Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM trả lời báo Giác Ngộ

GN - “Phật giáo TP.Hồ Chí Minh là một trong những hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết dân tộc”, bà Tô Thị Bích Châu cho biết.

Trước thềm Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TP.Hồ Chí Minh lần thứ 11, Giác Ngộ đã có cuộc phỏng vấn bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.Hồ Chí Minh. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện:

* Thưa bà Chủ tịch, nếu phải tóm tắt 5 thành tựu nổi bật nhất của Ủy ban MTTQVN TP.Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ qua, theo bà, gồm những gì?

- Tô Thị Bích Châu: Nếu phải chọn 5 thành tựu trong rất nhiều công tác mà MTTQVN thành phố đã thực hiện, thì đó là: (1) Nâng cao hiệu quả tuyên truyền vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”; (2) “Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước”; (3) “Phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh theo Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị”; (4) “Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác quốc tế”; và (5) “Hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống MTTQVN đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới”...

ANH VG (13).JPG
Bà Tô Thị Bích Châu phát biểu trong buổi làm việc với Báo Giác Ngộ ngày 11-8-2017 - Ảnh: Vũ Giang

* MTTQVN là ngôi nhà chung, gồm nhiều tổ chức thành viên đại diện cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có tôn giáo. Nhìn lại, với vai trò là Chủ tịch, bà có nhận định, đánh giá gì về sự tham gia và đóng góp của Phật giáo trong mục tiêu xây dựng và phát triển của TP.Hồ Chí Minh?

- Như chúng ta đã biết, do lịch sử, TP.Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều tôn giáo lớn trong cả nước, hầu hết các cơ quan Trung ương Giáo hội đều tập trung tại đây, với số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự và các cơ sở xã hội gần như đông nhất cả nước. Nhìn chung, tình hình hoạt động các tôn giáo trên địa bàn thành phố trong những năm qua cơ bản ổn định; hầu hết chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo luôn ý thức, tin tưởng và chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện sống “Tốt đời, đẹp đạo”, đoàn kết gắn bó với cộng đồng, tích cực tham gia hoạt động từ thiện xã hội, góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội của thành phố.

Trải qua 38 năm thống nhất các hệ phái Phật giáo cả nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã không ngừng được củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện hòa hợp, đoàn kết, thống nhất và tiếp tục phát huy tinh thần gắn bó với dân tộc. Phật giáo Việt Nam luôn là một trong những tôn giáo đi đầu trong việc hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa. GHPGVN đã động viên Tăng, Ni, Phật tử trong cả nước giữ gìn đạo đức, thuần phong, mỹ tục, hăng hái tham gia lao động sản xuất, chấp hành luật pháp, hoàn thành nghĩa vụ công dân, nâng cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, tham gia tích cực trong các phong trào khuyến học, nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn…

Với đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, GHPGVN nói chung và Ban Trị sự GHPGVN TP.Hồ Chí Minh nói riêng đã và đang làm được nhiều việc “Lợi đạo, ích đời”; tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp phát động như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, công tác xã hội từ thiện, nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt Ban Trị sự Phật giáo thành phố đã hưởng ứng vận động chức sắc, Tăng Ni, Phật tử ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” thành phố với kinh phí 1 tỷ đồng/ năm. Những việc làm thiết thực trên, đã thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật, tinh thần “lục hòa cộng trụ”, “vô ngã vị tha”, làm cho đạo Phật xương minh trong lòng dân tộc và ngày càng khẳng định vai trò thành viên quan trọng của MTTQVN các cấp, hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần tích cực cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố thực hiện mục tiêu xây dựng TP.Hồ Chí Minh “Có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

* Đổi mới không chỉ là yêu cầu mà trở thành mệnh lệnh của sự phát triển. Là người đứng đầu Ủy ban MTTQVN TP.Hồ Chí Minh, bà có thể chia sẻ suy nghĩ về vấn đề này?

- Trong 5 năm tới (giai đoạn 2019-2024), những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước; những chủ trương, chính sách mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, thông tin, văn hóa nghệ thuật là điều kiện để nâng cao chất lượng hưởng thụ về tinh thần của nhân dân thành phố. Đời sống nhân dân được cải thiện, trình độ dân trí được nâng cao, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, nhu cầu được tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, nghề nghiệp của các tầng lớp nhân dân ngày càng đa dạng. Bên cạnh những thời cơ thuận lợi và thách thức trong quá trình phát triển của thành phố, vấn đề hội nhập quốc tế cũng có tác động đến các tầng lớp nhân dân, đó là: Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, tăng cường hoạt động chống phá chế độ ta; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc hòng làm “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã và đang tác động, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống xã hội, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư, cơ cấu lao động. Người dân từ các tỉnh vào thành phố làm ăn, sinh sống nhiều hơn; tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều vấn đề liên quan tới quyền lợi người dân, nhất là trong việc quy hoạch, giải tỏa, đền bù, tái định cư dễ phát sinh “điểm nóng”. Tình trạng tham nhũng, buôn lậu và các tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy; vấn đề việc làm, học tập, đời sống, sức khỏe… vẫn đang là những vấn đề quan tâm, lo lắng, bức xúc của nhân dân. Những khó khăn, thách thức trên đây đã được các cấp, các ngành tập trung giải quyết nhưng chưa thể dứt điểm.

Từ yêu cầu trên, đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc thành phố phải đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức vận động, tập hợp nhân dân, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình hành động, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng TP.Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

* Bà có thể thông tin thêm một vài điều về Đại hội đại biểu MTTQVN TP.Hồ Chí Minh lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2019-2024) sắp tới?

- Sau thời gian chuẩn bị, tiến hành đại hội các cấp cơ sở, đến nay Đại hội đại biểu MTTQVN thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2019-2024 đã sẵn sàng về mọi mặt.

Chúng tôi đã hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội trên cơ sở tổ chức 8 hội nghị góp ý bao gồm các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; các vị trong giới trí thức, chuyên gia, kiều bào; các vị của Hội Người cao tuổi thành phố; lãnh đạo các tổ chức thành viên; các vị nguyên lãnh đạo Ủy ban MTTQVN thành phố các thời kỳ, nhóm Thành ủy viên phụ trách Mặt trận - Đoàn thể; các sở ngành liên quan và đại diện 24 quận, huyện ủy; Ủy viên Ủy ban MTTQVN thành phố…

Đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, lập danh sách dự kiến nhân sự Ủy viên Ủy ban MTTQVN thành phố (số lượng 140 người, đến thời điểm hiện tại có 139/140 người, trong đó 110 người tiếp tục tham gia (73,8%), 29 người tham gia lần đầu (20,7%), ngoài Đảng 47 người đạt tỷ lệ 33,8% (quy định từ 25 đến 30%), nữ 39 người tỷ lệ 28,5%, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố (11 người, nữ: 4, tỷ lệ 36,6%). Riêng cơ cấu tổ chức thành viên hiện còn thiếu 1 (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh) do chưa đại hội nên chưa giới thiệu được người tham gia chính thức.

Với công tác chuẩn bị chu đáo, khẩn trương, đúng điều lệ, Đại hội đại biểu MTTQVN thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2019-2024 có chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Nghĩa tình” sẽ được diễn ra trong 2 ngày (27 và 28-6-2019) tại Hội trường thành phố, số 111, đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, với 414 đại biểu chính thức và 280 đại biểu khách mời.

Trên tinh thần đó, thay mặt cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố, rất mong các cơ quan báo, đài hỗ trợ phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để góp phần làm nên thành công chung của Đại hội đại biểu MTTQVN thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2019-2024.

* Trân trọng cảm ơn bà Chủ tịch.

H.Độ thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.