Chú tôi

GN - Tôi có người chú ruột năm nay bước vào tuổi “cổ lai hy”. Chú lớn hơn tôi… hai tuổi! Do thường xuyên tập thể dục “Suối nguồn tươi trẻ” và ngồi thiền nên trông chú hồng hào, khỏe mạnh như người sáu mươi. Chú ăn chay một tháng sáu ngày. Đây là một trong những đổi thay lớn cuộc đời chú.

Là con út trong gia đình, chú được ông bà nội cho học hành đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, học hành và thi cử hồi đó khá khó, học lực của chú cũng ở mức trung bình khá nên cố gắng lắm chú mới đậu tú tài 1. Sang tú tài 2 thì chú không còn là chú nữa mà trở thành… Bùi Kiệm suốt mấy năm liền!

minhhoa-n.jpg

Tranh minh họa

Hơn năm mươi năm trước mà có bằng tú tài 1 là ngon lắm, có người ăn mừng ì xèo. Nếu làm việc trong ngành hành chánh của nhà nước hoặc làm cho tư nhân thì từ cán bộ trung cấp trở lên, còn bên quân sự là sĩ quan cấp úy. Sau vài năm làm tư chức, chú tôi bị động viên và trở thành sĩ quan quân đội. Chú rất gia trưởng, hiếu thắng, bộc trực. Đối với chú, đúng sai, phải trái đều phân minh, không lập lờ, không thiên vị, không cả nể. Thẳng thắn bộc trực là tính tốt, không nham hiểm, không ích kỷ, nhỏ mọn. Tuy nhiên, tục ngữ có câu “Thẳng mực tàu đau lòng gỗ”, “Lời thật mất lòng” nên thẳng thắn bộc trực quá dễ dẫn đến cô đơn do nhiều người không thích, bằng mặt chứ không bằng lòng. Suốt thời gian dài, chú tôi thuộc loại người đó. Tình cảm anh chị em không được mặn mà, con cháu tránh né, không dám chạm mặt, ngoại trừ những trường hợp bất khả kháng.

Khi trở về già người ta thường hay đổi tính. Dễ thấy nhất là khó khăn và cố chấp. Hễ ai làm việc gì không vừa ý thì cáu gắt, la mắng. Rồi giận hờn, lẫy đương, lỗi phải từng li từng tí… Chú tôi thì ngược lại. Chú bây giờ rất dễ dãi, giản dị (nhưng không cẩu thả), hòa đồng, khoan dung, độ lượng… Đặc biệt, chú rất lạc quan, yêu đời chứ không bi quan chán nản như những người già khác khi thấy mình không còn nên “tích sự” gì nữa. Tôi có thể dẫn chứng một vài chuyện rất nhỏ về sự thay đổi của chú.

Chú tự làm nhiều sinh hoạt hàng ngày như pha cà-phê và châm trà uống mỗi sáng hoặc trưa chiều, nấu nước tắm và giặt áo thun quần đùi, buồn ngủ đi giăng mùng ngủ… chớ không hề sai vợ con. Một lần, vào ngày hăm ba âm lịch, chú ăn chay. Thím đi chợ lại quên mua đồ chay cho chú. Thím bèn sai đứa cháu nội gái đi chợ mua. Chú không cho: “Nó bận học bài và làm bài tập mà, đừng có ỷ thượng áp hạ, cứ để đó tui lo”, chú nói. Chú lội ra vườn ngắt vài đọt rau muống, bồ ngót, bẻ vài trái chuối già mới đóng vóc rồi đến tiệm mua keo chao. Đến bữa ăn, chú tự lặt rửa rau, tước vỏ chuối và đổ chao ra dĩa, thêm gia vị, trộn đều, nếm thử: “Chà, chao ngon quá”, chú chép miệng khen. Đứa cháu nội trai khoảng mười tuổi gắp miếng cá chiên chấm vào dĩa chao. Thím trừng mắt, lớn tiếng rầy nó: “Chao của ông nội ăn chay sao mầy chấm cá vô đó mậy?”. Thằng bé sợ hãi bỏ luôn miếng cá trong dĩa chao. Thím lườm nó, gắp miếng cá ra, nói với chú: “Để tui thay dĩa khác cho ông”. Chú đưa tay ngăn lại: “Không cần đâu, không phải ông nội bà nội không cho con ăn nhưng ông nội có dầm ớt nên chao cay lắm con”, chú an ủi thằng bé. Dù ông nội không rầy nhưng nó vẫn cứ lấm lét suốt bữa cơm. Sau khi ăn xong, chú nói vui với thím: “Người không biết không có lỗi, bà lại hay quan trọng hóa vấn đề”.

Nhà chú gần bến phà và bến xe ôm (đường sá ở nông thôn bây giờ khá tốt, xe cộ nhiều nên “dịch vụ” đưa rước hành khách và xe cộ sang sông trên những chiếc đò lớn được người ta gọi là phà). Thím nuôi khoảng chục con gà để dành làm giỗ chạp, cho con cái ăn trong dịp lễ Tết và đãi khách đến chơi bất ngờ. Lũ gà thường hay sang bến phà kiếm ăn và cách vài hôm lại mất một con. Biết đám xe ôm bắt trộm, thím trỏ miệng qua chửi xỏ chửi xiên. “Bà chửi chi vậy, đã hao hơi tổn tiếng, tạo ác nghiệp còn gây thù chuốc oán mà gà cũng không sống lại, trở lại với bà?”, chú khuyên. Thím hậm hực: “Chửi cho hả giận chớ chi? Công tui nuôi cực khổ quá mà tụi cô hồn các đảng đó ăn tước trên đầu trên cổ không tức sao được?”. Chú cười, nói: “Bà giận do nuôi cực khổ mà không ăn thịt được chớ gì? Tui bày cho bà một cách hả giận. Giả sử gà bị cúm chết bà có ăn thịt được không và sẽ chửi ai? Chẳng lẽ chửi ôn dịch và vi-rút H5N1? Vậy thì bà cứ cho mấy con gà đã mất đều bị cúm chết đi thì hết giận ngay thôi, đúng không? Bà càng chửi nó càng bắt cho bõ ghét. Chửi ít mất ít, chửi nhiều mất nhiều, lúc đó cục tức của bà sẽ to như cục đá xanh liệu bà có chịu nổi không?”. Chú còn lân la chuyện trò vui vẻ với những người chạy xe ôm, không đá động đến chuyện mất gà mà chỉ lưu ý họ về sự nguy hiểm, lây lan của dịch cúm gà H7N9 mới đây ở Trung Quốc để họ đề phòng. Chú còn có ý xin lỗi họ về thái độ của thím. Phương pháp của chú rất hiệu quả, gà không còn mất nữa.

Hồi trung niên, Tết năm nào chú tôi cũng mua heo hơi về làm thịt bán cho hàng xóm kiếm thịt lời ăn Tết. Chú còn nghĩ ra cách câu khách năm sau mua tiếp. Những gia đình nghèo túng chú đều cho thiếu ra giêng mới trả nên có năm chú làm hai ba con heo, thịt lời kho rệu ăn đến hạ nêu chưa hết. Từ đó chú có thêm biệt danh “Tám Heo”. Một lần, ông hàng xóm cưới vợ cho con gởi thiệp mời chú. Ngoài bao đề “Kính gởi: 8 Bằng (Heo)”. Theo phép xã giao thì viết như thế là khiếm nhã, bất lịch sự đối với khách mời. Thím và con, dâu đều tự ái, nhất quyết không đi dọn đám cưới cũng không cho chú đi vì: “Y coi thường, không tôn trọng mình sao mình lại tôn trọng y”, họ nói. Chú vui vẻ giải thích: “Cái tên là ký hiệu để người ta nhận ra nhau, gọi nhau chớ có quý giá gì mà làm ầm ĩ thế. Vậy chớ các anh Bảy Bò, Chín Dò Dê,… có sao đâu? Chú ấy cũng không coi thường, không tôn trọng mình mà do ở đây người ta biết tui là Tám Heo nhiều hơn Tám Bằng. Hơn nữa, thiệp cưới có đến vài trăm nên người ta viết số 8 cho nhanh hơn viết chữ tám, không nên chấp nhứt mà mất đi tình nghĩa xóm giềng”.

Tình yêu là lãnh vực riêng tư của mỗi người. Tuy nhiên, sẽ rất thiếu sót nếu không kể ra chuyện nhạy cảm này của chú tôi vì nó liên quan đến sự thay đổi quan trọng trong cuộc đời chú. Dĩ nhiên là được chú và “người ấy” cho phép tôi mới dám.

Trước khi kể tôi xin bật mí một chút về chuyện riêng tư và nhạy cảm của chú thời gian qua. Chú tôi rất hào hoa phong nhã. Hồi còn trẻ chú có khá nhiều bạn gái, người nào cũng đẹp. Trong số đó, thím đẹp nhất, “là hoa khôi một trường nữ trung học ở Sài Gòn đó mầy”, chú khoe. Sau ngày hòa bình thống nhất, dù cuộc sống ở nông thôn lam lũ, vất vả nhưng chú vẫn không mất vẻ hào hoa phong nhã. Đã có vài cô gái lỡ thời và đàn bà giá thầm yêu trộm nhớ chú. Cũng như thời trai trẻ, “người ta yêu mình mà mình không yêu lại là có tội”, chú thường nói vui thế để biện minh cho cái thói trăng hoa, “mèo mả gà đồng” của mình! “Có khi nào chú cảm thấy ray rứt, hối hận vì đã phản bội thím không?”, tôi hỏi. “Không! Tao không phản bội!”, chú khẳng định: “Tao có mèo nhưng không bao giờ bạc đãi thím mầy mà còn lo cho bả từ A đến Z. Cuộc sống hạnh phúc của gia đình tao là một minh chứng. Hơn nữa, bạc đãi lén lút mới phản bội còn tao đâu có giấu thím mầy”. Nhưng, lần này lại khác.

“Người ấy” tên Sương, góa chồng, nhỏ hơn chú đúng một con giáp, trông còn khá bắt mắt. Nhiều ông trong xóm lẽo đẽo sau lưng bà chờ đợi một ánh mắt tình tứ, nụ cười ngọt ngào và cái gật đầu ưng thuận. Nhưng, bà Sương chỉ yêu chú tôi. Yêu tha thiết, yêu chân thành. Nắm bắt được tính hảo ngọt của chú tôi, “Bà ấy đã tỏ tình bằng mọi cách hòng chiếm trọn trái tim của tao, khi kín đáo khi lộ liễu, táo bạo”, chú tôi nói. Nếu sự việc xảy ra sớm hơn, trước bước ngoặt lớn trong đời chú chắc chắn chú sẽ không từ chối “miếng mỡ dâng trước miệng mèo!”, chú nói đùa. Để hóa giải tình yêu nồng nhiệt trong lòng bà Sương, chú tôi nhận bà làm em gái, đem giáo pháp “Tứ diệu đế” và “Bát Chánh đạo” giảng giải cho bà nghe, chỉ cho bà thấy nguồn gốc của khổ đau, thất vọng và cách đoạn diệt lòng tham dục. Bà tỉnh ngộ. Hiện bà là cư sĩ, thành viên Ban hộ niệm chùa Thiên Hội Phước, thường đi làm công tác từ thiện xã hội và tụng kinh tập thể tại các đám tang, đám làm tuần. Chú đã chuyển hóa thành công tình yêu nam nữ của bà Sương thành tình yêu chúng sinh, nhân loại.

Về vai vế trong gia đình, tôi là cháu của chú nhưng đứng trên góc độ xã hội thì chú coi tôi như bạn. Trong những buổi “trà dư tửu hậu”, hai chú cháu tôi thường trao đổi nhau nhiều vấn đề, khá tâm đắc. Tôi hiểu khá rõ về chú nhưng hoàn toàn không biết sự thay đổi cuộc sống từ vật chất đến tinh thần của chú, một cách đột ngột. Nhất là trên lãnh vực tư tưởng. Một người theo chủ nghĩa hiện sinh (thời trai trẻ) và thực dụng (thời trung niên) hơn nửa thế kỷ sao lại có thể dễ dàng quay 180 độ trở về đời sống tâm linh nhanh chóng như thế? Nguyên nhân và động lực nào thúc đẩy chú? Một hôm, tôi đem thắc mắc của mình nói với chú và thật bất ngờ, chú vui vẻ kể hết cho tôi nghe rất chân thành và thú vị.

“Tao theo đạo Phật bằng quán tính như người ngồi trên xe buýt. Xe bắt đầu chạy tao ngả ra phía sau, xe thắng lại tao chúi về phía trước. Quán tính thứ nhất là ông bà tổ tiên dòng họ mình đều là tín đồ đạo Phật. Quán tính thứ hai là hồi nhỏ tao thường được bà nội mầy dẫn đi chùa lạy Phật vào các ngày rằm ngươn lễ vía. Chín mười tuổi bà nội lại bắt tao quy y thọ giới với pháp danh Phước Hữu”. Chú bắt đầu câu chuyện như thế. Tôi hỏi: “ Phước Hữu có nghĩa gì, chú?”. “Là Bằng Hữu chớ có nghĩa gì đâu”, chú trả lời. “Đây là cách đặt pháp danh bắt vần theo tên người quy y thọ giới. Thí dụ tên Khải thì đặt Phước Tấu, tên Tuấn thì đặt Phước Tú vậy mà”, chú giải thích thêm.

Sau khi quy y thọ giới, chú vô Gia đình Phật tử đến năm đệ tứ (lớp 9 bây giờ). Hồi đó Phật giáo đang trên đà chấn hưng nên các công tác Phật sự và hoằng dương đạo pháp hoạt động rầm rộ lắm. Trong khoảng thời gian ở Gia đình Phật tử, chú được học sơ cấp giáo lý nhà Phật, học thuộc lòng vài bài kinh ngắn như Di đà, Phổ môn, Vu lan, Sám hối để dễ tụng trong các khóa lễ. Đậu trung học đệ nhất cấp, chú lên tỉnh học tiếp. “Do áp lực của việc học hành thi cử khá nặng nên tao không còn tham gia hoạt động trong Gia đình Phật tử mà cũng rất ít đi chùa. Tóm lại, kiến thức sơ đẳng về giáo lý Phật giáo của tao chỉ có chừng ấy, lại còn bị kiến thức phổ thông và giáo dục lấn ép nên không cất đầu lên nổi”, chú bộc bạch.

Vốn liếng ít ỏi đó chính thức bị ném vào tàng thức khi chú bước chân vào đời dù lúc bấy giờ Phật giáo rất mạnh, ảnh hưởng lớn lên xã hội và chánh quyền. Nhiều tổ chức Phật giáo trong quần chúng, sinh viên học sinh được thành lập, ra đời thúc đẩy việc hoằng dương đạo pháp và hoạt động Phật sự thành cao trào, da dạng và phong phú. Kinh sách được in ấn, phát hành rộng rãi nhưng đa số viết bằng chữ Hán, số lượng dịch ra tiếng Việt lại không nhiều là trở ngại lớn cho những người không biết chữ Hán. “Tao cũng có tìm đọc một vài quyển nhưng cảm thấy điên đầu bởi một “rừng” thuật ngữ Phật học và từ ngữ triết học. Nhớ và phân biệt những thuật ngữ, từ ngữ đó thôi cũng… cực kỳ khó khăn”, chú cười, nói.

Xã hội cũng sôi động không kém. Đặc biệt, chủ nghĩa “Hiện sinh” của Jean Paul Sartre tác động mạnh lên giới trẻ và sinh viên học sinh. Họ lấy quyển “Buồn ơi! Chào mi” của Francoise Sagan làm sách gối đầu giường. Ở một vài trường nữ trung học, những học sinh ở ký túc xá phát động phong trào CTY làm cho nhà trường và ngành giáo dục choáng váng. “Ba chữ đó là gì vậy chú?”, tôi hỏi. “Là chữ viết tắt của Cần tình yêu hoặc Cho tình yêu”, chú đáp. “Nó lan tỏa rộng không chú?”, tôi hỏi. “Khá phổ biến, chẳng những trong phạm vi học đường mà còn ra ngoài xã hội. Đây là phong trào không được lành mạnh nếu không muốn nói là bệnh hoạn nhằm mục đích giải quyết, thỏa mãn nhu cầu sinh lý tình dục đòi hỏi”, chú phê phán (!). “Thế sao nhà nước không dẹp?”, tôi thắc mắc. “Hồi đó tự do lắm mầy ơi. Vả lại, phong trào không liên quan gì đến chánh trị”, chú đáp.

Chú tôi cũng không thoát khỏi cơn lốc đó. Sự hấp dẫn của lối sống “Hiện sinh” tạo nên sức hút mạnh mẽ, cuốn chú tôi vào những mối tình giả dối, những cuộc ái ân chớp nhoáng, không có một chút ấn tượng. Đầu óc và tâm thức của chú tôi càng mụ mị, u mê hơn.

Sau ngày hòa bình thống nhất, mải lo mưu sinh, vật lộn với cuộc sống nên chú tôi không có thời giờ và tâm trí tiếp cận lại với giáo lý đạo Phật. Mặt khác, các hoạt động Phật sự, hoằng dương đạo pháp chìm lắng như hồi trước thời kỳ chấn hưng. Kinh sách không có in mới hoặc tái bản, kinh sách cũ cũng không phổ biến rộng trong một thời gian dài. Sang thời đổi mới, nhiều hình thái và giá trị cũ được phục hồi. Kinh sách được tái bản, phiên dịch, giảng giải, in ấn và phổ biến ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, các loại kinh sách viết về nền đạo học phương Đông và đời sống tâm linh cũng không hiếm, mức ảnh hưởng khá lớn. Đã có nhiều người trong nước và trên thế giới làm cuộc “Hành trình về phương Đông”, trong đó có ông Steve Jobs, một doanh nhân thành đạt và nổi tiếng trên thế giới.

Tuy nhiên, cái “chủng tử” Phật pháp hay cái “bồ-đề tâm” của chú tôi thật sự phát khởi khi được người bạn thân tặng quyển “The Tao of Physics” (Đạo của Vật lý) của Fritjof Capra*. Về nội dung, sau khi phân tích kỹ lưỡng những phát minh mới của nền vật lý hiện đại - hay còn gọi là nền vật lý hạ nguyên tử - và giáo lý của một số nền đạo học phương Đông, tác giả nêu lên chín mối tương đồng giữa khoa học và đạo học, trong đó có Phật giáo. Chín mối tương đồng đó đạo Phật đều có hết nhưng nổi bật là các tương đồng về “tính nhất thể của vạn sự, vượt trên thế giới nhị nguyên, sắc và không và sự dung thông”. Đại khái là tâm và vật không thể tách rời. Vạn vật và biến cố trong vũ trụ mà con người cảm nhận được chỉ là những dạng khác nhau của một thực tại cuối cùng mà đạo Phật gọi là TÂM. Chúng đều có liên hệ với nhau, dung thông (hay viên dung) với nhau, một trong tất cả, tất cả trong một, tương tác tương thích lẫn nhau chứ không phải riêng lẻ, cô lập.

Đọc hết quyển sách, chú tôi “hoát nhiên ngộ đạo như Ni cô Chiyono trong tác phẩm “Không nước không trăng” của Thiền sư Osho vậy”, chú tôi phấn khởi khoe và nói tiếp: “Thời gian qua tao cũng có đọc nhiều kinh sách Phật giáo, nhưng, như tao đã nói, thuật ngữ Phật học quá nhiều, nằm khắp nơi trong kinh sách nhớ không nổi. Điều khó hiểu nữa là có những từ kinh này nói thế này, kinh khác nói thế khác, chẳng hạn kinh Hoa nghiêm nói có lục tướng còn các kinh khác nói chỉ có tứ tướng thành ra không biết tin vào kinh nào và kinh nào đúng kinh nào sai. Có nhiều vấn đề lại không được các dịch giả giải thích rõ ràng mà cứ “lấy kinh giải kinh” vòng vo tam quốc, có trình độ như tao mà còn khó hiểu nói gì những người thấp hơn”.

Cuối cùng chú cũng đã tìm ra được cái cần tìm. Đạo là gì? Như Lai là gì? Chân như là gì? Các câu hỏi đó không khó trả lời nếu chúng ta thấy và biết. Thiền sư Suzuki nói “Thấy đóng một vai trò quan trọng trong nhận thức luận Phật giáo, vì nó là cơ sở của biết. Không thể có biết nếu không có thấy, tất cả mọi cái biết đều xuất phát từ cái thấy. Thấy và biết (tri kiến) như thế nằm chung trong giáo pháp của Phật. Triết lý Phật giáo cuối cùng cũng dạy ta thấy thực tại đúng như nó là. Thấy chính là chứng ngộ”. Tuy nhiên, “Thấy ở đây chỉ có nghĩa ẩn dụ, không nên hiểu theo nghĩa thông thường mà phải hiểu nó là một dạng cảm nhận, bao trùm cả nhận thức bằng mắt nhưng luôn luôn vượt lên trên nhận thức bằng mắt để tiến tới một kinh nghiệm phi giác quan”, chú tôi trích dẫn lời tác giả Capra**.

“Nhờ cây đòn gánh gãy bất ngờ, Ni cô Chiyono mới thấy được Chân như - đúng như nó là. Nhờ đọc quyển sách này tao mới thấy được Như Lai - đến như thế đó. Nhờ đọc quyển sách này tao mới hiểu Sắc-Không, hiểu Vô minh hay còn gọi là ảo giác, hiểu những lời đối đáp của các vị thiền sư mà trước kia tao cho là vô nghĩa. Tóm lại, tao hiểu đạo Phật không bằng kinh Phật mà bằng một quyển sách khoa học viết về vật lý. Qua đó tao còn thấy đạo Phật rất khoa học và thực tiễn chứ không phải mê tín dị đoan như người ta đã hiểu lầm. Những phát hiện của nền vật lý hạ nguyên tử mới đây đã chứng minh hùng hồn nhất những lời Phật Thích Ca đã nói hơn hai ngàn năm trăm năm trước”, chú tôi kết luận.

Sự thật đã rõ mười mươi, nguyên nhân làm thay đổi cuộc đời chú tôi là quyển “The Tao of Physics” và triết lý về đời sống tâm linh là động lực thúc đẩy chú cất công tìm kiếm thời gian qua.

 Truyện ngắn của Trương Hoàng Minh

------------------------

* Sách do Nguyễn Tường Bách dịch, NXB Trẻ phát hành.

** Sách đã dẫn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.