Chăm cơm đêm cho người cơ nhỡ

GN - Ngày nào cũng vậy, cứ đến khoảng 22 giờ đêm, chị Trần Thị Thảo, pháp danh Diệu Liên và các bạn sinh viên lại xuống đường chia sẻ những phần cơm nghĩa tình cho những ai chưa được ăn cơm vì không có tiền. Hơn một năm nay, rất nhiều cô, chú vô gia cư, trẻ em đường phố đã được ấm lòng từ những phần cơm chay trong đêm như thế này.

Người khó khăn, vô gia cư cứ tưởng chị là giám đốc công ty này nọ, nhưng ít ai biết rằng, những bữa cơm thơm thảo ấy đến từ quán cơm chay do chị và các bạn sinh viên cáng đáng.

Anh 1, PGTT GN 745.jpg


Những bữa cơm ấm tình của Phật tử Diệu Liên - Trần Thị Thảo - Ảnh: Hạnh Ý

Khắc khoải những bữa no

Chị kể, “Để có tiền đi từ thiện và chia sẻ với mảnh đời khó khăn, chị đã mướn nhà, mở cái quán cơm chay nho nhỏ để có đồng ra, đồng vô. Mỗi phần cơm, chỉ bán giá mười lăm ngàn, người tàn tật, khó khăn đến ăn, chị không lấy tiền. Ngày bán cơm, tối nấu cơm đem tặng cho các cô, chú, trẻ nhỏ vô gia cư trên đường phố - những người thèm bữa cơm no nhưng không có khả năng”.

Nguyện vọng này xuất phát sau một lần đi đường, vô tình bắt gặp hình ảnh bà cụ khắc khổ, nằm co ro bên hiên, không có gì ăn vì cả ngày ở quán cơm không ai... bỏ cơm thừa. Và cũng vì: “Đi từ thiện nhiều nơi, mái ấm nhà mở, đến rất nhiều nhưng những người ở mái ấm, họ có khổ cũng có nơi che nắng che mưa, cũng còn có hai bữa cơm. Nhưng những hoàn cảnh đáng thương ở lề đường hè phố, có người mấy ngày chưa có cơm ăn. Lúc nhận hộp cơm mình tặng, có người mừng quýnh, cảm ơn rối rít, nước mắt rớt dài trên gương mặt khắc khổ. Thương lắm, chứng kiến rồi chỉ muốn làm sao đem thêm nhiều bữa cơm đến cho mọi người, chứ không sao bỏ được”, chị Diệu Liên bộc bạch.

Đó cũng chính là lý do vì sao, dù có ngày nấu được 20 hay 30 hộp cơm, chị cũng đi phát. Số tiền lãi thu được từ quán cơm chay, trang trải cho sinh hoạt, số còn lại chỉ đủ để chị phát cơm. Nhiều lúc, thèm ăn bữa ăn ngon, thấy người ta có bộ đầm đẹp, là phụ nữ, chị cũng muốn có, nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua. Nghĩ đến ngoài kia nhiều người đang trông đến 22 giờ, nhiều em đang đợi cơm dù mệt mỏi lắm cũng không dám ngủ, thế là chị cầm tiền đi chợ, mua món ngon về nấu, phát cho mọi người đang chờ mình.

Chị thiệt tình nói: “Chỉ cần nhìn thấy nụ cười của các cụ già và trẻ nhỏ là lòng chị lâng lâng”. Nói rồi chị cười hiền, nụ cười của chị làm nhiều người phải nao lòng, vì hôm nay, cô chủ nhà thấy quán cơm chay của chị bán được nên đã tăng tiền nhà. Không đủ tiền chi trả, chị phải trả lại mặt bằng và đi tìm mặt bằng khác. Lu bu dọn quán nhưng bữa cơm cho người nghèo trong đêm vẫn không dang dở; chị và các bạn vẫn xuống đường phát cơm cho người nghèo.

Không để những bữa cơm dang dở...

Các cụ già vô gia cư, mưu sinh khốn khó trên các con đường từ nhà trọ của chị đến khu Chợ Lớn, dọc Bệnh viện quận 5 dường như rất quen thuộc với chị. Thấy chị đi từ xa, một cô lượm rác lật đật chạy lại hỏi: “Cơm chay phải không con, làm ơn cho cô một phần đi”. Nói với cô, sao cô chạy dữ vậy, lần sau cô đi từ từ thôi, thì cô đáp lại: “Cô sợ mấy đứa đi mất, cô sợ mấy đứa phát hết cơm chay nên cô vội chạy lại. Lỡ mà không có phần cơm này, tối nay cô không có gì để ăn”.

Lần đầu tiên cùng chị đi phát cơm, nghe chú đạp xích-lô nói mà không khỏi chạnh lòng: “Bây giờ xe ôm, taxi nhiều nên xích-lô ế khách, mấy chú không có nhà, không người thân vợ con, nhiều tối không tiền nhịn đói mà ngủ. Sáng dậy đạp xe không nổi, ước gì những tối đó gặp tụi con thì may rồi”. Đáp lại chú bằng nụ cười tươi, động viên chú cố gắng lên, đời vẫn còn đẹp lắm nhưng từ ánh mắt của chị, tôi cảm nhận có nỗi lo. Làm sao không khắc khoải cho được, khi mà thay vì phát hơn 100 phần, giờ chỉ phát được 70 phần; có nghĩa là khoảng 30 người sẽ đói - chứng kiến cảnh này, ai cũng ngậm ngùi.

Những lời chia sẻ, đầy khắc khoải mà chúng tôi nói nhỏ nhau nghe lại được một cụ già lượm ve chai nghe được. Thế là cụ dặn dò lại với những người trong nhóm mình: “Tụi bây ở đây, đứa nào có tiền thì tự mua đồ ăn nha. Mấy đứa nó giờ làm không ra tiền, nấu cơm phát cho người hạ xuống phân nửa rồi. Đứa nào thiệt sự đói, không có tiền thì mới nhận cơm của các cháu, để dành cho những người đói thiệt sự nha”.

Rồi các chú trả lời lại: “Ừa, bữa nào mà không làm ra tiền, không xin ở đâu được thì mới nhận cơm của chúng nó. Để chúng nó chia cho anh em đói thiệt sự. Thời buổi kinh tế khó khăn, một hộp cơm quý lắm. Bữa nay nói thiệt, tui không có một xu dính túi, mấy thằng này cũng vậy. Lát nữa, 4 anh em mình xin 2 hộp thôi, chia nhau một hộp hai người ăn, có ăn lót dạ là đủ lắm rồi...”.

Bước chân ra về khi những hộp cơm phát hết, câu hỏi của tôi “rồi không có đủ tiền phát cơm, chị tính sao” và câu trả lời của chị cứ làm tôi trăn trở theo: “Chị sẽ cố gắng, chị ráng tìm cách chứ không để những bữa cơm dang dở...”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.