Chiếc áo của thầy tu

GN - "Chiếc áo không làm nên thầy tu”, dân gian đã nhắc nhở hình tướng bên ngoài không hoàn toàn nói lên con người thực bên trong của người ấy. Tuy nhiên, trong đời sống thực tế vẫn xảy ra nhiều chuyện phiền não do vì chiếc áo mà ngộ nhận về người tu.

nhasu.jpg


Ảnh minh họa

Trước hết, phải nói tới những người mượn chiếc áo vàng, áo lam, áo nâu vốn là biểu tượng của tu sĩ Phật giáo để khất thực phi pháp. Chuyện đã nói nhiều lần, chính quyền một vài nơi hứa hẹn, Giáo hội cũng bàn bạc, nhưng đâu lại vào đó, xem như thả nổi, ngoại trừ một vài cá nhân ở địa phương tích cực, và tất nhiên cũng chỉ nhất thời.

Vấn đề không phải những người này là nhà tu trá hình để kiếm tiền. Họ giả dạng qua hình thức, do đó không có oai nghi của người tu vốn là biểu hiện tự nhiên do quá trình thực hành đem lại. Họ thường thể hiện sự thô tháo qua lời ăn tiếng nói và hành động mỗi khi không được thỏa mãn yêu cầu, hoặc khi bị phát giác.

Trong thời buổi công nghệ và mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, hình ảnh đó được ghi lại và lan truyền với những thông tin đính kèm, cho là “ông sư”, “bà sư”, với nhiều nội dung bình luận rất phản cảm. Người xem không phải ai cũng phân biệt được đâu là thực, đâu là giả. Những hình ảnh đó không phải xuất hiện rồi mất đi mà vẫn tồn tại trên không gian mạng.

Vụ việc “Ni cô” đến xin chữa bệnh, sau đó bị sắp xếp làm nhân chứng với sự dẫn dắt của vị Linh mục ở giáo điểm Tin Mừng huyện Nhà Bè thuộc thành phố Hồ Chí Minh, khiến dư luận xã hội xôn xao cũng từ chiếc áo ấy mà ra.

Một người tự cạo tóc, ra bất cứ tiệm pháp phục nào, chỉ với hơn trăm ngàn đồng cũng có thể sắm được bộ đồ tu và nghiễm nhiên trở thành… Tăng, Ni trong dư luận. Một phụ nữ đã qua nhiều đời chồng tự xuống tóc, một chị làm công quả… bỗng dưng trở thành “Ni cô” - như nhân vật trong kịch bản được dựng sẵn mà báo Giác Ngộ đã đề cập.

Tại sao những vấn đề liên quan tới Phật giáo, nhất là sự việc liên hệ tới Tăng Ni thường được quan tâm trong dư luận? Tại sao dư luận tập trung vào đạo Phật mà không phải là tôn giáo khác? Hậu quả của những đợt bão tố dư luận đối với cái nhìn của số đông về đạo Phật là như thế nào? Trả lời những câu hỏi đó cũng chính là xác định chỗ đứng và trách nhiệm cũng như những việc cần làm của Giáo hội.

Đại sư Tăng Duệ trong lời đề tựa cho bản dịch Trung luận của ngài La Thập có nói: “Thực phi danh bất ngộ”. Một sự thể nếu không qua hình thức thì không được nhận ra và biết đến, dù sự thể và hình thức của nó vốn khác nhau. Cũng như lá quốc kỳ, đó không chỉ là một tấm vải thông thường, mà là biểu tượng của một đất nước.

Có người nói không nên chấp nhặt, bởi đạo Phật là đạo của từ bi và hỷ xả. Từ bi trong đạo Phật luôn có trí tuệ; hỷ xả cũng vậy, không mơ hồ chung chung và càng không phải là sự dễ dãi, ai muốn làm gì thì làm.

Để trở thành một thầy tu đúng nghĩa là cả một quá trình tập tu, học và hành nghiêm cẩn. Quá trình đó được người xưa ví như bông xoài trứng cá, ra hoa đẻ trứng thì nhiều mà kết trái, thành cá con thì ít. Nhận thức vậy nên đừng dễ dãi với hình thức, xem thường cái áo, để khi chiếc áo này bị lợi dụng, đồng hóa với Tăng đoàn, làm tổn thương cho đạo, xáo trộn các giá trị trong đời sống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.