Chánh niệm khi bận rộn

Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

GN - Sư cô Ocean được thọ giới tại Làng Mai, Pháp. Sư cô tu tập tại thiền viện Blue Cliff ở New York (Hoa Kỳ), nơi thường tổ chức các khóa tu về nghệ thuật sống chánh niệm.

---------------

Có những lúc cuộc sống dường như nhẹ nhàng, thư thả và có những lúc nó căng thẳng, nghẹt thở. Thực tập chánh niệm là phương cách có thể giúp ta vượt qua những thăng trầm đó để tận hưởng an bình, hạnh phúc khi chúng phát sinh, và để giải tỏa căng thẳng, đớn đau khi chúng có mặt. Một số các phương cách thực hành mà tôi biết có thể giúp tôi vượt qua những lúc cuộc sống quá bận rộn, liên quan đến thân. Đức Phật đã trao truyền cho chúng ta nhiều phương cách dưới tiêu đề “Niệm Thân”.

Dưới đây là một số gợi ý để áp dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày.

Bất cứ khi nào chợt ý thức đến giây phút hiện tại sau thời gian phóng tâm, việc đầu tiên tôi làm là xét lại tư thế của mình. Tâm tôi có thể quay cuồng và các xúc cảm của tôi có thể phóng xa nghìn dặm, nhưng tôi luôn có thể chỉnh xét lại tư thế của mình. Có một cách cũng khá dễ để lấy lại thăng bằng ngay: Hít vài hơi thở sâu, rút vai lên, chùn vai xuống, rướn phía sau cổ lên, vậy là đầu tôi thấy nhẹ hơn. Sau đó tôi thư giãn bụng và tiếp tục thở sâu. Một khi thân thư giãn hơn thì dễ hít thở đầy chánh niệm hơn. Và khi đã dễ dàng thở đầy chánh niệm, thì sự thực tập còn lại cũng trở nên dễ dàng! Chỉnh xét lại tư thế và làm mềm bụng để thở sâu có thể được áp dụng cho bất cứ tư thế nào, trong bất cứ hoạt động nào, vì thế đó là cách đầu tiên tôi thường áp dụng khi thiếu tập trung.

Khi đi, ngay cả khi đi nhanh, tôi cũng thực hành buông thư các bắp thịt ở chân, rồi bước từng bước, như thể mỗi bước sẽ để lại dấu ấn trên mặt đất. Tôi không giậm chân mà để mỗi bước chắc nịch xuống mặt đất. Dĩ nhiên, khi bước, điều này cũng tự nhiên xảy ra, nhưng tôi nhận thấy là càng bận rộn, thân tôi dường như càng bám vào tất cả mọi thứ - kể cả bước đi. Buông thư được trong từng bước chân là một hạnh phúc trong những lúc đầy bận rộn, để làm thư giãn thân và nhẹ nhàng chú tâm.

Khi tôi vận động chân tay, như là cắt rau củ, vệ sinh nhà cửa, phơi đồ hay dọn giường ngủ, tôi cố gắng ứng dụng tất cả các điều kể trên. Sau khi chỉnh xét tư thế, và thở sâu, tôi đem tâm chánh niệm đến cảm giác nơi hai tay. Tôi thường sử dụng quá nhiều năng lực và để ý thấy các cơ ở tay căng cứng ngay cả khi tôi đã làm xong công việc. Nên khi có chánh niệm, tôi buông thư cánh tay, bàn tay và thử sử dụng ít năng lực hơn để hoàn thành cũng những công việc đó. Thật là một cuộc thử nghiệm đầy thú vị. Nhờ sự thực tập đó, giờ tôi có thể nói là mình thực sự thích thú công việc quét nhà, rửa chén là những thứ trước đây tôi không màng đến. Hãy nhớ từng giây phút của cuộc sống làm nên đời sống của chúng ta. Vậy tại sao không tận hưởng từng giây phút đó?

Tôi cũng để ý thấy là khi tôi làm công việc “đầu óc” - như tổ chức sự kiện hay hội thảo. Đó là những lúc dễ quên chánh niệm nhất. Tôi chỉ vừa học cách thực tập chánh niệm trong những lúc ấy. Thí dụ khi có năm người hỏi tôi năm điều khác nhau và tôi phải hoàn thành ba công việc trong một tiếng đồng hồ tới, thì việc phải dừng lại và làm mọi thứ chậm rãi trong chánh niệm dường như là điều không tưởng. Nhưng ngay cả lúc ấy, việc quay về niệm thân cũng có thể thực hiện được. Khi suy nghĩ quá nhiều, các cơ ở thái dương, hàm và mắt thường rất căng. Nên khi tôi nhận thấy mình đắm chìm trong suy tưởng, tôi buông thư các cơ mặt và đầu và cố gắng không nhìn căng quá. Tức thì, tôi cảm thấy nhẹ nhàng và sáng suốt hơn. Dĩ nhiên điều đó không thể ‘giải quyết’ mọi vấn đề, nhưng nó vô cùng ích lợi và đơn giản.

Nhưng có lúc các thực tập đơn giản này cũng trở nên quá sức khiến tôi không muốn thực hành nữa. Sau nhiều lần “cố gắng” chánh niệm nhưng không cảm thấy an lạc hay bình tĩnh hơn, tôi chánh niệm dừng lại sự thực tập chánh niệm. Nếu tôi nhận thấy là phải ép mình thực hành chánh niệm, thì tôi dừng cố gắng. Khi sự gò ép này giảm bớt với thời gian, tôi thấy mình lại muốn thực hành trở lại, mà không cần nỗ lực. Điều này có thể khiến bạn hoang mang. Nhưng sự thực hành niệm thân không phải là một bài thực tập để đạt được điều gì đó trong tương lai. Thực tập niệm thân và tất cả các phương pháp thực tập chánh niệm khác, đều mang lại lợi ích ngay trước mắt. Thực tập chánh niệm là thiết lập nền tảng để chăm sóc cho tâm và các cảm xúc, để tập tận hưởng từng giây phút trong cuộc sống, để hiểu bản thân và thế giới (thực sự không phải là tách biệt), và để mọi chúng sanh được giải thoát hoàn toàn, lâu bền khỏi khổ. Đây thực sự là con đường thênh thang và tốt đẹp!

Tôi không nói những điều trên để khiến bạn nản chí vì việc thực tập chánh niệm không có gì đặc biệt. Chỉ là ta phải nhớ. Là điều mỗi ngày tôi vẫn còn nhiều lần quên. Đó là lý do tại sao ta gọi đó là thực tập. Điều quan trọng là khi ta nhớ đến, ta bắt đầu trở lại. Chỉ một hơi thở. Chỉ một bước chân. Chỉ một giây phút bình an. Lặp đi và lặp lại.

Sister Ocean
(Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ
theo Too Busy For Mindfulness)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.