GN - Hôm nay, chúng ta kỷ niệm ngày viên tịch của vị Tổ khai sơn chùa Hội Phước và cũng vui mừng khi ngôi chùa này được trùng hưng trong thời kỳ đất nước đang phát triển. Nhân ngày kỷ niệm này gợi cho tôi một số suy nghĩ.
Phần lớn chúng ta quy y, xuất gia để trở thành người con Phật, nhưng ít người hiểu được nghĩa lý sâu xa mà Phật muốn chỉ dạy. Vì không hiểu giáo pháp, nên việc hành trì có sơ suất thì phước không sanh, nghiệp lại tới và tùy theo nghiệp đó mà vào sanh tử trần lao, chịu muôn ngàn khổ cực. Nhưng nếu hiểu lời Phật dạy và áp dụng đúng, từng bước chúng ta thấy được thật tướng các pháp, biết việc nên làm, nơi nào nên tới.
Khi Phật tại thế, chứng quả Vô thượng Bồ-đề, đạt đến đỉnh cao thì không có gì mà Phật không biết và Ngài biết tất cả các pháp vận hành theo nhân duyên thiện ác của nó. Vì vậy, Phật tìm người có nhân duyên để giáo hóa khai ngộ, nhờ đó, người theo Phật thì xa rời trần cấu, chứng Niết-bàn. Nhưng nếu không có nhân duyên với Phật, Ngài cũng không độ được.
Trong kinh Pháp hoa, Phật dạy chúng ta phải có căn lành là có duyên với Phật pháp. Thật vậy, khi Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài quán sát nhân duyên giáo hóa của Ngài trong cõi Diêm Phù Đề, thấy được Kiều Trần Như là Tỳ-kheo có duyên với Phật và có thể đắc Thánh quả trước tiên trong hàng đệ tử Phật. Quán sát như vậy, Phật từ Bồ Đề Đạo Tràng đi đến thành Ba La Nại có năm anh em Kiều Trần Như tu ở đó. Kiều Trần Như thấy Phật liền đắc quả A-la-hán, ngài là vị La-hán đầu tiên. Tại sao đắc đạo dễ dàng vậy. Phật nói rằng người có duyên với Phật pháp mới đắc đạo được. Duyên đó là gì.
Phật nói thuở xa xưa, khi Phật tu Bồ-tát đạo, đã phát nguyện tu hạnh nhẫn nhục ở trên núi. Và khi tu nhẫn nhục, nếu không có ai phá, ai hại thì hành giả làm sao thực hiện pháp này cho đến ba-la-mật. Hòa thượng Thiện Siêu nói một câu mà tôi thường suy nghĩ, lấy đó làm tiền đề tu tập, ngài bảo rằng tu hành mà một chút buồn, một chút giận, thì tu như vậy suốt đời phải lận đận, không tới đâu.
Khi Đức Phật tu nhẫn nhục, có ông vua rất ác tên Ca Lợi vương. Ca Lợi nghĩa là ác độc. Ông vua này ác, ham chơi, thích chém giết, nên thường lên núi săn bắn. Ông gặp vị Tiên nhân tu nhẫn nhục, liền hỏi ngài ở đây tu gì. Sằn Đề Tiên nhân trả lời rằng tôi tu nhẫn nhục ba-la-mật, tức đạt đến mức cao của nhẫn nhục là nhẫn bên ngoài và nhẫn cả bên trong.
Khởi đầu thực hành pháp này là chúng sanh nhẫn, nghĩa là chịu đựng tất cả những gì mà chúng sanh đổ trút lên đầu ta. Ai làm gì ta, ta cũng không buồn, không giận, không sợ, không lo thì đạt được chúng sanh nhẫn. Chúng ta chưa đắc đạo vì chưa nhẫn, hở một chút là buồn, là giận. Tu như vậy thì suốt đời không vượt được kiếp phàm phu trong sanh tử.
Ca Lợi vương nghe Tiên nhân nói, khởi bực tức và muốn xem Tiên nhân này nhẫn thực hay không. Vì vậy, vua xử tội lăng trì là xẻo từng lát thịt cho đến không còn thịt, nhưng không cho chết. Người ta lóc hết thịt của ngài, nhưng trái tim ngài vẫn đập bình thường chứng tỏ ngài không sợ, không lo, không buồn, không giận, không có cảm giác đau đớn. Khi ngài đạt được pháp chúng sanh nhẫn như vậy mới phát nguyện rằng nếu thành Phật thì người đầu tiên mà ngài độ phải là ông vua Ca Lợi.
Quý vị có nghĩ như vậy không. Nếu bị người hại, ta liền nghĩ sẽ trả thù, nếu ngày nay chưa trả thù được thì ngày mai, cho đến đời sau hay nhiều đời nữa, nhất định phải trả thù. Lịch sử cho thấy Triệu Thố không thể trả thù được Viên Án, nên đã theo đuổi ông này từ đời Hán cho đến đời Đường luôn tìm cách báo thù.
Đức Phật thì khác, Ngài nguyện người đầu tiên mà Ngài độ là người đã bức hại Ngài. Với hạnh nguyện từ bi vô lượng như vậy, khi Đức Phật thành đạo, Ngài quán sát thấy sau khi Ca Lợi vương giết Tiên nhân Sằn Đề, vua đã hối hận, phát tâm tu và sanh lại kiếp này, ông cũng là nhà tu khổ hạnh. Khi Kiều Trần Như trông thấy Phật, tự nhiên ông nhớ lại tất cả kiếp trước của mình và nhớ rõ ông đã từng ra lệnh lóc thịt Phật. Phật nói rằng Kiều Trần Như có nghĩa là liễu bổn tế, tức biết được việc xấu ác của mình ở đời trước.
Chúng ta tu hành, phải học hạnh Kiều Trần Như là nhớ tất cả việc xấu ác để sám hối cho tiêu nghiệp. Còn chỉ nhớ xấu ác của người khác để hận, mà không nhớ xấu ác của mình để sửa đổi, nên phải trái hơn thua suốt đời, ở trong sanh tử. Trên bước đường tu, Phật dạy chúng ta rằng nhìn người đối xử với mình mà biết được con người thực của mình. Họ đối xử xấu, biết mình xấu; nhưng phần nhiều, không chịu biết như vậy, cứ nghĩ họ đối xử tệ với mình, thậm chí có người ở chùa bất mãn, buồn phiền rồi bỏ đi, nói rằng tại thầy trụ trì xấu, không ở được; đó là sai lầm lớn. Riêng tôi tu hành có suy nghĩ tại sao thầy trụ trì đối xử với ông đạo kia tốt, nhưng đối xử xấu với mình. Tôi học hạnh Kiều Trần Như, thấy được điều xấu, điều lỗi, điều dở của mình, cố gắng khắc phục. Tôi được như ngày nay nhờ y pháp tu hành. Tôi quan sát ông đạo được thầy trụ trì thương vì khôi ngô tuấn tú là hơn mình rồi. Nếu không thấy phước báo của người mà họ có cơ thể khỏe mạnh, dễ coi thì sanh tâm bực tức, rồi nói rằng ông đạo nịnh bợ trụ trì nên được thương, mình tức chết. Tôi nhận ra ngay tướng phước của ông đạo này. Đức Phật cũng có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Ông đạo có nụ cười như hoa sen, đôi mắt trong vắt thì thầy thương là bình thường. Mình con nhà dân dã, tay lấm chân bùn, mặt mày đen thui xấu xí, làm sao người ta thương được. Tôi trải nghiệm ý này, thấy mình thấy người. Ông đạo được thương vì có tướng phước. Mình có tướng nghiệp, không được thương, nhưng cố gắng khắc phục nghiệp đời trước, lần lần mình cũng lên được. Tôi phát hiện nghiệp mình nhiều đời nên hiện đời phải tái sanh nơi biên địa hạ tiện; nhưng còn chút căn lành được xuất gia học đạo, tin Phật, tin mình đã trồng căn lành, nên phải cố gắng tu vượt lên.
Phật tìm người có duyên để độ. Chúng ta học đạo cũng phải tìm nơi có duyên để tới, nếu không thì không thành công. Người tu đắc đạo, ngộ đạo, hiểu đạo, việc làm rất nhẹ nhàng, không phải trái hơn thua thì khác với người chỉ khoác áo tu thôi. Đức Phật quá xa chúng ta, nhưng gần chúng ta là thầy, là Tổ, là tấm gương sáng để chúng ta học theo.
Chúng ta nhìn trước mắt thấy Thượng tọa Lệ Trang có hảo tướng, mập mạp, trắng trẻo, hiền lành, có giọng nói rất dễ thương khiến người nhìn thấy thầy là phát tâm. Hảo tướng này có được do túc phước đời trước, căn lành đời trước, cho nên tái sanh có những điểm đặc biệt mà người khác không có.
Tôi nhớ Hòa thượng Trí Tịnh khi mới gặp Tổ, ngài chưa xuất gia, nhưng Hòa thượng Tổ đã nói với đại chúng rằng đừng xem thường ông này, đời trước ông này đã là Hòa thượng, đời này sẽ là Hòa thượng. Hòa thượng Vạn Linh nói như vậy, đại chúng nghe tin hay không. Người thường thì nghĩ rằng mình theo thầy lâu, nhưng không được thầy khen; ông này mới tu mà được vậy, nghe tức chết, bỏ đi. Người chưa tu, nhưng được quý trọng, vì đã có phước đức tu tạo từ đời trước. Nếu chúng ta nhìn sâu thấy có người chưa xuất gia, tâm đã vào đạo, nên Phật tử thường nói ông này chưa đi tu, nhưng như người tu, hay hơn người tu. Chúng ta nghe nói như vậy, không nên tức tối. Người tu cả chục năm, nhưng còn thua người đời, vì họ tu lâu mà còn đầy phiền não, không đắc đạo, nên khi nổi nóng, cởi bỏ áo tu, ra đời. Tôi có bạn tu rơi vô tình trạng này, bỏ tu rồi đi sâu vào con đường sanh tử khổ đau.
Chúng ta thấy thầy Lệ Trang có tướng hảo như vậy và thấy thêm xưa kia chùa Hội Phước đã xuống cấp. Ban Trị sự tỉnh nhà đã bổ nhiệm thầy Lệ Trang làm trụ trì chùa này, từ ngôi chùa cũ ọp ẹp, chỉ sau bốn năm, chúng ta thấy chùa khác hoàn toàn. Ai có tới chùa này trước kia đều không ngờ trong thời gian ngắn mà đã có được ngôi chùa rất khang trang nơi đây. Tôi tin tưởng nhờ phước đức của thầy Lệ Trang. Thật vậy, Đức Phật dạy rằng chánh báo đâu thì y báo đó. Y báo là ngôi chùa, phước của thầy Lệ Trang đã thể hiện điều này.
Chúng ta thấy được ngôi chùa mới tốt đẹp thế này và nhìn xa hơn chút nữa, chúng ta nhớ đến ngài Liễu Ngọc là vị Tổ khai sơn ngôi chùa này gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng nhìn hiện tại sẽ hiểu được xa hơn. Xưa kia, Tổ khai sơn học đạo với ngài Tế Giác Quảng Châu. Trên bàn thờ Tổ ở tổ đình Huê Nghiêm, Thủ Đức có thờ vị Tổ đời thứ nhất là ngài Thiệt Thụy Tánh Tường, vị Tổ đời thứ hai là ngài Tế Giác Quảng Châu và vị Tổ đời thứ ba là ngài Liễu Ngọc.
Vâng mệnh Tổ, ngài Liễu Ngọc về đây khai sơn ngôi chùa này, đó là cách hành đạo khác với phàm phu bình thường. Phàm phu thấy của cải thì ham, nhưng hiểu đạo xem phước đức của mình tới đâu, duyên của mình ở chỗ nào thì tới đó làm đạo.
Ngài Tế Giác Quảng Châu là đệ tử của Tổ Thiệt Thụy Tánh Tường. Tổ Thiệt Thụy Tánh Tường nói với ngài Tế Giác Quảng Châu rằng ông là đệ tử của tôi, nhưng không có duyên đắc độ với tôi. Nhân duyên đắc độ rất quan trọng. Vì vậy, thực tế cho thấy dù giỏi, nhưng không phải ai cũng độ được. Có Hòa thượng tu tốt, nhưng không có người thừa kế. Có vị mới tu lại có nhiều đệ tử. Nói điều này, tôi nhớ đến Thượng tọa Minh Phát lúc còn là Sa-di đã được nhiều Phật tử tại gia theo, tin tưởng, hợp tác. Đối với những người túc phước lớn như vậy, chúng ta sanh tâm kính trọng, không dám xem thường, ganh tỵ.
Tổ Thiệt Thụy Tánh Tường thấy Tế Giác Quảng Châu thương Tổ, nhưng nếu ở Huê Nghiêm với Tổ thì cũng chỉ dừng bước ở đây. Tổ mới bảo Tế Giác Quảng Châu có duyên với Tổ Phật Ý ở chùa Từ Ân, nên về học với Tổ Phật Ý thì về sau lên được, còn theo Tổ suốt đời không làm được gì hơn. Thử nghĩ xem nếu mình theo thầy đã lâu, tốn nhiều công lao gầy dựng mà thầy lại đuổi đi thì buồn giận, chắc chắn đọa. Nhưng khi ngài Tế Giác nghe Tổ dạy như vậy, liền đảnh lễ Tổ để đền ơn tri ngộ, rồi đi xuống chùa Từ Ân cầu học với Tổ Phật Ý.
Một khoảng thời gian sau, Tổ Phật Ý quán nhân duyên thấy ngài Tế Giác Quảng Châu tuy có công hầu hạ Tổ nhiều năm, nhưng không có duyên thầy trò, không đắc đạo được. Vì vậy, Tổ Phật Ý bảo ngài Tế Giác nên theo Tổ Viên Quang ở chùa Giác Lâm. Chùa Từ Ân là chùa sắc tứ của vua Minh Mạng, một ngôi chùa lớn, nếu bám vào đây để sau trụ trì, thì tham như vậy là đọa.
Tổ Phật Ý thấy chùa Từ Ân sau này sẽ do ngài Liên Hoa về trụ trì, thì ngài Tế Giác ở đó sẽ không phát triển được, phải qua tổ đình Giác Lâm tu hành, chịu cực khổ, vì lúc đó, Giác Lâm còn là ngôi chùa lá nghèo nàn. Về đây, ngài Tế Giác hết lòng làm việc. Người có căn lành đi tu không nghĩ đến quyền lợi, chỉ nghĩ đóng góp công sức cho đạo.
Về sau, ngài Tế Giác được vua Minh Mạng thỉnh làm trụ trì chùa Thiên Mụ, chùa Giác Hoàng ở Huế và ngài làm một số Phật sự quan trọng. Ngài còn học thêm nghi lễ cung đình và có cái nhìn rộng hơn, khác với các vị khác chỉ nghĩ đến tông môn. Ngài Tế Giác không kẹt tông môn hệ phái. Nói đến đây, tôi nhớ Hòa thượng Thiện Hòa, vị thầy mà tôi rất kính trọng. Khi ngài làm Giám đốc Phật học đường Nam Việt, ngài bảo rằng không cần biết thuộc tông môn hệ phái nào, nhưng cần phải học, phải tu. Ai tu thì ngài dạy, ai học thì ngài giúp. Vì vậy, trong Phật học đường Nam Việt có quý thầy thuộc đủ tông môn hệ phái. Tôi thuộc tông môn hệ phái chùa Huê Nghiêm, nhưng ham học ham tu, nên được ngài thương.
Ngài Tế Giác nhận thấy việc phân chia tông môn hệ phái làm Phật giáo suy yếu, vì chỉ nghĩ đến giữ gìn tổ đình của mình, không lo hoằng pháp lợi sanh thì giữ tổ đình để làm gì. Người khác tông môn nhưng tài giỏi thì có thể giao cho họ làm, vì Phật pháp là của chung.
Ngài Tế Giác làm trụ trì chùa Giác Lâm, không chấp tông môn hệ phái. Ai muốn học, muốn tu thì cứ đến Giác Lâm, ngài sẵn sàng dạy. Lúc đó có một số học tăng tìm đến học, trong số đó, nổi tiếng nhất có ba vị đệ tử của Tổ Tế Giác. Tổ quán sát nhân duyên của từng người mà cắt cử đi hành đạo những chỗ khác nhau. Trong những người giỏi có chí lớn, Tổ cắt cử người đầu tiên là ngài Liễu Xuân có duyên với tổ đình Huê Nghiêm, nên về đó xây dựng lại chùa này. Còn ngài Liễu Khiêm, Tổ Tế Giác bảo ngài có duyên với vùng Châu Đốc, An Giang và biết rõ rằng chỉ có Liễu Khiêm Hoằng Ân có khả năng hàng phục ngoại đạo. Phàm phu thì nghĩ rằng mình giỏi theo thầy, nhưng lại bị đuổi đi đến chỗ khỉ ho cò gáy, nhưng người đắc đạo thấy khác. Nghe lời Tổ, ngài xuống Châu Đốc cất am gần miếu Bà. Chỉ một thời gian sau, nơi này trở thành chùa Tây An và có nhiều ngôi chùa mọc lên, đặc biệt đúng như cái thấy chính xác của Tổ, ngài Liễu Khiêm đã giáo hóa được nhiều thầy theo Phật. Nếu không có ngài hướng dẫn, họ sẽ theo tà đạo.
Người đệ tử thứ ba của Tổ Tế Giác là ngài Liễu Ngọc mà người ta nghĩ rằng sẽ được làm trụ trì Giác Lâm, khi hai vị đệ tử nói trên đi hành đạo nơi khác. Tuy nhiên, Tổ Tế Giác lại bảo ngài Liễu Ngọc có duyên với vùng Sa Đéc, tuy đời sống ở đó cơ cực, nhưng sau này ngài sẽ tế độ được những người ở vùng này. Ngài Liễu Ngọc đảnh lễ Tổ và xuống nơi này cất am tu hành, từ thời Minh Mạng Thiệu Trị tính đến nay đã gần 200 năm.
Cho đến ngày nay, thầy Lệ Trang làm trụ trì, ngôi chùa Hội Phước này được sáng lên. Tôi hình dung không biết có phải ngài Liễu Ngọc đã tái sanh lại thành thầy Lệ Trang hay không. Tôi mong rằng ngôi chùa này sẽ phát triển, trở thành nơi đào tạo nhân tài. Cầu nguyện Phật gia hộ cho thầy trụ trì và Phật tử luôn an lạc trong Chánh pháp.