Chọn màu huỳnh y...

GN - Vào thời điểm sự nghiệp đang ở đỉnh cao, có một gia đình hạnh phúc, bạn bè và đồng nghiệp quý trọng, yêu mến, một thanh niên trẻ đã quyết định bỏ lại tất cả và thay đổi cuộc đời mình theo một con đường mới: xuất gia. Vị sư trẻ ấy là Giác Minh Tôn, đang tu học tại tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)...

Căn duyên với Phật

Gặp sư chỉ trong giây lát, vào một buổi chiều cuối tháng 11, vì sư đang bận rộn chuẩn bị cho chuyến từ thiện xa. Cuộc trò chuyện ngắn cho chúng tôi biết, sư từng là sinh viên ưu tú của một trường đại học danh tiếng, sau khi tốt nghiệp còn có cơ hội tu nghiệp ở nước ngoài. Tu nghiệp xong, sư trở về nước và “có chân” trong một công ty của Pháp.

Làm việc được một thời gian thì sư quyết định ra ngoài tự mình thành lập công ty, cùng bạn bè đầu tư riêng một nhà hàng chay trong thành phố. Việc kinh doanh cũng khá thuận lợi nhưng chàng thanh niên thành đạt trong cuộc sống được nhiều người mơ ước đó lại có một lựa chọn bất ngờ và táo bạo, bỏ tất cả mà đi tu.

Anh 1, PGTT, GN 773.jpg


Sư Giác Minh Tôn (bìa phải) trong một chương trình từ thiện - Ảnh: T.L

“Dường như tôi có căn duyên với Phật, từ nhỏ đã được ăn chay rồi, ý định xuất gia cũng có trong tôi từ rất sớm”, sư tâm sự. Tuy nhiên, do là con út trong nhà, được cha mẹ dành cho biết bao sự yêu thương, nên ý định xuất gia luôn không được chấp nhận. Đến khi cha mất, bản thân sư Giác Minh Tôn trở thành người gánh trách nhiệm với gia đình, phải lo phụng dưỡng mẹ. Lúc đầu, sư cố gắng thực hiện tốt bổn phận của mình, nhưng sau đó sư nghĩ, thương mẹ cho mẹ tiền bạc, vật chất đủ đầy cũng chỉ là cứu mẹ tạm thời chứ không cứu mẹ thoát ra khỏi tất cả các nghiệp báo mà mẹ đang thọ nhận, giữ chữ hiếu như vậy cũng chưa phải là tròn vẹn. Sư quyết định xuất gia từ niềm thao thức đó và thật sự mong muốn việc tu của mình có thể chuyển hóa nghiệp báo cho mẹ và cho cả gia đình.

Ngày sư ra đi, ai cũng bảo thấy tiếc cho cuộc đời của sư, vì vốn là một người ngoan hiền và đang trên bước đường thành công bỗng dưng lại bỏ hết tất cả. Nhưng với sư, chính nhờ bỏ tất cả, nhờ rẽ sang con đường mới mà bây giờ cảm thấy “dường như mình có tất cả, cuộc sống lại trở nên rất an nhiên và tự tại”, sư Giác Minh Tôn bộc bạch chân thành.

Sư chia sẻ, đến giờ phút này, mọi thứ với sư đều khá viên mãn. Mẹ sư cũng đã tự giác tin theo Phật, ngày đêm ăn chay, niệm Phật, có được cuộc sống vui khỏe lúc tuổi già. Những anh chị em của sư cũng giữ được cho mình một niềm tin với Phật.

Nhìn lại quãng thời gian trước kia, sư nói, cũng rất trân trọng nó, chính sự học trong cuộc đời thế tục, chính sự va chạm trong cuộc sống trước đây là bước đệm để giúp sư có thể phối hợp và thực hiện tốt công việc tu học của mình. Đặc biệt hơn, từ quá trình làm việc bên ngoài giúp sư làm tốt các công tác từ thiện đã và đang trăn trở.

“Bát cơm ngàn nhà” và những điều ấp ủ

Tháng 4 vừa qua, đang trong lúc nhập hạ tại một tịnh xá ở Đắk Lắk, sư Minh Tôn bắt gặp một hoàn cảnh rất đặc biệt và đang cần lắm sự giúp đỡ. Bản thân cũng động lòng trước hoàn cảnh này nhưng sư nghĩ “nếu mình giúp họ ngay, cho họ ít tiền thì không giải quyết được gì, rồi họ cũng sẽ lại khổ sở”. Nghĩ vậy, sư lóe lên một ý tưởng giúp họ sống tốt về lâu dài, đó là xây dựng nên chương trình “Bát cơm ngàn nhà” - do chính những người mà họ đang cần sự giúp đỡ này thực hiện, để họ có điều kiện tự tạo miếng ăn cho mình, tự giải phóng mình khỏi đói khổ, từ đó tạo được thêm miếng ăn cho người khác, làm cho phước lành thêm rộng mở.

Vậy là bếp cơm được dựng lên, có sư phụ trách chính, lo việc quản lý và điều động quỹ. Việc nấu, phát cơm chủ yếu là do các cư sĩ cùng những anh chị em có lòng thiện nguyện chung tay. Ngoài việc để cho mọi người có được những bữa cơm ấm lòng, những bếp cơm mà sư Giác Minh Tôn đặt ra còn mong muốn sẽ phổ cập việc ăn chay cho thật nhiều người, không phân biệt nghèo giàu, cốt là nuôi dưỡng ở họ lòng từ, giúp họ biết yêu thương chúng sanh, hướng tới bảo tồn sự sống cho muôn loài.

Trong nhiều chuyến hành đạo xa, sư đều cố gắng quan sát, ngắm nghía để “chọn mặt” một nơi thuận duyên để trao gửi tâm huyết - có thể cùng sư nhân rộng “bát cơm” cho ngàn nhà. Cứ thế, những bếp cơm mới lần lượt ra đời ở Đắk Lắk, Vĩnh Long, Bình Định…

Hiện tại, chương trình đã hình thành và phát triển ở nhiều tỉnh. Số lượng các phần cơm nấu, phát cũng ngày càng tăng lên. Tính riêng bếp cơm đầu tiên ở Đắk Lắk, số lượng nấu, phát vào mỗi mùng 1 đầu tháng đã lên đến khoảng 350-400 phần.

Nói về tâm nguyện của mình, sư mong có thể có thêm nhiều bếp cơm được lập ra, đặc biệt là ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Sư Minh Tôn nói, sẽ cố gắng để mỗi tỉnh có ít nhất một bếp cơm, số lượng các phần cơm nấu, phát sẽ nhiều hơn. Sư chia sẻ thêm rằng, Một bát cơm ngàn nhà/ Thân đi muôn dặm xa/ Muốn thoát vòng sanh tử/ Mây trắng hỏi đường qua - tên chương trình cũng được lấy ý tưởng từ đây...

Huỳnh Thị Tú Linh


_________________
* Bài vở cộng tác trang Phật giáo - Tuổi trẻ xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.