Cho những yếu lòng…

Ai cũng có lúc yếu lòng, nhưng không phải ai và lúc nào mình cũng nhận ra được những lúc yếu lòng của mình; vì vậy mà mình sẽ loay hoay ngụp lặn trong đó đến mệt nhoài, đến khi mình sắp chết ngạt trong đó thì mình mới gào lên đau đớn hoặc hành động một cách dại dột là kết liễu mạng sống quý báu vốn khó có được của mình.

Có nhiều nguyên nhân để mình không nhận ra những khúc quanh - là những lúc yếu lòng của mình lắm. Như là mình không muốn mọi người nghĩ là mình yếu đuối (trong khi trước đó mình đã từng tuyên bố, từng biểu hiện là mạnh mẽ, là không bao giờ và không bất cứ điều gì, bất cứ ai có thể đánh ngã được mình, hạ gục tinh thần của mình), hoặc do mình không nghĩ đó là những biểu hiện của một tình trạng sức khỏe tinh thần yếu kém, đang có nguy cơ bị bệnh… 

Hoang mang.jpg

Những lúc yếu lòng ta thấy mọi thứ xung quanh xám xịt - Ảnh minh họa

Không nhận ra, không hề biết vì không nghĩ là mình có thể có lúc rơi vào trạng huống chán sống là một lỗi chủ quan, nhưng nó cũng đáng cảm thông hơn là mình nhận ra sự chênh vênh của mình nhưng không dám biểu lộ vì cái tôi quá lớn, vì sợ người ta nghĩ mình yếu đuối. Có rất nhiều đại gia, nghệ sĩ, hoặc người của công chúng… thường mắc “bệnh” này, bệnh “diễn” để đẩy mọi thứ theo một kịch bản tươi đẹp, hào nhoáng hoặc sống theo dư luận chứ không sống thật với mình.

Không sống thật nghĩa là diễn chứ thực chất không phải vậy. Không phải lòng đang bình yên, đang hạnh phúc mà diễn là bình yên, hạnh phúc có nghĩa là đang châm dầu vào lửa. Sự dối trá này có thể ít hoặc không có người nào phát hiện được nhưng mình sẽ không thể giấu được chính mình, do đó sau vai diễn ấy chúng ta sẽ nâng mức độ chênh vênh, đau khổ lên thêm. Đó là điều cực kỳ nguy hiểm mà tôi nghĩ cũng là một trong những nguyên nhân của nhiều ngôi sao trên thế giới tự tử.

Chúng ta đã từng thất vọng với chính mình, nhưng không ai biết điều này bởi vì mình đâu có nói, nhưng mình đã vượt qua vì mình còn nhận ra mình yếu kém, có ý sửa chữa, kiên quyết học hỏi để sửa chữa nên mình đã dần hoàn thiện được mình. Người khôn là người có khả năng nhận ra những sai lầm, những nỗi khổ niềm đau đang có mặt trên thân tâm của mình để trị liệu. Chỉ có như thế mình mới mau hết bệnh và mới sống khỏe, sống vui được.

Vì sao một người trẻ thất bại, buồn phiền, sợ hãi… lại không dám hoặc không nói những điều đó với gia đình, với người thân? Bởi vì người thân, gia đình đã “giao phó” cho họ trách nhiệm: luôn luôn thành công, không được phép thất bại, không được phép sai, không được phép nói nỗi buồn và sai trái… Do vậy, một người trẻ khi sai và sợ hãi cũng không dám nói nỗi niềm bởi mặc định trước đó của người thân nên họ cố giấu, và cứ thế, độ sợ hãi, yếu lòng, mất kiểm soát ý nghĩ, lời nói, hành vi sẽ gia tăng. Phải chăng, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân tìm tới cái chết của những người trẻ, của những người đã từng thành đạt?

Chúng ta trốn lánh sự thật về sự sai lầm, về sự thất bại… trong khi nó là sự thật hiển nhiên tồn tại nên đến lúc ta sẽ tự dồn mình tới chân tường, và chọn một sự trốn lánh khác: trốn lánh cuộc sống hiện tại, hay nói cách khác là chọn cái chết để chạy trốn khỏi những thất bại, khổ đau. Chọn cái chết là một sự chạy trốn, là biểu hiện của sự yếu đuối và cả cái tôi quá khổ trong một không gian chật hẹp lòng từ bi và sự cảm thông, tha thứ. Vì như đã nói ở trên, ngay những người thân thiết còn không cảm thông, không mở lối về bằng an cho mình nên mình đã không dám sống thật với những chênh vênh, không dám đối mặt với nó.

Giải quyết điều này, có thể mỗi người cần có cho mình một điểm tựa tinh thần là bạn thân, là tri kỷ, là một vị Thánh nhân chứa đầy hiểu biết, thương yêu, lãnh đạo tinh thần, tâm linh của nhiều người, nhiều loại… Khi đó, mình có thể quay về nương tựa và giãi bày bất cứ lúc nào để vượt qua những chông chênh trong cuộc sống.

vuot-qua-su-yeu-duoi.jpg

Lối đi ngay dưới chân mình, đừng vội vàng kết liễu sự sống chỉ vì
những mệt mỏi, muộn phiền nào đó - vốn dĩ rất bình thường
trong cuộc đời sanh-diệt này - Ảnh minh họa

Nếu đứa con được bố mẹ dạy rằng: con đừng sợ thất bại, thất bại là bình thường, cũng đừng nghĩ thành công nào đó là tất cả thì khi thất bại người trẻ sẽ không nghĩ là mình đã mất hết, chẳng còn gì để mất. Nếu bố mẹ dạy con cái rằng: cái quý giá nhất là mạng sống, là sống tử tế với mình và người chứ không phải là đạt được những danh vọng, tiền tài, sắc dục… bằng mọi cách thì khi chênh vênh, khi có những hạt giống, những biểu hiện của nỗi khổ niềm đau xuất hiện nơi thân, tâm thì người trẻ sẽ ngay lập tức quay về chăm sóc thân tâm chứ không phải bỏ mặc mọi thứ, hành xử một cách tiêu cực.

Đã bao lần chúng ta đau khổ vì sự dại dột của chính mình và của những người thân, những người mình chưa biết nhưng được báo chí truyền thông lan tin là có hành vi làm khổ chính mình? Tự hỏi và kiểm định lại tất cả để thấy rằng yếu lòng trong ta và trong mọi người là có thật và nguyên nhân chính là mình không biết cách thương yêu, không biết cách kiến tạo hạnh phúc từ chính việc nhận diện, đối mặt với sự thật của cả nỗi khổ đau, hạnh phúc diễn ra trong mình, quanh mình. Nếu mình nhận diện và sống được với nó theo cách thấy rõ sự nương nhau mà có của các pháp, của hạnh phúc, khổ đau thì việc nó đến hay đi, chỉ cần mình gọi tên và trung dung với nó thì chắc chắn mình sẽ không ngất ngưỡng với hạnh phúc và “chạm đáy” với khổ đau.

Gọi tên những yếu lòng, dám đối mặt để vượt qua không phải là yếu đuối mà đó là một cách thông minh để mình không chênh chao, chếch choáng và nghẹt thở trong đống bùi nhùi những lý luận chật hẹp của mình.

Có ai coi thường người sai và biết sửa sai bao giờ? Có ai có thể mạnh hơn một người dám nhìn thẳng vào lỗi lầm để đứng dậy, sống tử tế không? Có ai mà không vấp phải những thất bại trước khi bước tới ngưỡng cửa của thành công? Chắc chắn là không, thì tại sao mình lại cho rằng cái sai, sự thất bại, lầm lỗi kia… là con đường cùng, là điểm cuối và phía trước là vực thẳm không đáy? Nhận thức này đã sai, sai ngay từ đầu, bởi như một nhà văn đã nói, đã nhận định rất đúng, rằng: trên đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới…

Ờ, chỉ có ranh giới, bước qua và đi tới, tâm niệm thiện lành đó khởi lên là bạn đã thấy đường đi rồi… Yếu lòng sẽ chào bạn, và bạn sẽ mỉm cười với nó bằng một nụ cười đầy từ bi khi bạn nhận ra chơn lý ấy của một kiếp người, của tất cả sự sự vật vật trên thế gian này. Chết không phải là hết, hãy nhớ điều đó để khi yếu lòng bạn không phải vội vàng nghĩ ngay tới cái chết, bởi sống mà chưa thật hạnh phúc, chưa vượt qua những ranh giới nho nhỏ trong cuộc sống thì bạn sẽ còn để lại nơi cuộc đời nỗi khắc khoải khôn nguôi và cả truyền lại cho nhiều người lựa chọn sai lầm, đớn đau…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.