GN - Đại giới đàn Trí Đức PL.2559 - DL.2015 do Ban Trị sự GHPGVN TP.Hồ Chí Minh tổ chức đã thành tựu, với 1.009 giới tử xuất gia và hơn 500 cư sĩ tại gia thọ Bồ-tát giới.
Đây là kỳ Đại giới đàn được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với 8 giới trường, trong đó có các giới trường biệt truyền dành cho Phật giáo Nam tông Kinh và hệ phái Khất sĩ, thời gian 10 ngày liền.
Ban Tăng sự và Ban Nghi lễ Phật giáo thành phố gồm chư tôn đức uyên thâm về Luật tạng và truyền thống nghi lễ Phật giáo đã phối hợp biên tập, hiệu đính và in ấn kịp thời bộ “Việt Nam truyền giới chánh phạm” - bao gồm các nghi thức truyền giới - sử dụng thống nhất trong Đại giới đàn Trí Đức năm nay.
Giới đàn là sự kiện quan trọng và thiêng liêng hàng đầu trong sinh hoạt Phật giáo, thế nên, từ xa xưa, chư vị Tổ sư các đời đã nghiên cứu, lĩnh hội, kế thừa, biên soạn hình thành nên những bộ quy chuẩn cho sinh hoạt Tăng đoàn. Hơn nửa thế kỷ trước, Đại lão HT.Thích Thiện Hòa đã tuyển dịch quyển “Giới đàn Tăng”, sử dụng phổ biến trong các giới đàn tổ chức ở khắp các địa phương ở miền Trung và miền Nam. “Việt Nam truyền giới chánh phạm” được biên tập dựa trên những thành tựu của tiền nhân, nỗ lực nhằm thống nhất trong thể thức truyền giới dành cho các giới sư - đi đến sự thống nhất những điều cơ bản trong sinh hoạt của Tăng đoàn - biểu tượng của Tăng bảo.
Thành tựu tịnh giới là một trong những yếu tố cơ bản để làm nên nhân cách của một vị Tăng, tu sĩ Phật giáo. Giới đàn trang nghiêm, giới sư thanh tịnh là những điều kiện để các giới tử chí thành phát tâm dũng mãnh đắc giới, như lời nhắn nhủ của chư vị giới sư trước và trong Đại giới đàn.
Đắc giới là cơ sở - dấu ấn sâu sắc và quan trọng của mỗi giới tử trên lộ trình tu tập. Điều quan trọng hơn nữa là sau khi nhận được giới pháp, mỗi người càng phải nỗ lực, tinh tấn hơn nữa để học và giữ gìn giới pháp đã thọ. Mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động phải được tinh thần giới và luật soi sáng, dẫn lối. Có như vậy, ý nghĩa của việc thọ giới mới được phát huy, đem lại giá trị an lạc, tự tại thực sự, làm cho đời sống của người xuất gia không bị những dục vọng tầm thường tác động và lôi kéo.
Giữa xã hội hôm nay, trong các mối tương quan ảnh hưởng đến đời sống thiền môn, người xuất gia sau khi thọ giới càng phải ý thức hơn nữa giá trị phòng hộ của giới - điều kiện để hoàn thiện nhân cách người tu, đem lại giá trị cho đời sống cá nhân và Tăng đoàn, nuôi lớn tâm từ bi và phát triển trí tuệ, chứ không phải đặc ân đặc lợi hay chỉ là những ràng buộc về hình thức.
Thích Tâm Hải