Câu chuyện tôi sắp kể như cổ tích thời @
Những năm 90 thế kỉ trước, một chàng họa sĩ Hà Nội đội gạo lên chùa. Ngôi chùa làng đã sập từ lâu. Chàng thắp hương khấn những tấm bia cổ đã bị đập nát, xin nguyện gom từng viên gạch nhỏ, xây lại chùa thiêng cho dân được sống với tâm linh.
Cha mẹ tiếc hoa Mai nên đặt tên chàng là Bùi Hoài Mai. Chàng thường rời Hà Nội đi tìm bồng lai tiên cảnh để vẽ. Đến làng Na, xã Tiên Vân, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), cánh đồng lúa vàng, lúa xanh mượt mà như nhạc và thơ.
Đất thiêng, người hiền và những thao thức tâm linh đã giữ Hoài Mai ở lại nơi này. Ông dựng Quan Âm động, ôm vách núi, tự mình tạc tượng Quan Âm ngự tòa sen, hai má bầu bầu, lành hiền như Mẹ Việt Nam. Dân đi làm đồng qua con đường nhỏ quanh núi, ghé động Quan Âm thắp hương khấn vái thì thầm. Cầu một ngày bình an, mưa thuận gió hòa, gạo thóc đầy bồ, mái ấm, nhà êm, quốc thái dân an. Hoài Mai lặng lẽ dọn nền chùa, kiếm từng viên gạch, xây nền. Dân làng thấy vậy xúm lại góp sức, góp công, góp từng đồng tiền nhỏ. Mai vẽ tranh. Tiền bán hai tranh dâng một nửa dựng chùa, một nửa nuôi mình và các con.
Mười năm qua, dân làng cùng Hoài Mai nhẫn nại xây chùa như kiến tha lâu đầy tổ. Không nhờ các đại gia. Họ nhiều tiền thật đấy. Nhưng họ muốn làm chùa choáng ngợp. Mất cõi hồn làng. Hỏng cõi tâm linh. Làng không cần ông Phật thật to, chùa thật lớn. Chỉ cần nho nhỏ một cõi thiêng thanh tịnh, một chốn đi về gột rửa bớt tham hận, si mê. Thả hồn vào tĩnh lặng…
Ngôi chùa làng Na, mang tên Am Linh tự đượm hồn quê, nặng tâm linh Trời- Đất- Tổ tiên, giờ đây hoàn chỉnh kiến trúc truyền thống: Tam bảo, Quan Âm động, Tam quan… ngày đêm đượm khói nhang, vang tiếng nguyện cầu Nam mô A- di- đà. Con thuyền Bát Nhã bừng hoa lúa.
Một ngày sắp sang Xuân, chúng tôi thăm Am Linh tự của Hoài Mai tại làng Na, cảm nhận Ngôi chùa- Một vùng tâm thức, một vùng thi ca (Nguyễn Khắc Mai biên soạn- NXB Tôn giáo- 2001). Kiến trúc tôn giáo hòa giữa một vùng như thể cây quỳnh cành dao, dâng ta tình yêu cuộc sống. Bóng Thị Mầu bồng bềnh đâu đây. Và kia, ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô mặc yếm bỏ bùa cho sư. Ngoài trời mênh mang gió thơm thoáng đạt chính Tông Thiền. Tiếng Phật hoàng Trần Nhân Tông vang lên trong gió:
Ở đời vui đạo cũng tùy duyên/ Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi Thiền.
Cõi thiêng của ngôi chùa làng Việt cổ là vậy. Không gian nhẹ nhàng, thanh tịnh hương Ngâu. Vẻ đẹp hiền hòa của ngôi chùa kiến trúc theo mái nhà rường đồng quê Bắc bộ, thanh tao và gợi hơi ấm gia đình. Phật tại tâm. Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. Cuộc sống sinh sôi nảy nở trong khoảng trời linh thiêng và thế giới trong sạch của Thần, Phật, Mẫu như có, như không. Không phải tu khổ hạnh. Không diệt dục, ép xác. Đời và đạo . Đạo và đời hòa sáng trong nhau. Đạo là con đường, dẫn con người đến hạnh phúc, an nhiên, tự tại. Không có Đạo không thành Con Người.
Có Đạo để sống làm người trong tình yêu đôi lứa: “Ngó lên Cẩm Tự chùa vàng/ Tu thời đặng đó, bỏ nàng ai nuôi”.
Am Linh tự của làng Na, ấm áp tình như thơ vậy. Hoài Mai tự mình trông chùa. Sớm tối khói hương. Tiếng tụng “Nam mô A Di đà Phật” đều đều thơm rơm rạ, khói cơm chiều. Vậy mà, ông vẫn lái ô- tô đi khắp núi sông, về Hà Nội cùng vợ con, hoặc chìm trong ngôi nhà vườn góc làng Na vẽ tranh và thiết kế mẫu gốm.
Xưởng gốm Mai trong làng Na vừa đủ để người làng Na trổ tài vẽ, nung, nhào nặn đồ gốm mĩ thuật, mang hơi ấm hồn người làng Na. Mai dạy nghề gốm cho dân. Để họ tự sáng tạo từng nét vẽ. Những bức tượng Phật, phù điêu, gạch trang trí, tượng người Việt cổ, nghệ thuật cổ, điệu múa cổ, sống động nét bàn tay, hơi thở, nhịp sống người làng Na. Những bức tượng Phật, Tiên, miệng chúm chím cười duyên như thôn nữ làng Na. Hồn nhiên và phúc hậu, ấm nồng như lòng mẹ. Trắng trong tinh khiết như bông sen không bị ngập bùn.
Hoài Mai tặng tôi bức gốm nhỏ- Điệu múa cổ. Tôi đắm say hình tượng nàng nâng hai tay hai ngọn đăng hình hoa sen màu vàng. Xiêm áo màu xanh ngọc của nàng quấn quýt vờn mây. Nàng nhảy múa uyển chuyển trong làn mây bồng bềnh. Tung xiêm áo vào mây. Thả hồn vào mây. Đôi mắt nàng nhắm tít. Không cần biết trời đất là đâu? Nàng cứ thế mà nhảy múa theo nhịp điệu Con Người rung động cùng Trời Đất.
Hoài Mai ơi! Hãy tìm cách chở những Điệu múa cổ ấy đi khắp bốn phương trời tặng những người con Việt xa quê. Tặng bạn bè năm châu bốn biển. Họ sẽ nhảy múa cùng bàn tay nghệ thuật thôn làng Việt Nam. Họ sẽ thả hồn mình bay lên trời xanh cao, mây trắng lạnh, tìm về Đất Mẹ Việt Rồng-Tiên trao duyên thắm.
Bùi Hoài Mai thường lang thang đi vẽ khắp thôn làng đồng quê Việt. Ông đi vẽ và đi tìm vẻ đẹp đồ gốm Việt Nam. Ông mê vẻ dáng, hoa văn, màu men gốm cổ truyền thống Việt, cái nôi xuất hiện đồ gốm vào loại sớm nhất Đông Nam Á. Mai càng mê đắm gốm càng nhận thấy đằng sau vẻ đẹp bề ngoài ấy, người xưa còn gửi gắm nhiều điều sâu xa hơn. Từ những hoa văn khắc vạch trên một nồi gốm cổ mua của người thuyền chài nhặt được bên bờ lở của sông, Hoài Mai đã bị hấp dẫn bằng linh cảm. Ông dành thời gian, chiêm nghiệm, suy tư, đọc sách Đông- Tây, kim cổ về gốm và viết nghiên cứu, phát hiện những hoa văn trên nồi gốm gần như một thứ văn tự. Một dãy xếp các biểu tượng có hệ thống nhằm bộc lộ một quan niệm, một thế giới quan nào đó của cư dân Việt cổ.
Với khả năng suy tư minh triết và tình yêu gốm cổ đắm say ấy, Hoài Mai cùng dân làng Na thổi hồn vào gốm. Điệu múa cổ của Mai tặng tôi ngập tràn âm thanh, nhịp điệu của sự sống chảy trôi không ngừng, của sự sản sinh trần thế và những linh hồn tái sinh. Đó là dòng chảy luân hồi và sự sống bất diệt trong quan niệm sống của người Việt cổ, nâng bước chúng ta đi cùng những Mùa Xuân luân hồi