Vừa xuống xe từ Sài Gòn về tôi tranh thủ ngồi nghỉ trên băng ghế đá một chút, chờ sư ông dùng cơm chiều xong vào đảnh lễ sư ông.
- “Mô Phật! Thầy Bình mới từ Sài Gòn về đó hả?”
Đang ngắm hoa tôi giật mình nhìn lại, thì ra là tiểu Minh. Chú cúi đầu chắp tay chào tôi, tôi cũng chắp tay chào chú lại. Chú đang vận trên mình chiếc áo tràng màu lam chưa kịp cài đủ nút, đã sắp đến giờ hô chuông buổi chiều mà chú có lẽ vừa tắm xong, nên chú hớt ha hớt hải vừa đi vừa mặc áo trông thật khó coi, tôi vội lên tiếng nhắc nhở: “Chú Minh đứng lại cho đàng hoàng, chỉnh áo lại cho chỉnh tề xem nào”.
Như chợt tỉnh, chú quay qua tôi mỉm cười như cám ơn rồi chỉnh lại áo, bước đi không còn hối hả nữa.
Ở chùa từ nhỏ, Tiểu học được nhiều điều, như là từ thỉnh chuông, thắp hương - Ảnh minh họa
Nhìn chú bước đi tôi lại bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên mới vào chùa cách nay cũng đã lâu rồi, hồi đó sư ông rất khó tính, sư ông để ý rất kỹ các oai nghi (đi-đứng-nằm-ngồi) của chúng tôi. Có một lần tôi cũng gặp phải trường hợp tương tự như chú Minh, gần đến giờ hô chuông mà các anh em tắm rửa lâu quá làm tôi vừa tắm xong đã đến giờ hô chuông nên tôi hớt ha hớt hải vừa lấy lược chải cho gọn lại cái chỏm nhỏ vừa loay hoay vừa đi vừa mặc áo tràng vừa cài nút, cố gắng đi cho nhanh vì sợ trễ nãi.
Bất giác sư ông thấy tôi: “Này, chú tiểu, con đi đâu mà dớn da dớn dác, vừa đi vừa mặc áo như kia thế hả? Không có ý tứ gì cả à!”. Mất hồn tôi liền đứng sững lại cài áo, chỉnh trang nghiêm túc, vái tạ sư ông rồi bình tĩnh bước đi thong thả.
Bài học đầu tiên vào chùa làm tôi nhớ mãi đến bây giờ là hành trang mang theo bên mình trong suốt cả cuộc đời tu. Hôm ấy… đến phiên tôi thỉnh chuông buổi chiều, như thường lệ trước khi thỉnh chuông tôi phải đốt hương thắp hết các bàn thờ ở trong chùa.
Sư ông bảo rằng: “Tiếng chuông đại hồng ngân lên không phải chỉ có chúng ta nghe được mà chư vị Bồ tát, Hộ pháp cũng đều nghe thấy. Tiếng chuông có công năng siêu thoát cho các âm hồn nơi cõi âm nữa, vì vậy khi mình thỉnh chuông phải đi thắp hương các bàn thờ để thỉnh chư Bồ tát, Hộ pháp chứng minh gia hộ hầu làm sức mạnh của tiếng chuông ngân khắp cả các cõi, vong hồn nghe tiếng chuông mà cũng được siêu độ”. Lúc mới vào chùa, đi thắp hương tôi đã đếm hết thảy có bao nhiêu bàn thờ ở trong chùa thì tôi thắp bấy nhiêu nén hương rồi đi thắp từng bàn một.
Hôm ấy khi đã đếm đủ số que hương cần thắp, tôi rút một que chân nhang trong lư hương bàn thờ châm vào ngọn đèn dầu để lấy lửa đốt hương, đốt hương xong tôi lại phẩy cho lửa tắt rồi rút ba nén hương cắm vào bàn thờ Tổ rồi quay ra. Vừa quay ra tôi đã trông thấy sư ông đứng ngay sau lưng, giật mình tôi cúi đầu định đi qua, thì: “Này, con đi đâu mà vội thế hả? Nhìn lại xem que nhang vừa thắp xem nào?”.
Tôi nhìn lại thì ra ba cây nhang tôi thắp cây thì nghiêng ra phía trước, cây thì ngã về phía sau, cây thì nghiêng nghiêng… Bấy giờ sư ông mới nhẹ nhàng trầm ấm (đây là lần đầu tôi cảm nhận được sự ấm áp khi đứng bên cạnh sư ông): “Thắp hương không phải là thắp cho có lệ như đốt củi đâu, thắp hương chính là dâng cúng hương cho chư Phật, chư Tổ, chư Bồ tát. Chính tâm hương lòng thành mới cảm ứng được với chư Phật, nên con phải ý tứ nghiêm túc khi cúng hương”.
Vừa nói sư ông vừa chỉnh cánh tay đang cầm bó hương để trước ngực của tôi rồi nói: “Cúng hương cho chư Phật, chư Bồ tát nên cần phải nghiêm trang khi cầm nắm, không được để hương bay dưới mũi của mình. Con cần nắm bó hương để ngang tai của con mà đi, cử chỉ vừa trang nhã vừa trịnh trọng khi đi thắp hương. Nên nhớ là đang cầm hương đi cúng chứ không phải cầm que củi”.
Nhìn vào ba cây hương của tôi vừa thắp lên bàn thờ Tổ, sư ông đã lắc đầu: “Khi thắp hương con cũng phải nhớ rằng mình đang tu, chỉnh nhang sao cho thẳng hàng ngay ngắn cũng như chính con đang chỉnh tâm con cho ngay thẳng, không được xiên lệch dối trá. Không những chỉ thắp hương mà trong mọi sắp xếp, sinh hoạt, từ để đôi dép, dựng chiếc xe đạp cho ngay thẳng cũng như đang thể hiện tâm của mình vậy…”.
Vừa chỉnh nhang lại tôi vừa thấy một cảm giác xúc động lạ thường, rõ ràng cảm giác này vừa nhẹ nhàng vừa an tĩnh trong tâm hồn tôi lúc ấy. Ba cây nhang đã thẳng hàng ngay ngắn, tôi xá Tổ lui ra thầm cảm ơn sư ông. Rõ ràng, khi ta ý thức được việc mình đang làm là chánh niệm! Ý thức đó đem lại cho tôi kinh nghiệm đầu đời về tu tập. Kể từ đó tôi không còn thấy sợ sư ông nữa, không còn cảm thấy thầy xa cách, thay vào đó là một niềm kính trọng, biết ơn tràn dâng. Sư ông đã chỉ tôi một phương thức tu tập: chánh niệm trong từng việc, dù nhỏ.
*
Boong… Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới… Tiếng hô chuông của chú Minh đã cất lên hòa với tiếng chuông ngân vang trầm bổng kéo dài làm tôi cảm thấy tiêu tan mệt nhoài sau một chặng đường dài…
Lệ Bình
Cùng quý độc giả: Chuyện những Thiên thần quét lá là tiểu mục trên trang PG&TT, bắt đầu khởi đăng từ số báo 583. Đây là chuyên mục dành cho những cây bút chuyên và không chuyên, viết về các chú tiểu, sa di (sa di ni) đã, đang trải qua đời sống tu tập nơi cửa chùa. Đó cũng có thể là lời kể của những người trong cuộc chia sẻ về những kỷ niệm tu tập của mình với những niềm vui, những kỷ niệm, kinh nghiệm thực tập để vượt qua chướng ngại, giữ vững sơ tâm. Bài viết không quá 1.200 chữ, gửi về Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) bằng thư tay hoặc qua địa chỉ e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút, và cứ sau 3 tháng BBT sẽ chọn ra một bài hay, ấn tượng nhất để trao thưởng, giải thưởng gồm 500.000 đồng và quà tặng sách trị giá 500.000 đồng. Mong nhận được sự hưởng ứng của quý độc giả Báo Giác Ngộ. Giác Ngộ |