Cho mình & những người đang giận

GN - Giận chi cho mệt rứa hè? Thi thoảng ta vẫn hay tự hỏi mình và hỏi người như thế, nhưng rồi ta vẫn cứ “thích”, cứ “muốn” mệt hoài hoài.

Mà, thực ra, không phải là “thích” hay “muốn” mà bởi ta là người, trong khuôn khổ làm người (tâm bao dung còn chật chội, tầm nhìn còn ngăn ngắn) nên mình cứ mãi bị những lý lẽ nào đó “bảo” mình giận, mình hờn, mình trách rồi mình móc. Và, sự hợp-tan theo chiều kích ấy mà hình thành, diễn tiến, tiếp nối từ đời này tới đời khác, từ thế hệ trước sang thế hệ sau...

Gian.jpg

Giận - Ảnh minh họa

Phải công nhận với nhau một điều là khi giận ta sẽ thấy nóng bức trong lòng, khó chịu trong dạ, cứ như mình đang cõng đá và đi trên bàn chông, trên lửa hừng hực vậy. Với những “bất lợi” như thế, ta cần nhận diện, để dần chuyển hóa theo hướng giảm bớt giận-hờn nhằm kiến tạo cho mình hạnh phúc nhiều hơn là khổ đau, mệt mỏi.

Xốc xới lại yêu thương là một cách tuyệt vời để giải trừ phiền não hờn giận, thiêu đốt tâm can mình. Xốc xới yêu thương, nghĩa là mình sẽ quán niệm cơn giận sẽ làm mình khổ, mình mệt và đồng thời cũng (có thể) làm người khác khổ, mệt vì mình. Nên, nếu thương người, thương mình thì mình giận làm chi, mình hờn làm gì?

Nếu không hài lòng ở điều gì đó, thay vì bắt người ta tinh tế nhận ra, hoặc giận-hờn để “trừng phạt” họ thì sao mình không chia sẻ để giúp người kia hoàn thiện bản thân hơn, ít ra là trong ứng xử thuộc về mối quan hệ giữa mình và họ?

Câu hỏi ấy thực ra là một bài tập, ngỡ như đáp án nằm ở chính nội dung hỏi mà kỳ thực, chạm tay vào đó không dễ chút nào. Vì, ngó thì gần thế nhưng để đi tới cái “đích” ấy có quá nhiều “bức tường” cao ngất ngưởng do mình đã xây nên trước đó, trong đó có bức tường mang tên “người-thân-thương” có thể nói là khó qua nhất.

Vẫn biết, sự quan tâm chính là biểu hiện thuận chiều của tình thương, sự quý mến và giận hờn là mặt kia của sự quý mến, thương yêu. Nhưng, đừng vin vào đó để lạm dụng sự giận hờn, bởi nó là “món ăn” không dễ nuốt mà cứ bắt người khác phải nuốt hoài thì nguy lắm. Nguy cho giềng mối quan hệ thân-thương, cho độ bền, độ lâu của “câu chuyện tình người”, trong khuôn khổ con người.

Cũng may là bên cạnh từ giận-hờn còn có từ thứ tha, từ bao dung... để ta xả bỏ cơn giận và nỗi buồn dù nó là “chính đáng” trong phạm vi xem xét ngăn ngắn của mình.

Ngọc Trong Đá

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.