Theo phản ánh của chính các nhà sư và Phật tử, những phần tử “buôn thần, bán thánh” trên đều là người địa phương, thậm chí có cả người mang danh giữ gìn an ninh, trật tự tại các chùa. Địa bàn hoạt động của các đối tượng này tập trung ở động Hương Tích, chùa Giải Oan, đền Trấn Song (hay còn gọi là Cửa Võng).
“Thập diện mai phục”
Động Hương Tích luôn là nơi thu hút đông khách thập phương nhất nên nơi đây trở thành “trận địa mai phục” móc tiền du khách của nhóm người trên. Ngay giữa động Hương Tích, dịch sang trái một chút có một nhũ đá lớn có tên gọi là Núi Cậu, tương truyền nếu ai thành tâm tế lễ ở đây sẽ được sinh con theo ý muốn. Tại đây, chúng dựng lên 3 ban thờ lớn, rồi tự xưng là “nhà chùa” ngang nhiên để đĩa trên các ban thờ thu tiền công đức của du khách. Chưa hết, tại mỗi ban thờ này còn có hai “người nhà chùa” đứng “phát lộc” cho du khách dưới hình thức…thu tiền.
“Lộc” thứ nhất được bán gọi là “cậu” bằng gốm nung. Sau khi “nhà chùa” cầm nén hương xoay quanh mấy vòng và lầm rầm đọc “thần chú”, “cậu” được cho vào túi nilong để du khách “rước” về. Mỗi “cậu” này có giá 210.000 đồng (giá của “cậu” ở hàng đồ lưu niệm ngoài cửa động chỉ 25.000 đồng). “Lộc” thứ hai là mấy cái nhẫn màu vàng méo mó, cùng một số tờ giấy nhỏ màu đỏ có in chữ loằng ngoằng, theo lời “nhà chùa” là để cầu tài, cầu lộc.
“Lộc” này tùy tâm nhưng chúng tôi đã tận mắt chứng kiến “nhà chùa” gạt sấp ngửa một du khách dáng vẻ quê mùa, cầm một nắm tiền lẻ định “xin” lộc. “Lộc” thứ ba là một quyển vở nhỏ kẻ ô ly mỏng tang, được bán với giá 20.000 đồng một quyển, để “cầu cho con cái học giỏi”. Chỉ hơn nửa giờ đồng hồ chúng tôi có mặt tại đây, “nhà chùa” đã bỏ túi khoảng hơn 2 triệu đồng, gồm cả tiền bán “lộc” và tiền công đức.
Tại đền Trấn Song, nơi thờ bà chúa Thượng Ngàn cũng diễn ra cảnh “buôn thần, bán thánh”. Bên trong đền, phía trái ban thờ chính có một ban thờ phụ rất uy nghi. Hai bên tả, hữu có hai người thường trực bán “lộc thánh”. Mỗi thứ được gọi là lộc thánh tại đây có giá từ 10.000 - 20.000 đồng.
Việc mua bán diễn ra công khai ngay trong nội tự của đền nên không ít du khách đã phải bỏ tiền mua lộc một cách bất đắc dĩ. Hai du khách ở Hải Dương bức xúc kể: “Thắp hương xong thì có một người đưa cho em một cái thẻ, một cái hình và một cái nhẫn. Bọn em cứ tưởng mình được cho, nhưng họ đòi 20.000 đồng mỗi người. Tức quá bọn em trả lại thì người ta bảo lễ rồi, không trả lại được. Cảm giác lúc đó rất khó chịu, giống như mình vừa bị lừa”.
Đập mõ, chiếm động Mẫu
Phía bên phải chùa Giải Oan là động Mẫu có tiếng linh thiêng. Trong nội tự, tình trạng cũng diễn ra tương tự như đền Cửa Võng, nhưng có phần huyền bí hơn. Hai bên tả, hữu ban thờ chính có hai người tự xưng là “ông cậu” đứng bệ vệ bên mâm lộc thánh “chỉ mặt” khách để thu tiền. Không khó để nhận thấy nguồn thu từ lộc thánh của hai “ông cậu” là không nhỏ. Việc “kinh doanh” này diễn ra công khai, bất chấp sự phản ứng của các sư. Sư bác chùa Giải Oan Thích Đạo Hoằng cho biết: “Họ không cho sư sãi vào động. Thậm chí họ ở trong đó 24/24 giờ. Ban ngày họ đứng phát lộc. Buổi tối họ căng màn chiếu ngủ luôn trong đấy. Doanh thu của việc làm ăn phi pháp trong động Mẫu rất lớn”.
Chính sư bác Đạo Hoằng vì quá bức xúc đã không ít lần phản ứng với những “động chủ”. Kết quả là sư bác bị dọa dẫm. Thậm chí người nhà của các “động chủ” còn xông vào tận phòng ngủ của sư bác để… “mượn” cái mõ. Nghe sư bác trả lời cái mõ bị hỏng, những kẻ này đã lục lọi tìm bằng được cái mõ rồi mang ra giữa sân để… đập. Trước khi bỏ đi, những kẻ này còn dọa sư bác Đạo Hoằng nếu tiếp tục “lắm chuyện” sẽ cho “cái mõ đi hóa luôn”.
Trong quá trình tác nghiệp để ghi lại những hình ảnh về những kẻ mượn danh nhà chùa “buôn thần, bán thánh”, chúng tôi liên tục bị các đối tượng cản trở khi tác nghiệp. Nhiều phật tử phát tâm giúp việc tại chùa đã lo lắng khuyên chúng tôi nên “tránh” vì: “bọn họ ghê gớm lắm, lộng hành ở đây bao năm nhưng không ai làm gì được”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về sự việc này.