GN - Đến với ngôi chùa làng Yên Sơn, thuộc làng Bàu Tre, thôn Thuận Yên Tây, xã Tam Sơn, huyện Núi Thành (Quảng Nam), chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động về một chiếc vỏ bom làm chuông gắn với tên của một Phật tử trẻ. Anh tên là Nguyễn Tiến Lam, pháp danh Quảng Thành…
Sáng rằm tháng Giêng định mệnh
Tôi đến chùa Yên Sơn đã nhiều lần bởi đây là ngôi chùa đẹp, tọa lạc bên mé lòng hồ Phú Ninh, ba mặt bao quanh là nước mênh mông, phong cảnh rất hữu tình. Mỗi khi lòng thấy bất an, mấy anh em lại rủ nhau, chạy xe về Tam Sơn rồi bắt đò qua thăm chùa. Nhưng lần này, có lẽ là nhân duyên đưa đẩy, tôi được nghe câu chuyện rất xúc động về một Phật tử đã hy sinh để tiếng chuông chùa vang lên trên vùng đất này.
Chánh điện chùa Yên Sơn - Ảnh: T.G
Bà con ở làng Bàu Tre, những Phật tử của chùa Yên Sơn vẫn còn nhớ như in ngày rằm tháng Giêng năm Ất Hợi (tức nhằm ngày 3-2-1996). Ngày ấy, kinh tế nơi đây cũng như ở cả nước còn rất khó khăn. Phật giáo ở vùng đất này cũng thế. Ngôi chùa Yên Sơn không có một cái chuông để đánh mỗi khi tụng niệm, khóa lễ. Bàn bạc mãi, các Phật tử bàn nhau đi mua một vỏ bom để về làm chuông. Thời ấy, rất nhiều chùa đã tận dụng vỏ bom, đạn còn sót lại sau chiến tranh để lại làm chuông bởi làm gì có tiền mà đúc chuông khi đời sống Phật tử còn rất cơ khổ. Mọi chuyện rất suôn sẻ cho đến khi vỏ bom được đem về trước sân chùa Yên Sơn...
Rưng rưng xúc động, ông Nguyễn Tiến Long, cha của Phật tử Quảng Thành dắt chúng tôi ra sân chùa, rồi giọng ông nghẹn lại: “Sáng ấy, rằm tháng Giêng, tui đang ở nhà thì nghe một tiếng nổ chát chúa, đất đá bay lên phía sân chùa. Linh cảm báo cho tui là đã có điều không lành. Vì thằng Lam, con tui đang làm chuông bằng vỏ bom với mấy Phật tử ở đó. Lúc tui chạy qua thì... không còn cứu được nó nữa. Sau đó, mọi người đem xác con tui chôn ngay trong khuôn viên chùa”.
Nỗi đau ùa về, nhưng ông Long dường như mạnh mẽ hơn. Ông hồi tưởng lại, sáng hôm ấy, vỏ bom đem về sân chùa. Mọi người phấn khởi ra mặt. Vì kíp nổ chính đã tháo trước khi người ta bán vỏ cho chùa nên không ai nghi ngờ gì về việc có thể bị cháy nổ. Chỉ còn công đoạn cuối cùng, đó là ở đầu vỏ bom, người ta bít bằng dầu hắc. Giờ, phải lấy lửa đốt, dầu hắc chảy hết ra mới luồn dây vào treo chiếc vỏ bom làm chuông. Anh Lam làm công việc ấy nhưng ai ngờ đó là giây phút định mệnh...
Người không rành về bom sẽ không bao giờ biết loại bom mà Phật tử mua vỏ về, ngoài kíp nổ chính, vẫn còn một kíp nổ phụ nằm gần đầu quả bom, phía ngoài. Chính vì thế, không ít người cưa bom lấy thuốc, lấy vỏ đã phải mất đi mạng sống. Ngày rằm năm ấy, khi lửa bật lên, dầu hắc bắt đầu chảy thì đùng một cái, một tiếng nổ kinh hoàng vang lên. Phật tử Quảng Thành văng ra xa mấy mét, người bê bết máu. Mọi người ngay lập tức xúm lại sơ cứu và định chuyển anh đi cấp cứu ngay. Nhưng anh đã không qua khỏi, nằm vĩnh viễn tại sân chùa Yên Sơn.
Cho đến lúc ấy, Phật tử Quảng Thành vừa tròn 23 tuổi. Anh ra đi, để tiếng chùa chuông làng vang xa, âm ba của nó trong mỗi buổi lễ, khóa tụng niệm lại càng thêm ý nghĩa. Câu chuyện về một quả chuông từ vỏ bom luôn được nhắc lại trong lòng của mỗi Phật tử ở Yên Sơn. Bởi sinh thời, anh luôn năng nổ trong tất cả các hoạt động Phật sự của chùa, luôn cứu giúp những người gặp khó khăn, hoạn nạn tại địa phương.
Quả chuông đã làm tròn sứ mệnh của nó
Chiếc vỏ bom được làm chuông chùa, âu cũng là duyên. Sau một thời gian làm tròn sứ mệnh của mình, làm tỉnh giác bao trái tim yêu Phật pháp ở chùa Yên Sơn, chiếc vỏ bom làm chuông được Ban hộ tự chùa Yên Sơn cho thỉnh đến một số ngôi chùa còn khó khăn, chưa có chuông. Tại các địa phương lân cận, chuông tiếp tục ngân xa. Sau hơn chục năm, làm chuông chùa thức tỉnh lòng người, chiếc vỏ bom lại trở về đây, nằm ở một góc lưu niệm trong chùa Yên Sơn với câu chuyện xúc động gắn với tên của một Phật tử trẻ.
Chiếc vỏ bom vẫn còn nằm ở một lưu niệm chùa Yên Sơn - Ảnh: T.G
Trao đổi với chúng tôi, Sư cô Thích nữ Diệu Nghiêm, quyền trụ trì tại chùa Yên Sơn cho biết: “Tôi mới về nhận công tác Phật sự ở đây, và cũng có nghe đến tấm gương của Phật tử Quảng Thành. Đây là một hành động hy sinh có công lớn trong sự hình thành và phát triển của ngôi chùa Yên Sơn.
Hiện nay, dù chùa còn rất nhiều khó khăn nhưng vừa qua, bổn chùa, gia đình anh Quảng Thành và Phật tử cũng quyên góp xây cho anh một ngôi mộ, sau 17 năm anh nằm mộ đất. Và, chùa cũng đang lên kế hoạch lập một sổ công đức để quyên góp tiền giúp đỡ gia đình Phật tử Quảng Thành. Phật tử ấy là con trai duy nhất gia đình. Giờ, ba mẹ anh ấy già yếu và rất khó khăn…”.
Theo ông Nguyễn Tiến Long thì dường như sau khi mất vì “công tác Phật sự”, Phật tử Quảng Thành đã có một ảnh hưởng rõ rệt tới nhận thức của gia đình ông. Trước đó, chỉ có anh là tin Phật, đi chùa, làm công tác Phật sự. Cả gia đình ông Long không tin và có lúc lại ngăn cản Quảng Thành nữa. Nhưng từ khi xảy ra sự kiện sáng rằm tháng Giêng năm Ất Hợi, cả gia đình, họ hàng ông Long đều nguyện tin Phật, quy y và năng nổ với công tác Phật sự. Và, họ hoan hỷ hẳn lên dù cuộc sống đến bây giờ vẫn còn rất cơ hàn trước những bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật.
Lúc chia tay chúng tôi, ông Long và cả Sư cô Thích nữ Diệu Nghiêm đều mong muốn rằng một ngày nào đó Phật tử Quảng Thành được mọi người biết đến như một tấm gương vì đạo pháp. Bởi tiếng chuông chùa ở Yên Sơn được khởi phát và vang xa cho đến tận ngày nay cũng là có một phần công đức rất lớn của anh. Riêng tôi nghĩ, mong ước chân thành ấy là hoàn toàn chính đáng và rất đáng được ủng hộ. Tấm gương của Phật tử Quảng Thành thật sự đã vượt ra khỏi một vùng quê nghèo như thôn Thuận Yên Tây về tầm vóc lớn lao. Và ngay cả ngôi chùa Yên Sơn, với vẻ đẹp và câu chuyện cảm động này, rất đáng để mọi người một lần nào đó có dịp dừng chân, ngưỡng mộ.
Sân chùa Yên sơn còn đó, ngôi mộ của Phật tử cũng đã vừa được xây xong. Chiếc vỏ bom làm chuông chùa vẫn còn được lưu giữ nơi đây và chắc chắn sẽ được lưu giữ mãi mãi về sau. Bởi chiếc chuông ấy đã trở thành pháp khí thiêng liêng trong lòng Phật tử ở chùa Yên Sơn và một số ngôi chùa khác. Tiếng chuông ấy mỗi lúc ngân lên là cả sự gần gũi, thân thương, xúc động về số mệnh của một con người...