Cặp vợ chồng thiện nguyện

GN - Hơn chục lần chuyển nhà để hành nghề y, chữa bệnh cứu người, đôi vợ chồng tốt bụng vẫn đồng cam cộng khổ chỉ với mong muốn mang chút sức mọn giúp đời…

Cùng nhìn một hướng

Đam mê nghề y, dù xa xôi cách trở, họ cùng tìm đến mảnh đất đô hội Sài Thành để học nghề. Duyên phận đưa họ đến với nhau khi chị hơn anh đến 4 tuổi. Người ở Nha Trang, người ở tận Vĩnh Long. Khoảng cách địa lý và tuổi tác ban đầu là rào cản lớn nhất với anh chị.

Tuy nhiên, cùng niềm đam mê nghề nghiệp và tình yêu mãnh liệt, họ đã vượt qua tất cả khó khăn để sống bên nhau. Vừa lận đận kiếm sống, vừa cống hiến sức mình cho nghiệp “hành y giúp người”. Hiện nay, khi đến tuổi nghỉ hưu, họ vẫn hăng say bốc thuốc miễn phí cứu giúp những người nghèo khó không có điều kiện chữa bệnh tại chùa Lộc Thọ (TP.Nha Trang).

Hinh XH 909 Vo chong nghe y.jpg

Chị Phạm Thị Minh Huệ bốc thuốc cho bệnh nhân tại chùa Lộc Thọ

Căn nhà nhỏ tại tổ 7, thôn Lư Cấm (xã Ngọc Hiệp, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) chỉ vừa được xây cách đây 4 năm. Anh chị chỉ thoát khỏi cảnh ở nhà thuê suốt hơn chục năm. Để hạnh phúc đến bây giờ, anh chị đã phải trải qua quãng thời gian dài gian nan, trắc trở. Giờ đây, chị Phạm Thị Minh Huệ (1959) đã nghỉ hưu sau một thời gian dài làm ở các trạm xá y tế xã. Còn chồng chị là anh Nguyễn Văn Sơn (1963) vẫn đang hành nghề y tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Khánh Hòa.

Kể về nhân duyên hai người đến được với nhau, năm 1985, Trường Trung học Y dược Dân tộc mở lớp y sĩ, điều kiện vào trường chỉ cần học xong 12 nên chị nhanh tay đăng ký. “Đi làm về, thấy cảnh bố đau ốm mà ngành mình đang làm không giúp gì được bố lúc ốm đau.

Ra đường thì thấy nhiều người nghèo đau bệnh nhưng không có tiền chữa trị, tôi lại thấy đau lòng. Một phần nữa vì tôi đam mê ngành y từ nhỏ nên dù có từ bỏ công việc ổn định tôi vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê. Ban đầu, ba mẹ ngăn cản vì tuổi tôi cũng gọi là quá lứa học, hàng xóm và đồng nghiệp thì bảo tôi khùng, nhưng mặc kệ, tôi vẫn cứ học”, chị Huệ chia sẻ.

Năm 1986, chị Huệ một thân một mình vào Sài Gòn học nghề. Đây có lẽ là quyết định khiến chị vất vả sau này nhưng chị không bao giờ hối hận. Tại mảnh đất xa xôi này, chị đã tìm được một nửa đời mình. Vào học tại Trường Trung học Y dược Dân tộc là những chuỗi ngày chị được học và sống với đam mê của mình. Suốt 3 năm học, chị ở ký túc xá, chi phí ăn học chị đều tự lập với số tiền tích góp được suốt bao năm làm nghề kế toán trước đó.

Trải qua nhiều sóng gió, đám cưới giữa chàng trai miệt vườn và cô gái miền biển được diễn ra. Chính tình yêu nghề y, đam mê cứu giúp người bệnh đã gắn kết hai con người cách xa về địa lý và tuổi tác. Để rồi những ngày sau, họ đã cùng nhau vượt qua bao gian nan, vất cả để có hạnh phúc gia đình và nuôi lớn đam mê nghề nghiệp.

“Nghiệp” tình người

Năm 1990, tình yêu của anh chị đơm hoa kết trái với con gái đầu dễ thương. Để kỷ niệm duyên phận của hai người hai miền xa xôi nhưng lại nên nghĩa vợ chồng, anh chị quyết định đặt tên cho con rất đặc biệt - Nguyễn Phạm Nha Long Xuân Uyên. Lý giải cho cái tên này, anh Sơn nói: “Lấy họ của tôi và vợ ghép với địa danh quê quán hai người chúng tôi, Nha là Nha Trang, Long là Vĩnh Long, chúng tôi yêu nhau vào mùa xuân nên đặt là Xuân Uyên”. Hiện nay, Xuân Uyên đã ra trường và có việc làm ổn định tại TP.HCM.

Lúc mới cưới nhau, anh chị đưa nhau về Vĩnh Long sống. Ở được vài năm, anh chị về lại Nha Trang với cả chục năm ở nhà thuê. Năm 1998, anh chị sinh đứa con trai, tên Nguyễn Thiên Văn. Từ đó, kinh tế gia đình cũng càng khó khăn hơn. Anh Sơn làm dược ở Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Khánh Hòa.

Nhân duyên vào… chùa

Hai vợ chồng tần tảo sớm hôm lo cho hai con ăn học nên suốt thời gian dài, họ ở nhà thuê và chuyển trọ đến 5 lần. Đến năm 2012, khi con cái đã ổn định anh chị mới tự mua đất và xây cho mình một căn nhà nhỏ. Gắn bó những năm cuối của tuổi được hưởng hưu với nghề y ở trạm xá, khi về hưu, chị Huệ phát tâm vào chùa làm cô y sĩ chuyên bốc thuốc Nam, châm cứu chữa bệnh miễn phí cho người nghèo với sự giúp sức của chồng.

Đây là một nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng anh Sơn - chị Huệ. Nói về nhân duyên này, chị Huệ cho biết: “Một lần đi niệm Phật ở chùa Lộc Thọ, TP.Nha Trang, thấy phòng thuốc của chùa không ai trông coi.

Chị Huệ xin với các sư cô trong chùa vào đây phát triển phòng thuốc Nam, châm cứu giúp người nghèo tại địa phương”. Nhà chồng chị Huệ có truyền thống nghề thuốc Đông y, hai vợ chồng lại cùng học về y học cổ truyền, vì vậy những bài thuốc dân gian với những cây thuốc tự nhiên dễ tìm luôn là thứ thuốc tốt cho mọi người.

Gắn bó với phòng thuốc từ thiện ở chùa gần 4 năm nay, chị Huệ đã giúp biết bao người nghèo, trẻ em khó khăn khỏi bệnh tật. Tiếng lành đồn xa, nhiều người khó khăn đến chùa mong được chữa khỏi bệnh. Từ phòng thuốc đơn sơ, càng ngày phòng thuốc càng được mở rộng và đầu tư thêm giường và các thiết bị y tế với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm.

Tuy nhiên, công việc tìm nguyên liệu làm thuốc hoàn toàn phụ thuộc vào vợ chồng chị. Những cây thuốc như màn ri, cỏ mực, cỏ xước, lá từ bi… hai vợ chồng anh chị phải tự tay lặn lội đi khắp các bụi bờ, đồng cỏ để tìm hái. Sau khi hái về, những cây thuốc phải được phơi khô, cắt nhỏ và phơi đúng độ để lá vừa khô tới. Không được phơi lâu quá hoặc phơi chưa đủ nắng. Như vậy, cây thuốc mới bảo quản lâu được. Tiền được nhà hảo tâm ủng hộ, chị Huệ mua thêm thuốc Tây dự phòng.

Bệnh nhân tìm đến phòng thuốc từ thiện của chị Huệ phần lớn là con em của những người phụ hồ, bán vé số không có tiền chữa bệnh. Những bệnh thường gặp là cảm cúm, sốt, đau nhức, thấp khớp, ngoài ra những bệnh nặng hơn như đái tháo đường, xơ gan… chị Huệ cũng tận tâm chữa trị theo những bài thuốc dân gian.

Đặc biệt, chị Huệ còn có tay nghề châm cứu. Bà Nguyễn Thị Nhân, một bệnh nhân của phòng thuốc cho biết: “Tôi già yếu, nhà cũng không có điều kiện để điều trị bệnh thấp khớp, đau lưng nên khi nghe cô Huệ bốc thuốc, châm cứu miễn phí giúp người, tôi có qua nhờ điều trị. Một thời gian chữa bệnh, tôi đỡ hơn hẳn, tối ngủ ngon, không đau nhức khó ngủ như xưa. Thấy cô tận tình, tôi tích góp được ít đưa cô bồi dưỡng nhưng cô cương quyết không lấy, còn bảo nếu có tâm thì cứ bỏ vào thùng tùy hỷ, góp tiền cho chùa mua thuốc cho bệnh nhân là được rồi”.

Tuy nhiên, phòng thuốc vẫn còn thiếu thốn nhiều vị thuốc và dụng cụ y tế, đó là nỗi trăn trở của vợ chồng chị cũng như các sư cô ở chùa Lộc Thọ. Mong ước của chị là ngày càng cải thiện được cơ sở vật chất và thuốc men phong phú hơn. Chùa Lộc Thọ hiện nuôi dạy hơn 120 trẻ nghèo khó của những người xung quanh xã. Chăm sóc sức khỏe cho người nghèo cũng chính là nhiệm vụ của chị Huệ, của phòng thuốc từ thiện mà chị nhận chịu nhiều trọng trách.

Chị Huệ cho biết: “Tâm nguyện của tôi là mặc chiếc áo lam của Phật tử và gắn bó với nghề y cứu giúp người nghèo đến suốt đời. Khi nào mắt mờ, tay yếu thì thôi”. Suốt 4 năm qua, chị Huệ không nhận đồng lương nào, ngày nắng cũng như ngày mưa, chị vẫn đều đặn lên phòng thuốc ở chùa Lộc Thọ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Những ngày không đi làm thì chồng chị Huệ vẫn giúp chị đi tìm nguồn thuốc từ thiên nhiên. Nhìn cách chị chăm sóc các bệnh nhân tận tình, chúng tôi mới thấm thía câu nói trong dân gian “lương y như từ mẫu”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.