GN - Đến đâu và làm gì, ở đâu và sống với ai, điều đầu tiên tôi làm chính là kiến lập một góc An, tùy điều kiện nhưng luôn luôn như thế. Đó là một không gian được sắp xếp đơn giản với tôn tượng Phật, để mỗi ngày hoặc mỗi giờ trong ngày, tôi ngồi đó, chiêm ngưỡng, thở nhẹ và cười.
Khi rời nhà đi làm và sau khi trở về sau một ngày, tôi ngắm nhìn góc An, thở và mỉm cười, nhắc mình đem “mắt thương nhìn cuộc đời”, buông-nhẹ-khỏe!
Đó thực ra là cách tôi tháo bỏ gánh nặng trên vai, tẩy trang “mặt phấn son” mà mình đã tô trét vào vì không đủ dũng cảm để sống với “mặt mộc”, tức sống thật với chính mình.
Góc An là nơi tôi có cơ hội tiếp xúc với với năng lượng thương yêu, hiểu biết trong mình. Tôi biết mình còn dở trong chuyện sửa mình, còn vướng vấp trong nhiều thứ, còn dễ bị kẹt lại trong những cám dỗ hay khổ đau, thế nên những góc yên bình như vậy sẽ trợ lực cho tôi mạnh mẽ hơn.
Góc An của tác giả trong mùa Phật đản năm nay - Ảnh: B.Minh
Góc An ở bên ngoài giúp ta hình thành những góc lặng ở bên trong (định) - để có thể thấy được sự thật như là nó. Chúng ta lao xao nên sẽ thấy không đúng bản chất của mọi thứ và dễ hành động sai lầm. Có những việc thấy vậy nhưng không phải vậy. Có một ví dụ quen thuộc: khi học tiểu học, ta không tin số nhỏ có thể trừ cho số lớn, nhưng khi học lớp lớn hơn, ta biết phép tính ấy hoàn toàn có thể thực hiện và kết quả là một số âm.
Có những cái biết của ta là đúng nhưng chưa đủ. Có những điều đúng trong hoàn cảnh hay điều kiện này nhưng không còn đúng hay phù hợp trong hoàn cảnh hay điều kiện khác.
Gánh trên vai, dù nhẹ mà gánh hoài cũng sẽ mỏi, cũng thành nặng. Thế nên, mỗi ngày ta cần tập thả gánh xuống, hoặc chủ động bỏ bớt đồ ra khỏi gánh, mỗi ngày một ít (chớ không phải và không nên chờ đợi ai đó gánh dùm mình).
Ờ, sự thực là, mỗi khi đối diện với đối tượng đã giải thoát khỏi những dính mắc thế tục từ đó mình sẽ thấy “Trăm ngàn phiền não sạch không”.
Theo đó, khi đối diện với một người mà mình tin, mình kính và đáng kính, tự nhiên ta không còn lo sợ, không còn cảm thấy phải diễn để lấy lòng hay đề phòng vì nghi ngờ nữa... Cuộc sống nhờ vậy dễ dàng và nhẹ nhàng.
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương” (*)
Yêu thương ai? Đầu tiên là yêu thương chính mình. Mình phải sống với chính mình, đừng cố là ai cả và đừng vì ai mà phải “biến hình”. Là mình thì sẽ... thuận tự nhiên, bởi “là mình” cho sâu sắc chính là sống với tự tánh sáng suốt, nương tựa tự thân (chớ không phải ai khác hay điều kiện gì khác bên ngoài).
Thương mình sâu sắc nhất chính là không gây khổ cho ai, vì mình hiểu nhân quả. Gieo nhân gì quả sẽ tương ứng vậy, nên dù gì, việc tỉnh thức, giữ mình vẫn là cốt lõi.
Chúng ta không thể chạy theo cảm xúc người khác, chỉ cần quan sát cảm xúc của mình là đủ. Thiệt ra, mình chưa quản nổi cảm xúc của mình thì làm sao quản được cảm xúc của người?
Cho nên khi mình quản được mình, tự nhiên sẽ không cần quản ai nữa mà chỉ nhẹ nhàng quan sát, người đó phải vậy và chịu vậy - đó là “con đường” họ phải đi qua, từ đó mình vui vẻ đón nhận.
Thực sự, trong nhà mà có góc An rồi thì lúc chưa an ta có nơi trải lòng, tìm phương giải quyết; lúc đã an rồi thì ta tìm tới góc này để an thêm, để tự tại thêm,...
Đôi khi, chúng ta nhìn lầm, nghĩ sai, dẫn đến trách oan người đã luôn âm thầm dành cho ta điều tốt đẹp, chỉ vì họ không muốn thể hiện cho ta biết. Nhiều lần ta giận sai người thương ta chỉ vì ta thấy họ thường nói năng thiếu ngọt ngào với ta, ít ra mặt quan tâm, yểm trợ ta,... Thế nên, ta cần an trú để nhìn cho rõ nội tâm mình. Khi đã rõ tâm mình, đã vững chãi thì ta đỡ mắc những sai lầm đáng tiếc, đỡ phiền não hơn!
Tướng từ tâm sanh, nhưng tướng cũng làm... sanh tâm (thiện hay bất thiện tùy tướng và mảnh-đất-tâm sẵn có). Nhưng biết rõ mình còn yếu để kiến lập chốn tịnh an cũng là cách thương mình. Thế nên, ai chưa có góc An cho riêng mình thì hãy thử tìm góc nào đó để tìm về.
Bình Minh
________
(*) Thơ Kahlil Gibran, Nguyễn Nhật Ánh dịch