GN - “Dừng cuộc hành hương
trăng vàng nửa chiếc
bao mùa phong sương”.
Nó tách khỏi đoàn và dừng cuộc hành hương, lúc này nó nghĩ phải tìm chỗ tá túc qua đêm vì không thể tiếp tục được nữa, hy vọng lấy lại sức ngày mai sẽ cố gắng đuổi theo đoàn. Nó nghe tiếng bọn trẻ nói lúc to lúc nhỏ.
- Có con nhạn bị bắn rơi kìa.
- Mình đuổi theo tóm nó đi.
- Nó rơi vào thiền viện thì chắc không thể bắt được rồi.
- Mũi tên không biết trúng vào đâu mà sao nó vẫn còn bay được nhỉ…
Tiếng bọn trẻ theo gió văng vẳng bên tai, dù nó chẳng chú ý đến, toàn thân nó mệt nhừ và chỉ muốn tìm một nơi để nghỉ mà thôi.
Tranh minh họa từ internet
***
Mỗi năm một lần, nó cùng người thân và bạn bè hành hương về Nam, một phần để tránh cái lạnh cuối năm, một phần để ngắm phong cảnh hữu tình đây đó. Thiền viện này chẳng biết có từ bao giờ, nó nhớ hồi còn nhỏ đã theo cha mẹ qua đây, rồi khi cha mẹ mất nó theo những người thân và bạn bè nhiều lần qua đây. Đây là lần đầu tiên nó tách khỏi đoàn, dừng lại một mình. Nó cố gượng đi đến bờ hồ, bây giờ cơn đau giảm đi nhiều rồi, phong cảnh thiền viện thật tươi tắn và mát mẻ, đúng là trong rủi có may, nếu chẳng bị thương thì chưa chắc có dịp ghé qua đây thưởng ngoạn. Nó cảm thấy vui hơn và phấn chấn hơn khi nhớ đến câu chuyện Tái ông thất mã và nhận ra rằng trong đời chẳng có gì là tuyệt đối, tất cả những thứ đúng - sai, họa - phúc, được - mất, thành - bại… đều không có ranh giới và như huyễn mộng mà thôi.
Cái lạnh của tháng Chạp làm mặt nước trong hồ Tĩnh Tâm đọng lại thành phiến, có chỗ thì dày, có chỗ mỏng, có chỗ vẫn còn trạng thái bình thường. Ánh trăng bạc thượng tuần treo chênh chếch trên khung trời lam xám, làm cho người ta có cảm giác lạnh hơn… Tiếng chuông thu không ngân vang từng hồi, báo hiệu một ngày kết thúc. Cơn gió từ phương Bắc kéo về luồn vào khe núi rít lên những điệu vi vu, rồi gió vòng ngược ra rừng trúc, những chiếc lá vàng còn tiếc nuối cành xanh bị hất tung lên không, rồi nhẹ nhàng thả mình xuống:
“Ánh trăng thượng huyền
chạm vào phiến lá
hành khúc chuông thiêng”.
Tiếng chuông vẫn tiếp tục vang đều, phía xa tiếng nước từ con suối chảy vào hồ nghe róc rách, cơn đau làm nó thiếp đi và không nhận ra được gì nữa, đôi mắt nó nặng dần và khép lại…
***
“Tiếng hát đêm khuya
làm sao nỡ ngủ
ánh trăng, ô kìa!”.
Tiếng hát từ xa vẳng lại, mà có chắc là tiếng hát hay không, sao lúc thì nghe như tiếng suối chảy, lúc thì nghe như tiếng lá rơi, lúc thì nghe như tiếng ngái ngủ của đàn hạc bên kia cội tùng. Đúng rồi! Là tiếng hát - nó tự nhủ, nhưng rồi lại nghi ngờ… Tiếng hát từ đâu đến vậy? Từ rừng trúc, từ nguồn nước, từ ngọn gió hay từ chính cõi lòng của nó vang lên? Những nghi vấn cứ dồn dập kéo đến trong cơn mơ chập chờn.
Cuối cùng thì nó mặc kệ là tiếng gì, nó cứ nằm yên thưởng thức. Tuy có lúc to lúc nhỏ, lúc trầm lúc bổng nhưng nó nghe rất rõ, có chút gì đó ấm áp và nồng nàn như lời mẹ hát; có chút gì đó trong trắng và cô quạnh như tiếng rơi của sương đêm; có chút gì đó tủi hờn và vội vã như tiếng rụng của chiếc lá cuối mùa…
Đêm càng sâu, tiếng hát càng rõ. Nó nhớ mẹ. Tiếng hát làm nó nhớ mẹ. Ký ức về mẹ luôn đẹp trong nó và giờ đây nó thấy mẹ trở về, che chở cho nó. Ngày mẹ ra đi cũng vào tiết đông. Trước khi đi, mẹ có nhắc nhở nhiều điều và nó đều làm được tất cả những gì mẹ đã dạy. Nhưng có một điều nó chưa thực hiện, có lẽ việc bị thương và ghé vào thiền viện này là định mệnh để nó hoàn tất nhiệm vụ cuối cùng mà mẹ nó giao phó.
***
“Rát khô tiếng chổi
hòa nhịp chuông ngân
xuyên lòng đá cội”.
Tiếng chuông làm nó thức giấc, càng về sáng trời càng lạnh. Lần đầu tiên nó nghe tiếng hô thiền, lời kệ thật thanh thoát và sáng trong. Chắc chắn đây phải là tiếng của một vị sư phụ trẻ nhưng dường như đằng sau tiếng ngân là một nội lực hùng hậu, khó có thể diễn tả được, nó tập trung để lắng nghe và cảm nhận…
Lời hô thiền kết thúc, mọi thứ trong thiền viện bắt đầu vận hành. Các thiền sinh tập trung lên thiền đường tĩnh tọa, thiền chủ bắt đầu khai thị. Nó nghe lời khai thị mà chẳng hiểu được chút nào, ngôn ngữ nhà thiền sao khó hiểu đến vậy? Mà thực ra chẳng cần hiểu những điều đó để làm gì, lời đó có phải để dành cho nó đâu, nó có phải là thiền sinh đâu mà cần những lời khô khan ấy chứ, nó chỉ cần làm chính nó mà thôi. Một khi đã là chính mình thì không cần nghe từ bên ngoài, chỉ cần lắng nghe sự vận hành của tự thân, nhịp đập của trái tim là đủ. Mẹ nó từng dạy nó như vậy và lời đó chưa từng sai.
Vầng trăng ngả về Tây, phía Đông xuất hiện những ráng hồng, sao Mai vẫn còn lấp lánh. Nó đứng dậy vươn vai, những hạt sương bám trên mi mắt và trên bộ áo trắng tuyết thong dong rơi xuống. Tiếng chổi bắt đầu vang lên khắp thiền viện…
- Sư huynh!
- Chuyện gì?
- Đệ có chỗ không thông, tại sao Mã tổ Đạo Nhất ngắt mũi ngài Hoài Hải khi bầy nhạn bay qua?
- Bầy nhạn bay qua là việc của bầy nhạn, Mã tổ ngắt mũi là việc của Mã tổ, Hoài Hải có đau hay không cũng chẳng ăn thua gì đến đệ, thắc mắc làm gì?
Thấy sư đệ ngơ ngác, vị sư huynh dùng chổi đánh vào mông sư đệ:
- Vẫn chưa hiểu hả! Vậy đệ đến bờ hồ, có con nhạn bị thương nằm ở đó từ hôm qua, đến mà hỏi nó đi!
Người sư đệ định bước đi thì vị sư huynh kêu:
- Sư đệ! Quét rác đi!
Sư đệ đứng ngẩn người ra…
***
Tia nắng ban mai lấp lánh, những hạt sương lặng lẽ hóa kiếp. Vết thương đã thôi chảy máu, nó vung đôi cánh và bay vào hư không. Nó thấy sự tiếc nuối trong ánh mắt của người sư đệ và sự huyền bí trong nụ cười của vị sư huynh.
Giữa khung trời bao la, nó hít thật sâu luồng không khí trong lành và cảm thấy thanh thản vô cùng, dòng họ nhạn của nhà nó đã tạo ra kỳ tích - một công án, một giai thoại cho nhà thiền. Như vậy nhiệm vụ cuối cùng mà mẹ giao đi tìm hiểu, nó đã hoàn thành.
Nó định bay thật nhanh để đuổi kịp bầy đàn và kể cho bạn bè nghe nhưng nó nghĩ lại, có gì mà phải tự hào về điều đó, sự giác ngộ của tha nhân có liên quan gì đến bản thân mình đâu… Dòng suy nghĩ tiếp tục tuôn chảy miên man trong đầu nó… Càng lên cao đôi cánh càng tự do, thân nó hòa cùng mây trắng, bất chợt nó thấy lòng rỗng rang rồi biến tan vào hư không tịch tĩnh:
“Cánh nhạn đi rồi
dư âm còn lại
nhịp hồng tim tôi”.