GN - Khẩn xin Trời, Phật để mãn nguyện những điều mình mong muốn tự nó không có gì là sai trái cả. Cầu nguyện ơn trên cho mình được một đời sống bình an, hạnh phúc là chuyện thường tình. Nhưng khi đi đến nước cầu xin, nếu được như ước nguyện sẽ xin hứa cúng hậu hĩnh, thì lại là một chuyện khác!
Một thiện tín dâng đèn cúng Phật trong ngày rằm tháng Giêng - Mậu Tuất (Ảnh minh họa của Bảo Toàn)
Đầu năm mới, có lẽ, là lúc chuyện cầu xin, khấn hứa sẽ trở nên nhộn nhịp và rộn ràng nhất. Ai cũng cầu xin năm mới mình sẽ được khấm khá và tốt đẹp hơn năm cũ. Nhưng ít có ai ngờ rằng: Hết thảy những chuyện gì sẽ xảy ra trong năm nay thành công hay thất bại, phần nhiều, là do chính tay mình sắp xếp, gây tạo nên. Còn một phần lớn khác là do nhân duyên chín muồi, điều kiện cho phép, tất cả đều nằm ngoài sự quản lý của chúng ta. Cầu nguyện là một hình thức cho ta một sự bình an, hy vọng, giúp giữ đầu óc mình tỉnh táo, không lo sợ quá nhiều, ảnh hưởng không tốt đến những điều mình ước muốn.
Có lẽ từ khi Đức Phật được ca tụng như một đấng Tối cao, Siêu thế thì việc cầu xin bắt đầu từ đấy. Trong thời kỳ sơ khai của tư tưởng Đại thừa kéo dài khoảng 250 năm, quan niệm mới về Đức Phật như là một vị siêu nhân, siêu thế hình thành. Chắc có lẽ từ định hướng mới này mà vị thế của Đức Phật được nâng cao như là một Đấng Giáo chủ tối cao. Đức Phật giờ đây không còn là một Đấng Giác ngộ mà được một bộ phận xem là một đấng quyền năng có quyền lực ban phước hay giáng họa cho những ai tin theo Ngài. Mặt khác, do ảnh hưởng của văn hóa dân gian nên việc đồng hóa Đức Phật với một đấng thần linh tối thượng theo lòng tin của dân chúng cũng từ đó mà hình thành.
Ban đầu, hàng Tăng lữ cho rằng đây là phương tiện để truyền bá giáo pháp của Đức Phật một cách dễ dàng và hiệu quả. Nhưng về lâu dài, cách truyền bá này trở thành một loại văn hóa cầu xin, mà không xem việc sống và hành trì theo lời Phật dạy là cần thiết! Giờ đây, việc cúng tế, cầu xin được xem là quan trọng và những nghi lễ hoành tráng, tốn kém cũng theo đó mà bộc phát khiến cho đạo Phật trông giống như là một tôn giáo thần quyền!
Từ những người giàu sang cho đến kẻ nghèo khó đều cầu xin Phật, Trời cho bệnh chướng tiêu trừ, cho khổ đau phiền não chấm dứt, cho buôn may bán đắt, cho vạn sự hanh thông… Thậm chí còn cầu xin khổ đau, bệnh chướng đừng quấy phá và xin hứa cúng tạ lễ rình rang nếu chư Phật, chư Bồ-tát giáng phước khiến chúng thuyên giảm, tiêu tan. Loại hình cầu xin này càng ngày càng được phổ biến rộng rãi, không chỉ ở trong nước mà luôn ở nước ngoài, khiến cho sự phát triển và tồn tại của một số các chùa chiền, tự viện đều lệ thuộc vào hình thái hoạt động này!
Đã qua rồi những thời kỳ nghèo hèn, dốt nát, thiếu thốn mọi phương tiện. Người Phật tử giờ đây đã được tiếp cận với những thông tin trên khắp thế giới. Họ có thể thấy đạo Phật đang hành hoạt tại các nước khác ra sao! Sinh hoạt tại các tự viện có phản ánh đúng giáo lý Phật dạy? Tư cách, lối sống, và sự hành trì của các hàng Tăng lữ có thực sự là người đại diện cho Tăng bảo? Đường hướng giáo dục cho chư Tăng, Ni lẫn các hàng cư sĩ tại gia cần phải được xét lại để con đường ‘hoằng pháp’ tiếp tục mang đến ‘lợi sinh’!
Trong kinh Pháp hoa ví dụ về gã cùng tử bị thất lạc gia đình, đi ăn xin lang bạt suốt 50 năm, cho đến khi gặp vị trưởng giả giàu sang, mà cũng chính là cha mình. Nhưng vì tâm trí nghèo hèn, hạ liệt đã thấm sâu trong tim gan, nên gã cùng tử cứ tiếp tục xem mình là kẻ hạ tiện, trí hèn. Người cha phải gia công rèn luyện ý chí cho đứa con để tự nó có thể tiếp tục kế thừa cái gia tài đồ sộ của ông để lại. Có phải chăng đây cũng là ý nguyện Đức Phật muốn hàng đệ tử phải tự mình giác ngộ, giải thoát?
Không có gì sai trái trong việc cầu nguyện. Nhưng việc cầu xin càng ngày càng trở nên là một pháp môn tu chính yếu thì đây chính là ‘vết xe đổ’ của đạo Phật. Tha lực bị hiểu lầm và lạm dụng đến độ ‘mua thần, bán thánh’. Nếu mình hoàn toàn không bỏ ra dù một chút nỗ lực của tự thân, mà chỉ cầu xin Phật, Trời để được hoàn toàn như ý nguyện là một điều trái với lời dạy của Đức Phật: ‘Ta chỉ là bậc đạo sư chỉ đường, các con hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi’.
Luật nhân quả đã được Đức Phật chỉ dạy một cách rõ ràng. Tuy nhiên, nghiệp quả không phải là không sửa đổi được! Bằng chứng là Đức Phật đã từng dạy trong kinh Tương ưng III, phẩm Hạt muối:
“…Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào trong một chén nước nhỏ. Các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, nước trong chén ấy có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không?
- Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Nước trong chén nhỏ này là ít, do nắm muối này, nước trở thành mặn, không uống được.
- Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào sông Hằng. Các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, sông Hằng có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Lớn là cả khối nước sông Hằng. Khối nước ấy không vì nắm muối này, nước trở thành mặn và không uống được.
- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.
- Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục? Ở đây, này các Tỷ-kheo có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục.
- Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, nói gì là nhiều”.
Như vậy, nếu người nào biết tu tập cho thân, biết tu tập cho tâm, biết tu tập để sinh trí tuệ thì quả báo ác sẽ không tác hại nhiều. Tại sao vậy? Ai người biết tu tập sẽ cố tránh xa các ác pháp, huống chi là cố tình gây tạo! Cho nên có câu: “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Dù mình có lỡ tạo những điều ác trong quá khứ, nhờ có tuệ giác hiểu rõ nhân quả, chúng ta sẽ bớt lo sợ ác nghiệp xảy đến cho mình vì hiểu rằng đây là cơ hội để đền trả những gì mình đã gây ra và, biết đâu, nghiệp dữ cũng chính là một vị thầy muốn dạy chúng ta một bài học về tuệ giác của khổ đau. Tất nhiên, chúng ta phải hiểu rằng cần phải có nỗ lực tu tập hành trì, công phu tinh tấn thì mới thấu hiểu và chấp nhận được điều này.
Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta nhận thức được quyền lực của chính mình để thấy rằng: Họa hay phước là do chính mình gây tạo. Như Đức Đạt-lai Lạt-ma gần đây có nói: ‘Chúa Trời hay Đức Phật không giúp gì chúng ta được nhiều vì các Ngài đâu có gây ra thảm họa trên hành tinh này?’. Nếu ai trong chúng ta cũng nhận ra được điều này thì việc cầu Trời, khẩn Phật sẽ không mang lại kết quả nhiều bằng hành động hướng thiện của chính chúng ta.