GN - “Bạn là thành viên của nhà Lavin. Vậy nên hãy thoải mái như ở nhà nhé”. Đó là câu viết trước cửa, in đậm, đập vào mắt tôi khi bước vào Lavin Home (đường Lê Ngô Cát, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế)...
Ngôi nhà ở đường Lê Ngô Cát - Ảnh: N.Danh
Lavin Home được chị Lê Thị Thanh Nhàn thành lập năm 2018. Nơi đây, cô chủ nhỏ “khởi nghiệp” - thổi hồn vào giấy với sự an nhiên và trân quý những thanh âm cuộc sống.
Ngôi nhà có nhiều góc nhỏ xinh xắn, với cây xanh, mà nhìn đâu cũng thấy dễ thương, thấy sự tỉ mỉ chăm sóc của chủ nhà.
Đang đi lòng vòng thì có một bạn điếc tên Huệ tới cười với tôi bằng nụ cười tươi và ra dấu bằng ngôn ngữ ký hiệu, đưa tôi tấm bảng “mấy lời nhà nhắn”: bạn có thể tự phục vụ đồ uống, tự làm hoa, tự chăm sóc cây, đừng ngại sáng tạo cho mình những thức uống đặc biệt hay bông hoa giấy xinh xắn nghen. Rồi bạn tiếp tục công việc làm hoa giấy của mình.
Tôi đọc xong tấm bảng và tự pha cho mình một tách trà chùm ngây, và chọn một góc để thưởng thức trà. Sau đó, tôi được các bạn tập làm hoa giấy với sự tận tình và kiên nhẫn, cuối cùng lần đầu tiên trong đời mình tôi cũng làm xong được một cành hoa tulip, và tôi được các bạn giải thích hoa mang ý nghĩa “tình yêu hoàn hảo”.
“Thiền chuyển động”
Trong một lần tình cờ lướt Facebook, tôi bị ấn tượng khi thấy hình ảnh các bạn tham gia nâng đóa hoa lên, nhắm mắt lại và thể hiện lòng biết ơn, trong một workshop làm hoa. Đem ấn tượng đó thắc mắc với Nhàn, chị cho biết, trong workshop đều có kết hợp “thiền một chút” - để thể hiện niềm khao khát và lòng biết ơn của mình.
“Trong vòng 2 phút, khi hoàn thành bông hoa, các bạn sẽ nhắm mắt lại, im lặng, thể hiện sự trân quý bông hoa, thời gian mình cùng nhau ở đây, bây giờ. Và cùng nhau trân trọng những âm thanh ở bên cạnh mình, vì sẽ có rất nhiều bạn không thể nghe được những âm thanh tươi đẹp đó, không thể nghe được tiếng gió, tiếng suối, tiếng lá reo và có nhiều bạn không thể cảm nhận được điều đó, thì tại sao mình có tất cả, mình lại không trân trọng”, chị Nhàn giải thích.
Ở Lavin Home, đến nay đã có hơn 100 workshop làm hoa khác nhau được tổ chức với mọi lứa tuổi, và thường trước mỗi buổi làm hoa, các bạn sẽ ra vườn ngắm hoa, kể câu chuyện về các loài hoa, xem hoa có linh hồn như thế nào. Sau đó các bạn học ngôn ngữ ký hiệu, để trong vòng 45 phút làm hoa, các bạn sẽ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trò chuyện với các bạn khiếm thính và các bạn trong workshop. Thanh Nhàn gọi đó là “thiền chuyển động”.
Chị bày tỏ, sau những phút im lặng thì khi dùng cơ miệng của mình lại, mình cảm thấy rất trân trọng lời nói của mình, ý thức hơn về lời nói và mình không dùng những ngôn từ sáo rỗng hay ngôn từ chưa lành mạnh - “vì đó là nơi tốt đẹp, nơi chứa những lời tốt đẹp”.
Đam mê và duyên lành
Nhàn yêu thích trồng hoa, nhưng nhà không có không gian nên mới nghĩ “làm thế nào để mang những bông hoa vào nhà?”. Nhàn mang thắc mắc này tra trên mạng thì thấy hiện lên rất nhiều về nghệ thuật làm hoa, trong đó có nghệ thuật hoa giấy nhún. “Nhìn bông hoa rất mềm mại và nó hút tôi, tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về bộ môn nghệ thuật này”, chị kể.
Trong những lần đi từ thiện, và một lần gặp gỡ một bạn xương thủy tinh, Nhàn suy nghĩ: tại sao mình không tạo một công ăn việc làm cho các bạn khiếm thính, xương thủy tinh, vì các bạn tìm một công việc phù hợp rất khó. Theo chị Nhàn: “Khi đi làm các bạn sẽ có tinh thần trách nhiệm hơn, tự tin giao tiếp với mọi người, bên cạch đó các bạn có một phần lương để trang trải cuộc sống hàng ngày, cảm thấy mình là một người có ích cho xã hội”.
Ý tưởng ấy ấp ủ nơi Nhàn, nên khi tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ ở Đại học Huế, làm ở nhiều môi trường từ nhà hàng đến quản lý trong một công ty về phát triển những làng nghề truyền thống, Nhàn đều giữ niềm đam mê ấy của mình. Chị bắt đầu thực hiện bằng cách kết hợp cùng một bạn tình nguyện viên nước ngoài mở hoa giấy workshop, nhưng sau đó chủ nhà lấy mặt bằng lại để xây, bạn cùng làm phải về nước vì hết visa. Vậy là Nhàn lấy hết sổ tiết kiệm đi làm bao nhiêu năm từ khi ra trường tới giờ để “đánh cược một lần với đam mê của mình” - Lavin Home ra đời như thế.
Nhàn giấu ba mẹ, tự tích góp mọi thứ, tự tìm nhà thuê, tự trồng cây, tự đóng ghế, tự sơn nhà, rồi khi mọi việc hoàn thành xong chị mới thông báo.
Khi Lavin Home đi vào hoạt động, làm việc với nhau, giữa 2 bạn xương thủy tinh, 3 bạn khiếm thính cũng gặp khó khăn ban đầu vì các bạn không có điểm chung nên chưa hòa hợp. Nhàn phải đứng ra giải quyết. Ngôn ngữ để trao đổi với các bạn cũng khó: “Mình nói mình hiểu nhau, mình lắng nghe, trao đổi với nhau bằng trái tim là lý thuyết. Thực tế khi nói chuyện, bất đồng ngôn ngữ là không thể tránh khỏi, vì tôi không phải người quá giỏi về ngôn ngữ ký hiệu, nên nhiều lúc chảy nước mắt luôn”.
Giai đoạn đầu, không một ai tin Nhàn làm được - “con gái sao làm được”. “Có rất nhiều ý kiến trái chiều khác nhau và rồi tôi nghĩ, cuối cùng mình làm được cái gì thì mình hãy đưa cái đó tới cho mọi người”, Nhàn chia sẻ.
Vậy là Nhàn cứ âm thầm làm với tất cả niềm đam mê mình có, để hướng đến tạo ra những tác phẩm hoa giấy, kể những câu chuyện qua những bình hoa, “mà mỗi tác phẩm là một tác phẩm đẹp, có câu chuyện, đề tên kèm theo lời nhắn nhủ. Những câu chuyện sẽ mang đến một nguồn cảm hứng cho người chiêm ngưỡng”. Theo chị, đó là những tác phẩm nghệ thuật cao mà Nhàn cho biết là hướng phát triển của Lavin Home.
Biết ơn - Ảnh: TN
Thanh Nhàn đang hướng dẫn cho những người bạn nước ngoài về làm hoa - Ảnh: TN
Huệ và Thanh Nhàn đang hướng dẫn ngôn ngữ ký hiệu đến các bạn nhỏ tham dự workshop làm hoa - Ảnh: TN