Chọn cái chết!

GN - Gọi tự tử là vấn nạn, bởi trong một báo cáo mới đây, Cục Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em (thuộc Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) cho biết, tự tử là nguyên nhân đứng thứ ba (sau đuối nước và tai nạn giao thông) gây chết ở người trẻ. Cũng trong báo cáo này, cho biết, từ năm 2010 tới nay, mỗi năm có 600 ca tự tử ở người trẻ dưới 18 tuổi, trước đó, khảo sát tương tự vào năm 2005, có 400 trường hợp.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ-Chăm sóc trẻ em nhận định, so với Trung Quốc, Hàn Quốc - hai nước có tình trạng tự tử ở thanh thiếu niên khá cao thì Việt Nam không hề thua kém…

tu tu.jpg

Quả thật, tự tử đáng báo động - Ảnh minh họa

Chết vì yếu lòng, thiếu kỹ năng sống?

Quả thật, tự tử đáng báo động. Thử điểm qua một vài bản tin gần đây: “Khoảng 17g30, tại Km 467+850 QL1A (địa phận cầu Bến Thủy, Hà Tĩnh), một nam thanh niên dừng xe bên đường rồi bất ngờ lao thẳng vào một xe tải, tử vong tại chỗ”, Tuổi Trẻ Online đưa tin ngày 1-9-2013. Cũng trên báo này, ngày 10-9-2013, có tin: “Sáng 10-9, bác sĩ Phạm Trí Dũng - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết khoảng 22g ngày 9-9, một cô gái đã nhảy lầu tự tử trong khuôn viên bệnh viện”.

Trước đó, ngày 23-8-2013, Tuổi Trẻ đăng: “Một học sinh lớp 10 đã treo cổ tự tử vào trưa 19-8 sau khi bị công an xã Đam B’ri (TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) gọi lên lấy lời khai liên quan đến vụ trộm cắp tài sản. Nạn nhân là em Lê Hoàng Triệu Khang (15 tuổi, ở thôn 12, xã Đam B’ri)”.

Mới nhất thì “Khoảng 15g30 ngày 28-10, một thanh niên đi bộ lên cầu vượt bộ hành số 6 rồi bất ngờ nhảy xuống kênh Tàu Hủ (TP.HCM) mất tích. Hàng trăm người dân hiếu kỳ đã tập trung hai bên kênh Tàu Hủ theo dõi” và “Sáng 28-10, đội cứu hộ cứu nạn Sở PCCC TP.HCM vẫn tiếp tục tìm kiếm nam thanh niên mất tích do nhảy xuống cầu Xáng ở khu vực giáp ranh huyện Hóc Môn và Củ Chi” cũng trên trang Tuổi Trẻ Online... 

Mật độ về tin tức liên quan tới tự tử ở người trẻ cứ thế liên tục thể hiện với chỉ một trang báo vốn ít chuộng những thông tin câu khách, giật gân, liên quan tới chết chóc - cho thấy vấn nạn này không phải chỉ chừng đó mà thực tế con nhiều nữa. Nơi hang cùng ngõ hẻm của cuộc sống, nhiều bản tin của các báo khác cũng dài dằng dặc những nội dung liên quan tới tự tử, chỉ cần gõ từ khóa ấy vào mục tìm kiếm.

Còn trên Google, không khó để tìm những trang web liên quan tới vấn nạn này, chỉ cần 0,2 giây, đã có trên 6,4 triệu kết quả về tự tử, cho thấy mức độ quan tâm của vấn nạn này lớn như thế nào.

Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, ông Nguyễn Trọng An đúc kết “Có đủ nguyên nhân khiến trẻ nảy ra ý định tự tử: thi trượt, bị cha mẹ hay thầy cô giáo mắng, bị bạn bè chê cười; cũng có khi nguyên nhân khiến trẻ nảy sinh ý định tự tử nghiêm trọng hơn: bị xúc phạm danh dự, bị nghi lấy trộm đồ của hàng xóm... Tuy nhiên với đại đa số trẻ em có cách xử lý khác như báo với cha mẹ, thầy cô, tìm sự an ủi của bạn bè, người thân thì những trẻ này lại quyết định tự tử”…

Thử nghĩ tới vài nguyên nhân

Như nhận định về nguyên nhân tự tử ở người trẻ của ông An, cho thấy phải có duyên cớ thì mới dẫn tới hành vi. Nhưng, duyên cớ ở đây thường là những việc cỏn con, đôi khi không đáng, song vẫn có những duyên cớ rất tế nhị, thường xuất phát từ hành xử không đúng của người lớn và thường lặp đi lặp lại ở người này, người kia. Chẳng hạn những vụ việc như nghi ngờ lấy trộm tiền, bị đưa lên công an mà không có người giám hộ và bị hỏi cung nên người trẻ quá sợ hãi đã nghĩ quẩn, chọn cái chết. Đó là điều hết sức đau lòng! Tất nhiên, trách nhiệm từ những vụ việc như vậy sẽ được truy cứu và thấp thoáng đâu đó, người ta tìm thấy sự thật chính do sự thiếu quan tâm của gia đình đối với con cái.

Trong nhiều vụ việc, gia đình với những đổ vỡ hay bất hạnh do không có hạnh phúc cũng là nguyên nhân dẫn tới những cái chết thương tâm của con cái… Nhưng xét cho đến cùng, dù nguyên nhân đó là gì và việc tìm ra nguyên nhân ấy chỉ để… bàn luận thì vấn nạn này cũng không thể thuyên giảm và có thể sẽ trở thành căn bệnh thời đại, khi mà giềng mối gia đình, trong quan hệ giữa cha mẹ - con cái có vẻ lỏng lẻo hơn xưa. Những vách ngăn mang tên khoảng cách ngày càng lớn cùng điều kiện khách quan của công nghệ phát triển khiến sợi dây nối tình cảm giữa các thành viên trong gia đình yếu hơn sợi dây nối giữa người trẻ với thế giới ảo lung linh và mênh mông, chứa đựng nhiều điều hay song cũng không ít cạm bẫy chính là nguyên nhân.

Thiết chế gia đình nếu được tái lập trong mỗi bữa cơm với sự có mặt cho nhau giữa các thành viên, quan tâm nhau bằng những cử chỉ, lời nói, sự lắng nghe nhau cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc chữa lành những tổn thương cũng như xóa mờ bớt âu lo (nếu có), nhờ việc giãi bày, chia sẻ. Chúng tôi từng nghe và đọc được rất nhiều tâm sự của các bạn trẻ trên mạng rằng, họ rất cô đơn, và khẳng định “nỗi cô đơn đôi khi còn đáng sợ hơn là sự thiếu thốn về vật chất” để thấy giá trị tinh thần nghèo nàn cũng là nguồn cơn giết chết một con người. Họ không có cơ hội được trò chuyện với ba mẹ, người thân mà chỉ nghe lệnh với những sắp đặt là chính.

Thêm vào đó là thời gian hạn hẹp trong quỹ dành cho gia đình bởi đã trút hết cho công việc cũng khiến cho những giờ phút tiếp xúc người thật việc thật giữa con cái với bố mẹ trở nên khan hiếm. Tổng hợp những điều đó lại và có thể hình dung ra bức tranh ảm đạm của một gia đình được gọi là hiện đại chính là  sự kết nối ngày càng yếu trong ý nghĩa không ai truyền thông được với ai, nên không ai hiểu ai một cách trọn vẹn. Từ đó, dẫn tới hệ quả là có những biến đổi trong tâm lý người trẻ ở tuổi mới lớn với xu hướng nổi loạn để chứng tỏ bản thân lại không hoặc khó được nắm bắt để hiểu và thương; ngược lại, thường bị quy chụp, chì chiết, mắng mỏ nên vô hình trung đã cắt đứt mất cơ hội giãi bày của thế hệ trẻ dành cho những người đi trước, nhất là trong những lúc gặp khó khăn.

Và, những người trẻ loay hoay, tự bơi trong mớ hỗn độn của mình, khi gặp phải những bất lợi hay trải qua những thất bại (thi rớt, đổ vỡ trong tình cảm đầu đời…) chắc chắn sẽ thấy khoảng đen đậm đặc trước mắt và nghĩ tới việc giải thoát bằng cái chết như một lựa chọn dẫu rất sợ, rất đau đớn nhưng đã lựa chọn - kết quả của việc bị cũng như tự dồn tới chân tường.

Ngoài việc thiết lập lại truyền thông với gia đình mà người chủ động, có đầy đủ kỹ năng do từng trải hơn chính là người lớn thì nếu bạn trẻ được trải qua những khóa học ở chùa với việc học giới hạnh - nguyên tắc cơ bản cũng như hàng đầu coi việc bảo hộ sự sống của mình và mọi loài cũng chính là thực hành từ bi thì chắc việc tự tử sẽ giảm đáng kể.

Trong kinh Dược sư, Đức Phật dạy về chín thứ hoạnh tử (chết oan), trong đó có việc tự sát hại bản thân, nếu làm điều đó thì sẽ khó siêu thoát, chắc chắn bị đọa vào những cảnh giới khổ đau, thuộc về những đường ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nếu được trang bị điều đó cũng như vững tin vào lời dạy của Phật, luôn biết tìm cách giải quyết những khó khăn trong đời sống của mình bằng việc quán niệm nhân-quả, thực tập sám hối nghiệp chướng, lạy Phật, thiền tập… thì ít nhiều người trẻ cũng thấm tương chao mà mở ra con đường sáng đẹp cho đời mình thay vì chọn lựa một cái chết đau thương, không những hại mình chết đi, đọa lạc mà còn gieo rắc nhiều ai oán cho những người còn sống!

Chúc Thiệu

_______________

* Bạn đọc có suy nghĩ gì về vấn nạn này? Xin góp góc nhìn, giải pháp hoặc chia sẻ những trăn trở, câu chuyện thật về vấn nạn đau lòng này về Phật giáo-Tuổi trẻ. Vui lòng gửi e-mail tới: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.