Chùa Đại Tuệ khơi lại truyền thống khai bút đầu xuân

GNO - Ngày 7-3-2015 (tức ngày 17 tháng Giêng năm Ất Mùi), chùa Đại Tuệ (Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An) do TT.Thích Thọ Lạc trụ trì đã diễn ra lễ khai bút đầu xuân.

IMG_1146 (Medium).JPG


Quang cảnh lễ khai bút đầu năm trang nghiêm tại chùa Đại Tuệ

Buổi lễ nhằm động viên mọi người học hành, phấn đấu, một hình thức khuyến học với các học sinh mong học giỏi, thành đạt, làm rạng danh nước nhà và những cán bộ đang công tác tiếp tục nâng cao trí tuệ để phục vụ đất nước và nhân dân.

Tham dự lễ hội có các cấp UBND tỉnh Nghệ An cùng các ban ngành cấp tỉnh và huyện về tham dự.

Khai bút có ý nghĩa đề cao sự học, vì thế những nét bút đầu tiên của năm mới được hạ xuống cũng là tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học, sự viết trong năm mới. Và hơn hết, gửi gắm trong những nét chữ đầu xuân là ước nguyện của người cầm bút về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới.Tục khai bút ngày nay tuy không còn phổ biến và cầu kỳ như ngày xưa nhưng vẫn được nhiều người coi trọng. Đặc biệt là những gia đình có truyền thống hiếu học.

Được biết, chùa Đại Tuệ là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIV để thờ Phật bà Đại Tuệ - Phật mẫu Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa (nghĩa là trí tuệ lớn làm giác ngộ thành Phật mẫu), toạ lạc trên núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn.

IMG_1154 (Medium).JPG


Thỉnh chuông, trống khai hội
IMG_1242 (Medium).JPG
Người trẻ dự hội nhận bút từ Ban Tổ chức

Tương truyền chùa có cách đây trên 600 năm do vua Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương xây để thờ Phật bà Đại Tuệ - người đã có công phù hộ cho nhà Hồ xây thành đắp luỹ trên núi Đại Huệ để chống giặc Minh xâm lược nước ta. Khi vua Quang Trung hành quân ra Bắc đại phá 29 vạn quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) có nghỉ tại đây, đêm đến được sư bà ở chùa mách bảo đi theo đường thượng đạo (truông Băng) để hành quân ra thành Thăng Long vừa nhanh mà tránh được phục kích. Khi chiến thắng trở về, hoàng đế Quang Trung xuống chiếu cắt 20 mẫu đất làm ruộng chùa.

Chùa nằm trên khuôn viên khoảng 600m2, ở độ cao hơn 450m so với mực nước biển trong một không gian tĩnh lặng, cảnh vật thơ mộng, hữu tình. Chùa Đại Tuệ và núi Đại Huệ có thể xem như một trong những danh thắng nổi tiếng của xứ Nghệ xưa nay. Đây là một công trình tín ngưỡng tôn giáo, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, hướng thiện nổi tiếng của nhân dân trong vùng.

Lên tới đỉnh núi, có thể phóng tầm mắt ra xa, chiêm ngưỡng cả một vùng di tích danh thắng bao quanh với cảnh sương mù và núi non hùng vĩ.

Đại Tuệ tự là ngôi chùa duy nhất trên đất nước Việt Nam thờ Phật mẫu Đại Tuệ, một không gian chứa đựng trí tuệ phi phàm của Đức Phật, hướng dẫn, nhắc nhở mỗi người nhớ về luật nhân quả, tự tu dưỡng thân tâm hành động bằng những việc thiện, mang lại lợi ích cho quần sinh.

IMG_1127 (Medium).JPG


Chư tôn đức khai bút bằng nét thư pháp mềm mại, thiền vị

Việc bảo tồn và phục dựng lại chùa Đại Tuệ có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, đáp ứng nguyện vọng thờ Phật, hướng thiện, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân và phục vụ khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế.

Đứng trên đỉnh Thăng Thiên khách hành hương có thể nhìn thấy dòng Lam giang uốn lượn, phóng tầm mắt say ngắm toàn cảnh Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên, Vinh, Nghi Lộc và Hòn Ngư, Hòn Mắt, Hòn Mê ở biển Đông. Đứng ở sân chùa ta nhìn thấy vùng đất rộng lớn từ Đức Thọ, Hồng Linh, Nghi Xuân và ta sẽ được nhìn rõ hơn dãy Hồng Lĩnh, dãy Thiên Nhẫn. Vì thế trước đây các tạo nhân mặc khách hàng năm vãn cảnh lên chùa vãn cảnh, làm thơ.

Bài, ảnh: Thái Quảng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.