Nước thải chảy thẳng ra suối Yến. Hàng trăm tấn rác được nhét vào hang hốc, rồi được chôn lấp thủ công cạnh bến Trò chục năm qua và chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Chùa Hương đang suy tàn vì rác.
Lúng túng và tạm thời
Hàng triệu người đến chùa Hương mỗi năm, nhưng rất ít người để ý Nam thiên đệ nhất động đang bị đe dọa nghiêm trọng về môi trường sinh thái.
Hồ sơ di tích danh thắng Hương Sơn trình UNESCO được tỉnh Hà Tây (cũ) dự định tạo lập hơn chục năm trước, nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã nói không trước ý định này. Bởi khu thắng tích Hương Sơn chưa có quy hoạch, trong đó vấn đề xử lý rác là căng thẳng nhất.
Một cán bộ Sở VHTTDL Hà Nội cho biết, khi khảo sát toàn diện chùa Hương mới thấy tình trạng báo động: nước thải từ nhà hàng quán ăn ở Thiên Trù xả ra ngấm xuống chảy vào suối Yến, rác được chôn lấp ở mọi chỗ trống vắng. Nhiều hố rác lâu ngày phình to và bốc mùi. Suối Yến được rắc vôi bột xuống trước mỗi mùa hội là cách làm chứng tỏ sự bế tắc trước nạn ô nhiễm môi trường chùa Hương. Bốn mươi tấn vôi bột làm nước trong hơn, nhưng hệ vi sinh vật cũng bị tổn hại nặng nề mà chưa cơ quan nào khảo sát nổi thiệt hại.
Trong cuộc trao đổi với Tiền Phong hôm họp báo trước mùa lễ hội 2010 tại địa bàn Mỹ Đức, một lãnh đạo phòng tài nguyên - môi trường huyện Mỹ Đức bất lực: không có giải pháp xử lý triệt để rác ở chùa Hương. Chở rác bằng băng chuyền ra thì quá nhiêu khê. Con đường từ động Hương Tích xuống Thiên Trù xa dằng dặc ba cây số đi bộ mất 40 phút, thi công cáp treo còn khó khăn như thế huống gì làm băng chuyền. Mặt khác, nếu làm băng chuyền đưa rác ra thì bước sau cũng vẫn phải dùng xe chuyên chở đến tận nhà máy xử lý rác thải.
"Cách chôn rác được coi là tạm thời, tạm thời cả hàng chục năm qua" |
Đã có một dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn ngay trong khu vực danh thắng, nhưng sau loạt bài trên báo Tiền Phong hồi cuối năm 2005 phân tích thấu đáo sự bất cập về môi trường và cảnh quan, nhà máy này đã phải chuyển ra tận huyện Chương Mỹ - giáp ranh địa phận tỉnh Hòa Bình, tránh xa di tích danh thắng quan trọng của quốc gia. Xe rác chạy vòng vèo từ bến Yến ra đường là viễn cảnh xấu, chưa kể ba tháng lễ hội lúc nào du khách cũng đông đúc dập dìu ở bến Yến, đến xe tuk tuk hay ô tô của quan khách muốn vào còn nan giải, làm sao xe rác to uỳnh oàng len lỏi được? Phương án dùng thuyền cũng khó khả thi, bởi rác cứ rập rờn trên suối Yến mỗi ngày chục chuyến thì còn gì là mỹ quan?!
Theo phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mỹ Đức, lâu nay, cách thức tốt nhất là đào hố, dùng vật liệu chống thấm đặt xuống (giảm thiểu tình trạng nước thải ngấm vào mạch nước ngầm chảy ra suối Yến) rồi phân loại rác đổ vào hố, rắc vôi, lấp lại và trồng cây lên trên. Đây được gọi là phương án tạm thời, nhưng đã tạm thời cả chục năm nay.
Hố rác lớn nhất hiện nằm sau nhà thường trực bảo vệ ở bến Thiên Trù, cách bến Trò khoảng 400 mét. Chúng tôi có mặt vào một trưa tháng 7 nắng như đổ lửa. Hố rác rộng khoảng 200 mét vuông, được chôn lấp không kỹ, túi ni lông, vỏ đồ hộp lăn lóc trên miệng hố theo gió phất phơ lan ra khu vực xung quanh. Cạnh hố rác khổng lồ là suối Yến.
Theo quan sát bằng mắt thường, đoạn suối Yến từ bến Trò đến bến Yến, nước trong xanh hơn, còn ở phía gần hố rác nước đục nhờ nhờ, lòng suối bị bó hẹp lại. Cỏ dại mọc um tùm. Trên mặt hố không hề được trồng bất cứ loại cây xanh nào như phương án đã đưa ra. Hố trũng hơn so với mặt bằng xung quanh, chứng tỏ nó sẽ tiếp tục được đổ rác vào để lại chôn xuống và lấp đất lên.
Đây không phải là hố rác duy nhất ở Hương Sơn.
Chủ một cửa hàng giải khát trên đường vào chùa Thiên Trù cho biết, mùa lễ hội có xe công nông gom rác chở đi đổ vào hố, nhưng khi kết thúc lễ hội không thấy xe công nông nữa. “Chúng tôi luôn tự giác quét và vệ sinh sạch sẽ mặt đường trước cửa hàng mình. Còn rác thì cứ gom lại đấy, đặt tạm vào hang, hốc núi”. Hỏi hang núi đặt rác nằm ở đâu, chị chủ hàng từ chối trả lời.
Phía sau nhiều quán ăn vẫn là cơ man túi ni lông, vỏ bao, vỏ hộp đồ uống các loại. Ván sàn và bạt cho khách hành hương thuê ngủ trọ trong ba tháng hội đã được dỡ bỏ, treo loe hoe trên cây hoặc vách đá. Những hộ kinh doanh ở sân Thiên Trù mua nước sạch giá 150.000 đồng/khối, còn nước thải thì vẫn vô tư đổ xuống đất. Theo các nhà khoa học địa chất, khu vực chùa Hương sở hữu nhiều hang động caster (đá vôi), nên dễ thấm nước. Điều đó càng khiến suối Yến - thông vào sông Đáy - bị ảnh hưởng nặng nề từ những loại nước thải chảy ra từ hệ thống hàng quán ở Thiên Trù và bến Trò.
Con khóc, mẹ chẳng cho bú
Tại buổi họp tổng kết lễ hội chùa Hương năm 2010 diễn ra sáng 2 - 7 vừa qua, ban tổ chức lễ hội cho biết ba tháng hội năm nay đã đón gần 1,3 triệu lượt khách, tăng 5 vạn khách so với lễ hội 2009. Càng đông khách có nghĩa chùa Hương càng phải gồng mình sống chung với lượng rác lớn hơn. Hòa thượng trụ trì chùa Hương Thích Minh Hiền ước tính mỗi mùa lễ hội sản sinh ra hàng chục tấn rác thải.
Thầy Hiền nói với Tiền Phong, rác ở động Hương Tích, chùa Giải Oan, nội tự Thiên Trù không đáng ngại vì phần lớn là giấy báo, sớ, tiền âm, vàng mã, vỏ hương... Trong mùa lễ hội, nhà chùa thường chủ động đốt hàng ngày. Những năm qua, chùa Hương đã đề nghị các ban, ngành của huyện Mỹ Đức và tỉnh Hà Tây (cũ), thậm chí cả Bộ Khoa học - Công nghệ tư vấn để có một lò xử lý rác, chế biến phân vi sinh quy mô nhỏ gọn tại Hương Sơn.
Thầy Hiền nói, chùa Hương sẵn sàng huy động vốn đầu tư lò xử lý rác này, bất kể giá bao nhiêu, miễn là được tư vấn về công nghệ, quy mô, quy trình vận hành và vị trí đặt lò. Nhưng, đến nay, vẫn chưa có một hồi âm tích cực nào từ phía các ban ngành địa phương và các chuyên gia.
“Điện lưới chúng tôi cũng từng phải đề nghị, nên đến năm 2003 chùa Hương mới có điện. Phải xin hết. Con khóc mẹ mới cho bú mà” - Vị sư trụ trì Thích Minh Hiền khuyên phật tử và khách hành hương nên ăn chay một ngày khi đến với chùa Hương, và hạn chế mang đồ ăn thức uống vào chốn thiền môn. “Đặt nặng việc ăn uống sẽ khiến môi trường Hương Sơn xấu hơn, việc sát sinh ở cổng Thiên Trù sẽ không được giải quyết triệt để”- hòa thượng Hiền nói.
Trong quá trình tìm hiểu phương án xử lý rác thải cho chùa Hương và những di sản tương tự, chúng tôi được một nhà khoa học ở Viện Khoa học Công nghệ VN giới thiệu liên lạc với kỹ sư Vũ Quỳnh. Nghỉ hưu tại TPHCM, ông Quỳnh chuyển ra Quảng Ninh làm chủ tịch HĐQT một Cty xử lý rác thải ở Hạ Long.
Kỹ sư Vũ Quỳnh tự tin cho biết: “Hàng chục tấn rác cả mùa lễ hội, theo tôi, cách xử lý không khó lắm. Chúng tôi đang giúp Hạ Long và một số tỉnh phía Bắc xử lý hàng trăm tấn rác mỗi ngày. Tôi mới vào chùa Hương một lần, nhưng thấy địa hình không thuận lợi để vận chuyển rác từ động và chùa, qua suối, ra đường lớn. Cách tốt nhất có lẽ là xây dựng mô hình xử lý rác cấp hộ gia đình hoặc cấp xã, làm phân vi sinh. Không ảnh hưởng môi trường của danh thắng”.
Ông Quỳnh nói sẵn sàng tư vấn cho chùa Hương. Cùng với kỹ sư Vũ Quỳnh, có thể còn có nhiều ý tưởng, giải pháp thấu đáo cho rác ở Hương Sơn. Vấn đề là, bao giờ thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TP Hà Nội, huyện Mỹ Đức chịu hành động để cứu chùa Hương?
Hàng triệu người dân Việt hàng năm vẫn hành hương về chốn sơn môn, đạo tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm, hẳn ai nấy đều mong mỏi một không khí trong lành thanh sạch thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ lững lờ khe Yến cá nghe kinh. Chúng tôi thực hiện phóng sự này khi mùa lễ hội đã khép lại cũng với mong muốn không làm phân tâm những người hành hương. Nhưng điều này không có nghĩa là tiếp tục lần lữa hoặc bó tay trước nguy cơ của chùa Hương. Không xử lý triệt để rác thải ở chùa Hương là chúng ta đang tự làm xấu, và từng bước làm mất hình ảnh di tích danh thắng Hương Sơn trước mắt thế hệ tương lai.
Trần Thanh
Tất cả các di tích trên thế giới có địa hình cách biệt như chùa Hương người ta đều buộc du khách phải mang rác trở ra. Không có chuyện tham quan rồi xả rác vừa bãi. Biển “Cấm xả rác” đặt tại nhiều nơi, dịch vụ hàng quán được hạn chế. Tôi đi núi Phú Sỹ - Nhật Bản, họ cũng làm vậy. Hiện tôi đang ở Khánh Hòa, và thấy ở đảo Hòn Một người ta cũng giữ gìn cảnh quan sạch sẽ, không cho phép xả rác xuống biển hay trên đảo. Chùa Hương chỉ nhìn vào Khánh Hòa cũng có một kinh nghiệm rồi. Về ý định xây dựng lò xử lý rác ở chùa Hương, tôi phản đối. Bởi bất cứ di sản nào xây nhà máy xử lý rác thải dù nhỏ trong khu vực bảo vệ đều hỏng hết. Bây giờ, một số tỉnh đang áp dụng mô hình xử lý rác nhiều cấp độ: hộ gia đình, xã, huyện, tỉnh. Chùa Hương có thể tham khảo cách này. Theo đó, chúng ta chuyển rác một quãng đường từ Thiên Trù tới thôn Đục Khê. Ở đây có diện tích đất đáng kể, không quá gần Hương Tích và Thiên Trù, xây một số lò xử lý rác quy mô hộ gia đình và sản xuất phân vi sinh. T.S Ngô Kiều Oanh Viện KHCN Việt Nam |