Người đi trước, rồi mai sau cũng sẽ đến lượt ta.
Không ai có thể lột da sống đời mãi được - Ảnh minh họa
Hồi tôi còn đi học, thầy vẫn thường dạy phải nghiêng mình kính cẩn trước người quá cố. Thấy đám tang qua đường phải nên đứng nghiêm lại giở mũ cúi chào. Học trò chúng tôi không ai không nghe lời thầy dạy. Không riêng học trò chúng tôi, dường như tất cả mọi người ai cũng đều như thế. Tôi không thấy ai cố tình vượt qua đám tang đang đi cho dù họ có việc cần gấp. Người đi ngược chiều thì nép lại sát lề nhường chỗ, và cũng đều kính cẩn đứng lại đợi cho đám tang qua khỏi.
Chào người quá cố đã thành một thói quen trong tôi. Đã hơn nửa thế kỷ qua, tôi vẫn còn giữ được thói quen ấy. Thỉnh thoảng tôi cũng thấy được vài ba người cúi đầu hoặc giở mũ khi thấy đám tang đi qua, dù họ không đứng lại. Cuộc sống càng ngày càng phát triển làm cho con người phải chạy đua theo với thời gian. Những hành động có được như thế đã là quý hiếm.
Trong khi đó, dường như hầu hết mọi người đều có vẻ dửng dưng trước sự ra đi của người khác. Họ dửng dưng đến mức lạnh nhạt. Chẳng những không chào nhau một chút cho có tình người, họ còn luồn lách đi về hướng ngược chiều, chen lấn chạy nhanh về phía trước. Thậm chí còn bóp còi inh ỏi. Sao mà vô tình đến vậy?
Một người vĩnh viễn ra đi là nỗi buồn cho những người còn ở lại. Đọc truyện xưa, thấy Khổng Minh khóc Chu Du mà cảm phục. Cho dù cái khóc của Khổng Minh bao hàm cả ý đồ chính trị, nhưng bên trong vẫn thấy được sự thương tiếc giữa một con người với một con người. Lúc còn sống dù thù hằn nhau đến mấy, khi mất đi là nghĩa tử nghĩa tận.
Người đi trước, rồi mai sau cũng sẽ đến lượt ta. Không ai có thể lột da sống đời mãi được. Dù giữa cuộc sống đời thường không quen biết nhau nhưng họ vẫn là một thành viên trong xã hội loài người, một thành viên trong cộng đồng linh vật trên mọi linh vật không thể nói là không có sự tương quan với nhau. Chào nhau lần cuối một thành viên không còn có mặt, hành vi này cao đẹp biết bao nhiêu.