>>> Tăng Ni trẻ thuê nhà trọ đi học: Gian nan trăm ngả - Kỳ cuối: Loay hoay tìm một lời giải đáp
GN trích đăng một số ý kiến sau, tạm khép lại loạt phóng sự này với mong ước trong tương lai gần, sẽ được gặp gỡ các nhân vật mà các PV, CTV GN đề cập trong loạt phóng sự, cùng với nhiều Tăng Ni sinh (TNS) có hoàn cảnh như họ, trong các nội xá, khu nội trú dành cho TNS, để chí nguyện xuất gia của họ được kiên định, lý tưởng phụng sự được nuôi dưỡng, phát huy.
Giờ thọ trai của Tăng sinh Trường TCPH Khánh Hòa - Ảnh: Đ.Q
Loạt bài phóng sự “Tăng Ni trẻ thuê nhà trọ đi học: Gian nan trăm ngả” đăng trên báo Giác Ngộ vừa qua là thực trạng rất cần quan tâm và có hướng giải quyết cụ thể. Chúng tôi đã tiến hành điều tra xã hội học theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên đối với 140 Tăng Ni đang theo học HVPGVN tại TP.HCM. Kết quả thu được bước đầu đã cho phép chúng ta hiểu biết thêm và giải thích được một số vấn đề mà TNS gặp phải trong đời sống hàng ngày.
Về môi trường tự viện
Trong 140 Tăng Ni được khảo sát, có 109 TNS (chiếm 77,9%) là TNS từ các tỉnh thành khác đến TP.HCM trọ học; 31 TNS (chiếm 22.1%) có hộ khẩu và bổn sư tại thành phố. Phần đông các TNS có nguồn gốc xuất thân từ tỉnh đến thành phố trọ học đều nhận định rằng: về phương diện cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, một số ít chùa đã trang bị thư viện, phòng nghe nhìn, internet phục vụ việc học tập cho TNS. Cũng có một số chùa xây dựng riêng nơi ở cho các TNS, tuy nhiên đời sống đô thị quá ồn ào đã phần nào làm ảnh hưởng đến việc tĩnh tâm của TNS cũng như một số sinh hoạt khác của họ.
Có một số ý kiến cho rằng, điều kiện ở thành phố thích hợp với việc học tập và hành đạo hơn là việc tịnh tâm, tu trì. Tuy vậy, nhiều TNS cho rằng nếu họ biết vận dụng tinh thần “nhập thế” tu hành thì đây lại là cơ hội tốt cho quá trình trải nghiệm tu tập, rèn luyện sự tiếp xúc của “tâm” với ngoại cảnh, và ở đây có nhiều thời gian tập trung tốt cho việc học tập nhằm nâng cao trình độ Phật học.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong đời sống tu hành hiện nay, có 34 % TNS gặp khó khăn về điều kiện kinh tế; 20% khó khăn về sức khỏe; 12.2% ít nhận được sự quan tâm từ bổn sư. Như vậy, kết quả trên thì khó khăn về kinh tế vẫn là nổi trội nhất. Thực tế cho thấy, TNS từ tỉnh đến thành phố tu học phải đối mặt với rất nhiều khó khăn hơn mà trước hết là vấn đề kinh tế. Giá cả sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ đòi hỏi Tăng Ni phải chi tiêu nhiều khoản mà những khoản đó vốn dĩ cuộc sống ở các chùa, tự viện ở nông thôn không nhất thiết phải có. Có một số TNS cho biết thêm, trong học viện có rất nhiều TNS gặp khó khăn về kinh phí học tập cũng như phục vụ các sinh hoạt khác của cuộc sống, chùa nơi họ tạm trú rất ít khi hỗ trợ kinh phí học tập, chủ yếu họ phải nhờ vào sự hỗ trợ từ thầy tổ ở quê nhà, gia đình và Phật tử. Ngoài ra, một số còn phải tự tìm việc làm thêm như gia sư, may y phục, bán bảo hiểm và thậm chí cả việc đi ứng phó đạo tràng, tụng đám....
Về ý kiến của TNS đối với môi trường sống hiện nay, kết quả khảo sát cho thấy: có đến 25,7% TNS cho rằng môi trường sống hiện tại chưa tốt, chỉ có 12,1 % đánh giá tốt và 39,3% cho rằng môi trường sống hiện nay là tạm chấp nhận được. TNS cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc họ chưa hài lòng lắm về môi trường tu hành hiện nay, do:
Thứ nhất: Do đời sống tu hành ở đô thị bị chi phối quá nhiều bởi các yếu tố kinh tế và vật chất bên ngoài đã khiến không ít TNS thiếu tập trung trong việc giữ gìn oai nghi, giới luật dẫn đến các hành vi tu hành thiếu nghiêm túc.
Thứ hai: Cơ chế, nội dung quản lý TNS tại các tự viện còn chưa thống nhất và đồng bộ. Các tự viện vẫn chưa định hướng rõ ràng quy trình giáo dục (thành Nhân; thành Tăng, thành Phật) cho TNS, dựa trên nền tảng của quy luật thiền môn và tinh thần giới luật Phật giáo. Từ đó khiến cho mối quan hệ giữa các thành viên trong một ngôi chùa với nhau thiếu đi sự cảm thông và không cùng tiếng nói chung trong sự hòa hợp. Đây là một sự thật không thể phủ nhận được trong đời sống tu hành mà Tăng Ni trẻ còn gặp phải.
Ngoài ra, trong đời sống chùa, tự viện, tịnh xá, tịnh thất… hiện nay đã bắt đầu xuất hiện những mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, một số chùa còn thu tiền điện nước hàng tháng của TNS, cá biệt có cả trường hợp “thầy trụ trì còn đem cả gia đình vào chùa để quản lý chúng Tăng”, điều này làm cho Tăng Ni trẻ hoang mang, gây khủng hoảng niềm tin, nghi ngờ về bản thân cũng như lý tưởng xuất gia của mình, khiến họ có cách nhìn khác đi về những giá trị cao đẹp của đời sống Tăng đoàn - một môi trường “giáo dục tự viện” thời hiện đại.
Tăng Ni ở nhà trọ
Trong số 140 TNS đang theo học tại HVPGVN tại TP.HCM thì 99,3% là sống tập trung ở các chùa, tịnh xá và niệm Phật đường tại thành phố, 0,7% sống ở nhà trọ, nhà cư sĩ. Tuy nhiên tỷ lệ 0,7 % TNS ở bên ngoài rất thấp, song khi phỏng vấn những TNS, chúng tôi phát hiện, trong quá trình theo học tại Học viện, có nhiều vị đã phải thay đổi chỗ ở rất nhiều lần, có vị phải ra nhà trọ “lánh nạn” một thời gian để sau đó tìm đến tu học ở một tu viện khác. Cá biệt, có một số TNS trong 2 năm học ở Học viện nhưng phải 4 - 5 lần thay đổi chỗ ở.
Chúng tôi nghĩ rằng, việc TNS phải thường xuyên thay đổi chỗ ở hoặc phải ra ngoài thuê nhà ở trọ, phần chính là do điều kiện khách quan và đó là một việc làm bất đắc dĩ. Có thể nói, thực trạng việc TNS ở nhà trọ xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố chủ quan và khách quan. Người viết nghĩ rằng, chúng ta cần có sự hiểu biết đúng đắn và khách quan từ nhiều phía về việc TNS thuê nhà trọ, nhà Phật tử, nhằm tạo được sự đồng cảm và tránh sự hiểu nhầm về hiện tượng này.
* Trách nhiệm của thầy bổn sư? Thầy bổn sư là người quyết định cho đệ tử mình được đi học ở thành phố thì đương nhiên phải nắm được tình hình học trò mình lên trên đó học như thế nào, ở đâu, làm gì? Khi thầy sát sao và quan tâm đầy đủ như vậy thì chắc chắn sẽ không có cảnh người học trò của mình phải gian nan chốn trọ như báo Giác Ngộ đã nêu! Trách nhiệm của thầy trong việc gửi gắm và dạy dỗ, nuôi dưỡng thân và huệ mạng của đệ tử thiết nghĩ rất lớn, do vậy đừng thả nổi học trò lên phố học hành như một số thầy đã để cho học trò tự “bơi”, mong lắm…(T.T.B, thichthien…@yahoo.com) * Giải pháp nào? Thật lòng cảm ơn Giác Ngộ đã nói hộ tiếng lòng của Tăng Ni sinh trọ học xa nhà. Có những nỗi niềm không biết bộc bạch cùng ai khi lên thành phố quá khó khăn. Về thưa với sư phụ đôi khi không dám vì thầy cũng Phật sự đa đoan. Thế là, để có thể theo học được ở thành phố thì phải một thân, một mình tự lực cánh sinh. Mà người trẻ, ở trong môi trường tu tập từ nhỏ thì khi bước vào những bon chen thế sự, lo trọ học, tiền nhà, nên dễ yếu lòng, chểnh mảng chuyện tu - học là không thể tránh khỏi. Giải pháp căn cơ có lẽ là nên lập những Tăng xá cho TNS có nơi trọ học, công phu! (Hueduc…@gmail.com) * Không thể xem thường! Vâng, không thể xem thường chuyện trọ học, những nỗi buồn, hệ lụy của Tăng Ni sau một thời gian từ quê lên phố. Bởi, khi quyết định đi học, cho đệ tử đi học thì người thầy và cả học trò đều đồng một tâm nguyện là nâng cao sở học để có phương tiện hành trì, tu tập. Học để tu. Và muốn tu đúng thì phải học. Đó là mệnh đề bổ sung qua lại cho ý tu - học song hành. Do vậy, nếu vì chạy theo bằng cấp bằng mọi giá (kể cả việc trọ học, dù biết rõ “nguy hiểm”) thì không nên. Tuy nhiên, nếu gặp khó khăn trong việc học đạo mà bỏ cuộc dễ dàng thì nội tâm cũng yếu. Do vậy, tôi đồng tình với ý kiến của một vị thầy trong loạt bài là nên nhóm một chúng Tăng Ni (khoảng 4-5 người) ở một chỗ để tiện hỗ trợ và giúp nhau trong học tập và tu hành… Riêng, nhà trường cũng phải quan tâm, quản lý được TNS đang học ở trường ăn ở thế nào? Việc đó thuộc về Phòng Sinh viên vụ, quý ngài phải thường xuyên thăm hỏi, động viên, lắng nghe tâm tư của người học và có hướng giúp đỡ kịp thời. (Nguyên Khang, TP.HCM) |
Cả Nội quy của Ban Tăng sự T.Ư GHPGVN (Điều 23) và quy chế của Học viện Phật giáo đều nhấn mạnh: Tăng Ni phải phải tập trung tu tập tại các tự viện, tịnh xá, niệm Phật đường trực thuộc GHPGVN quản lý. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, có một vấn đề đặt ra là các tự viện, tịnh xá, niệm Phật đường phải đáp ứng về nhiều mặt như: công tác quản lý, cơ sở vật chất, quy củ thiền môn, định hướng nội dung giáo dục tự viện cho Tăng Ni, người trụ trì có “tâm” phục vụ hướng đến nhu cầu tu học cho Tăng Ni. Trên thực tế ở TP.HCM nói riêng, và các tỉnh thành lớn trên cả nước nói chung thì đó vẫn là một câu hỏi lớn, và đó cũng là nguồn gốc sâu xa dẫn đến việc một bộ phận TNS hiện nay phải ra ngoài ở, mà không còn mặn mà với đời sống tu tập ở chùa.
Theo chúng tôi, để giải quyết vấn đề ấy, cần có sự phối hợp từ nhiều phía mà trực tiếp là vai trò hoạt động của các vị trụ trì, các vị thầy bổn sư, bản thân của mỗi Tăng Ni, nhà trường và một số cơ quan chức năng liên quan của GH. Về phía TNS đến thành phố tu học cần thực hiện tốt Hiến chương của GH và quy định của Học viện. Tiếp đó, các trường Phật học tại thành phố cần gấp rút hoàn thiện các cơ sở nội trú đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho Tăng Ni từ các tỉnh, khôi phục lại “đời sống nội trú của các Phật học viện” trước 1975, nhằm giảm bớt kinh phí đi lại và các sinh hoạt phí khác. Đồng thời để TNS phát huy đời sống tập thể của người xuất gia, giúp họ rèn luyện và thể hiện được phẩm chất cao đẹp của người xuất gia về cả phương diện tri thức và nội lực tu tập của mình.
Thích Minh Thuận (Nghiên cứu sinh ngành Xã hội học giáo dục tại Trung Quốc)
* “Khi Giáo hội, các ngành chức năng liên quan tạo đủ điều kiện và cơ sở vật chất hoàn chỉnh mới có thể đưa TNS vào đúng “quỹ đạo” mà ngành giáo dục Tăng Ni đã đề ra” Hiện nay, Trường TCPH tỉnh Khánh Hòa đang trong khóa VI, đã đào tạo Tăng Ni được 5 khóa. Tôi nguyên là Tăng sinh khóa thứ II, thọ ân giáo dưỡng của chư tôn đức, nay trở lại làm việc tại nhà trường ngõ hầu thể hiện tinh thần “thừa thượng tiếp hạ”. Ban Giám hiệu (BGH) hiện nay đang thừa kế di sản vật chất cũng như tinh thần, đều là tâm huyết của các bậc tiền bối, đặc biệt là cố Hòa thượng Luật sư Thích Đỗng Minh, với tiêu chí là phải bảo đảm đào tạo Tăng tài, lo được nơi ăn chốn ở cho TNS. Mới đầu trường chưa có giảng đường và cơ sở nội trú, nhưng các chùa Nghĩa Phương, Linh Sơn Pháp Bảo vì công tác giáo dục chung đã sẵn sàng cho mượn. Đến giữa khóa II, trường hoàn thiện cơ sở tại chùa Long Sơn với khu nội trú dành cho Tăng sinh, và đưa vào phục vụ cho đến nay. Tuy nhiên, cơ sở nội trú cho Ni sinh hiện vẫn đang còn bỏ ngỏ. Ni viện Diệu Quang lâu nay là cơ sở 2 của nhà trường, nhưng hiện nay đã không đáp ứng đủ nhu cầu về giảng đường, phòng xá cho các Ni sinh thuận tiện trong việc tu và học. BGH quyết tâm trong khóa này sẽ cố gắng tiếp tục xây dựng hoàn thiện khu nội trú dành cho Ni sinh Trường TCPH Khánh Hòa. Theo dõi loạt phóng sự trên báo Giác Ngộ, trước vấn đề TNS ở nhà ngoài đi học, tôi thấy nhiều ý kiến đã đề xuất việc xây dựng khu nội trú cho TNS TP.HCM từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, vấn đề chỉ mang tính cách nghị sự mà chưa thấy trên thực tế. Theo tôi, đó là do các cấp lãnh đạo Giáo hội, các ngành chức năng liên quan, cụ thể là lãnh đạo các cơ sở giáo dục Phật giáo chưa tạo điều kiện, chưa dành hết tâm huyết nhằm giúp đỡ TNS. Qua thông tin trên báo Giác Ngộ, tôi nhận thấy số Ni sinh còn ở bên ngoài nhiều, điều này khó chấp nhận được, không thể để Ni sinh ở bên ngoài với đầy dẫy những tác động làm chướng duyên cho con đường tu học. Trường Phật học ra đời nhằm mục đích đào tạo những con người mô phạm sau này phục vụ cho GH, theo tôi, đối với những trường Phật học mới phải bảo đảm cơ sở vật chất với khu nội trú cho TNS, đối với những trường chưa có khu nội trú thì phải gấp rút hoàn thiện nhằm giúp họ ổn định đời sống tu tập. Muốn TNS không ở nhà ngoài, các ngành chức năng liên quan phải quyết tâm xây dựng khu nội trú. Khi Giáo hội, các ngành liên quan làm đúng và hết chức năng nhiệm vụ của mình, tạo điều kiện, cơ sở vật chất hoàn chỉnh mới có thể đưa TNS vào đúng “quỹ đạo” mà ngành giáo dục Tăng Ni đề ra được. (ĐĐ.Thích Đạo Quang, Phó Hiệu trưởng Trường TCPH Khánh Hòa) |