổ ảnh 1
Tượng phật và Bằng Di tích Lịch Sử - Văn hoá trong chính điện chùa San Bảo.

Trong chính điện, những pho tượng cổ được bài trí như sau:

- Lớp thứ nhất: 3 pho tượng cao nhất là 3 ông Tam thế trên tòa sen, mặt đăm chiêu nhìn vào cõi hư vô.

- Lớp thứ hai có tượng A Di – đà ở thế thiền định, được coi là vĩnh hằng, mặt đôn hậu toát lên lòng từ bi bác ái, trí tuệ vô biên, luôn cứu vớt chúng sinh. Hai bên A Di – đà là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, là 2 thị giả giúp việc quan âm.

- Lớp thứ ba là Ngọc Hoàng ở giữa, một vị quan cai quản vũ trụ. Hai bên là Nam Tào, Bắc Đẩu. Tượng Nam Tào, mặt nghiêm nghị là vị thần giữ sổ sinh ghi những việc tốt để ban phước. Tượng Bắc Đẩu, vị thần giữ sổ tử, ghi những điều sai trái để trị tội.

- Lớp thứ tư là tượng Thích Ca sơ sinh nhỏ bằng gỗ, tay trái chỉ thiên, tay phải chỉ địa (muốn nói trời đất chỉ có mình ta).

Bên phải sát tường thượng điện là tượng Quan Âm Chuẩn đề, hai tay chấp trước ngực và mỗi bên có 4 tay vuông góc lên trời. Bên trái là tượng Thổ địa, tượng trưng sự trường cửu của đất. Tượng Quan Âm Tống tử: Một phụ nữ bế đứa bé, vẻ mặt huyền bí linh thiêng mà từ bi với chúng sinh. Tượng Đức ông: Là ngài Cấp Cô Độc, vị trưởng giả giàu có, có tâm giúp người nghèo, bỏ tiền mua đất dâng phật, là người cai quản chùa. Nên phải qua bàn thờ ngài trước rồi mới vào lễ các phật khác. Tượng Thánh Tăng: Thể hiện một nhà sư, giúp Phật tổ giáo hóa chúng sinh.

Còn hai bên chính điện: Mỗi bên 5 vị vua, cai quản 10 điện dưới âm ti. Còn theo sách Phật thì người chết, cứ 7 ngày phải qua 1 cửa điện để Minh Vương xét hỏi về thiện ác trên trần, qua 7 tuần như thế là (7x7) 49 ngày, người nhà cúng 49.

Căn cứ vào Điều 32 “Luật Di sản văn hóa” ngày 29/6/2001 và Điều 16 Nghị định 92 của Chính phủ, luận chứng chùa San Bảo đủ tiêu chuẩn cấp bằng Di tích Lịch sử văn hóa nên UBND tỉnh đã cấp bằng: “Di tích chùa San Bảo, thôn Phượng Lâu, xã Phượng Lâu, TP Việt Trì thuộc loại Di tích Lịch sử văn hóa”. Cuối tháng 10 vừa qua, nhân dân thôn Phượng Lâu long trọng làm lễ đón bằng Di tích Lịch sử văn hóa chùa San Bảo và bằng Di tích Lịch sử văn hóa đền Nữ tướng giỏi của hai Bà Trưng: Vũ Thị Thục Nương. Đền Thục Nương có 4 sắc phong: Vua Trưng Trắc phong là: Bát nạn Đại tướng quân trinh thục công chúa. Vua Lê Thái Tôn phong: Ý đức đoan trang trinh thục công chúa. Thời Khải Định phong: Trưng hưng linh phù chi thần. Thời Minh Mệnh nhà Nguyễn phong: Trung hưng linh phù thượng đẳng thần

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.