Tam quan chùa
Chùa Kim Sơn ngày xưa thuộc trại Kim Mã trong vùng Thập Tam Trại, nằm ở phía Tây thành Thăng Long, vùng này từng là bãi chiến trường trong chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa lịch sử năm 1789, hàng ngàn liệt sĩ Tây Sơn được an táng tại đây. Trước kia cứ đến mồng 5 tháng Giêng ngày giỗ trận, chùa Kim Sơn đều tổ chức tế vong hồn tướng sĩ Tây Sơn chết trong trận Đống Đa.
Theo tương truyền của các vị sư trụ trì chùa Kim Sơn, thì trong trận chiến mùa xuân Kỷ Dậu cách đây hơn 212 năm, hàng ngàn nghĩa quân Tây Sơn hy sinh trên khắp Thăng Long đã được quy tập về chôn ở khu đất này. Sau đó, nhân dân đã xây chùa cạnh khu nghĩa địa này, lấy tên là Tây Sơn tự để ngày đêm hương khói, cầu siêu thoát cho anh linh những quân sĩ Tây Sơn trận vong. Sau khi triều Tây Sơn đổ, tránh những hệ lụy người cầm quyền mới - cũ, nên nhân dân đã đổi tên Tây Sơn tự thành Kim Sơn tự, tên gọi này tồn tại cho đến hôm nay.
Đến năm 1881, triều vua Tự Đức, do chùa bị đổ, nên dân bản thôn dựng lại bằng gạch ngói, tô tượng Phật để thờ, thường gọi là chùa Tàu Ngựa. Năm 1898, chùa trùng tu, đổi tên là Kim Mã. Đến năm 1932 chùa được trùng tu, bên cạnh tòa Tam bảo, dựng thêm đền thờ Mẫu và đàn Vạn Linh. Năm 1953, tam quan được xây dựng. Vào năm 1967, các tượng Phật của chùa Linh Sơn tại phố Nguyễn Trường Tộ bị ném bom nên được chuyển cả lên chùa Kim Sơn ở phố Kim Mã. Chùa Kim Sơn đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1985.
Ngày nay chùa Kim Sơn còn lưu giữ được nhiều dấu ấn kiến trúc thời Tự Đức và cuối thời Nguyễn. Tam quan trước chùa rộng tới 50m có 5 cửa nên còn gọi là giải ngũ môn. Trong ngũ môn có treo 1 quả chuông đồng khá lớn và đặt 1 pho tượng Phật. Mặt trước và sau ngũ môn đều có câu đối viết chữ Quốc ngữ. Qua ngũ môn là một khu vườn trong có bể non bộ, 2 ngọn tháp và nhiều cây cau. Sau đó đến một sân gạch rồi đến chùa chính được bố cục ba phần tương đối độc lập. Chính giữa là tòa Tam bảo thờ Phật, bên phải là Vạn Linh đàn, bên trái là đền thờ Mẫu.
Tòa Tam bảo được xây cao hẳn lên, thông sang Vạn Linh đàn và đền thờ Mẫu bằng 2 cửa ngách. Nóc đền thờ Mẫu và nóc Vạn Linh được đắp hình lưỡng long triều nguyệt. Nóc Tam bảo thì chính giữa có đắp bảng ghi ba chữ Kim Sơn tự, hai bên bảng là 2 con rồng. Trong Tam bảo, trên bệ thờ cao nhất là bộ tượng Tam thế, bệ thứ hai có tượng A Di Đà, bệ thứ ba có 4 pho tượng, 2 tượng Thích Ca ở giữa và hai bên là tượng Quan Thế Âm Bồ tát và Đại Thế Chí Bồ tát.
Tiếp đó có tòa Cửu Long với tượng Thích Ca xung quanh có đặt 12 tượng nhỏ. Sau đó đến án tiền, án ngoại và bệ ngồi tụng kinh làm lễ. Phía ngoài bên phải là bệ tượng Đức Ông trước mặt có 3 ngai thờ, bên trái là Đức Thánh Hiền. Trên các bệ thờ, ngoài các tượng còn có nhiều đồ thờ như bát hương, lọ hoa, chân nến... Bốn tầng tượng Phật được trang trí bên trên bằng 4 cửa võng chạm trổ rất cầu kỳ. Trong Tam bảo cũng có nhiều hoành phi câu đối và bia đá.
Vạn Linh đàn ở bên phải tòa Tam bảo, bên trong bài trí hệ thống tượng Phật đem từ chùa Linh Sơn tới. Tượng A Di Đà ở bệ trên cùng. Tiếp đến là Quan Âm Bồ tát và Quan Âm Đại Thế Chí. Tượng Di Lặc ở tầng thứ ba. Tầng bốn có 2 tượng Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát. Tầng năm là tòa Cửu Long nhưng không còn tượng Thích Ca. Tầng sáu là 2 tượng Nam Tào, Bắc Đẩu. Ngoài cùng là hương án thờ Phật với hai bên là 2 hương án thờ Vạn Linh. Ngoài ra trong Vạn Linh đàn cũng có hoành phi, câu đối, bát nhang, chuông, bia...
Nhà bia tưởng niệm
Ông Trần Lục Lang, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV cho biết, trải qua hơn 200 năm với nhiều biến cố lịch sử, những chứng tích về nghĩa quân Tây Sơn ở chùa Kim Mã đã dần mai một. Cách đây 20 năm, nhà chùa và chính quyền địa phương đã cho dựng một cột bia ghi dấu nơi an táng các nghĩa quân Tây Sơn tại đây.
Tuy nhiên do điều kiện kinh tế lúc đó, hạng mục công trình quá nhỏ chưa xứng với sự hy sinh và chiến công của các anh hùng nghĩa sĩ Tây Sơn để lưu truyền cho thế hệ con cháu mai sau. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban trụ trì chùa Kim Sơn, Ngân hàng BIDV đã phối hợp cùng tỉnh Bình Định - quê hương của người anh hùng áo vải Quang Trung đứng ra làm đầu mối phát tâm công đức để xây dựng nhà bia tưởng niệm nghĩa sĩ Tây Sơn tại chùa Kim Sơn.
Công trình được khởi công vào ngày 18-4-2011 do Trung tâm Mỹ thuật và Trang trí nội ngoại thất thuộc Bộ VH-TT và DL thiết kế và thực hiện thi công, đến nay đã hoàn thành. Công trình xây dựng với 4 mặt thoáng, kết cấu gỗ với hình dáng nhà chồng diêm 8 mái, 2 tầng đao. Các sống đao đắp tượng rồng và lân.
Mái nhà lợp ngói mũi hài trên lớp lót in chữ Thọ. Những cấu kiện cột, xà được thi công bằng gỗ lim đã xử lý chống mối và tẩm sấy trước khi lắp đặt, để đảm bảo tồn tại lâu dài. Toàn bộ bia đá, chân bia hình chữ nhật do các nghệ nhân tỉnh Bình Định thực hiện trên phiến đá đỏ granite liền khối lấy từ huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Các lãnh đạo Đảng và Chính phủ dâng hương tại nhà bia tưởng niệm chùa Kim Sơn
Về sau, nhất là từ khi nước nhà độc lập, nhân dân ta tổ chức lễ hội Đống Đa tại gò Đống Đa vào mồng 5 Tết âm lịch hàng năm để ngợi ca chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Tuy nhiên, phần lớn người dân biết rõ nơi chôn vùi xác giặc và đền thờ tướng giặc Sầm Nghi Đống, nhưng hầu như lại lãng quên mất nơi an táng các nghĩa sĩ Tây Sơn tử trận - đó chính là tại chùa Kim Sơn.
Chùa Kim Sơn có một bề dày lịch sử quan trọng trong lịch sử Phật giáo nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung, góp phần đáng kể vào việc nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long. Bởi vậy, việc xây dựng nhà bia tưởng niệm nghĩa sĩ Tây Sơn có ý nghĩa rất quan trọng về mặt văn hóa lịch sử, cũng như giá trị to lớn về mặt tinh thần.
Sau bài phát biểu tri ân công đức với các đơn vị tài trợ, thi công, người sáng tác văn bia của Ni sư trụ trì chùa và lãnh đạo tỉnh Bình Định, nghi thức kéo băng khánh thành nhà bia tưởng niệm nghĩa sĩ Tây Sơn tại chùa Kim Mã đã được diễn ra long trọng với sự tham gia của ông Đinh Thế Huynh và ông Nguyễn Thiện Nhân.
Sau đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng các vị Bộ trưởng, đông đảo quan khách, Tăng Ni, Phật tử đã lần lượt niêm hương trước tấm bia tưởng niệm.