Cảnh giác trước hành vi lợi dụng danh nghĩa Giáo hội

GN - Đó là kết luận gửi tới Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành, Tăng Ni, Phật tử VN - nêu trong Công văn số 479/CV.HĐTS, do TT.Thích Thiện Thống, Phó Tổng Thư ký HĐTS, Chánh VP II TƯGH ký ngày 17-12 vừa qua.

Công văn được phát đi sau khi Giác Ngộ online ngày 15-12 đăng tải thông tin một cá nhân lấy danh nghĩa Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) trong một tờ gấp  quảng cáo hành hương Myanmar...

1poster.jpg


Một cá nhân làm dịch vụ du lịch tự tiện nhân danh Giáo hội - Ảnh: N.Danh

Từ một tờ gấp quảng cáo mượn danh Giáo hội

Cụ thể là tờ gấp  quảng cáo “Hành hương chắp cánh ước mơ” - tham dự Đại lễ Mahadana đại thí tại rừng thiền Pa.auk - kết hợp tham quan 4 thành phố lớn tại Myanmar là Yangon, Bago, Kyaikhtiyo, Mawlamyine, tổ chức vào ngày 10-2-2017.

Theo đó, tờ gấp  này nêu rõ, trưởng ban tổ chức tour hành hương là sư Tuệ Niệm đang tu tập tại thiền viện Pháp Tuệ - Myanmar (cung cấp cả số điện thoại, Facebook - PV) nhưng lại để địa chỉ tổ chức là GHPGVN. Mặt khác, ngoài địa chỉ tổ chức GHPGVN thì trên đây còn... dời trụ sở GHPGVN xuống số 368 suối Tân Cang, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai!

Vì vụ việc nói trên để địa chỉ ở Đồng Nai và trùng với địa chỉ của thiền viện Phước Sơn nên PV Giác Ngộ đã liên hệ với TT.Thích Bửu Chánh, Phó BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, viện chủ thiền viện Phước Sơn (368 ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để xác minh. Qua trao đổi, Thượng tọa cho biết: “sư Tuệ Niệm (Facebook Ngo Hoang Sang) không sinh hoạt ở chùa Phước Sơn, cũng như Phật giáo Đồng Nai”.

TT.Thích Bửu Chánh còn cho biết, khi thấy nội dung sư Tuệ Niệm đăng trên Facebook với thông tin địa chỉ tổ chức là GHPGVN (368 ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Thượng tọa đã từng liên lạc để nhắc nhở vị này về việc lạm xưng đó.

Tiếp tục liên lạc với số điện thoại trên tờ gấp  quảng cáo về chuyến hành hương Myanmar, người bắt máy cuộc gọi cho PV Giác Ngộ biết mình tên là sư Tuệ Niệm. Khi hỏi về thông tin đơn vị tổ chức có phải là GHPGVN tại địa chỉ như đã cho in và phát hàng loạt tại một sự kiện buffet chay hay không thì vị này nói, chương trình do quý sư tu học tại thiền viện Pháp Tuệ - Myanmar tổ chức, không phải do Giáo hội tổ chức. Đồng thời, vị ấy còn giới thiệu thêm rằng, nếu muốn tham dự thì đến… chùa Bửu Quang (Thủ Đức) để đăng ký.

Khi được hỏi tại sao thông tin trên tờ gấp quảng cáo là ở xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai mà bây giờ lại đổi địa điểm thì nhận được phân trần qua điện thoại: “Do ở Đồng Nai xa quá sẽ khó khăn cho Phật tử đăng ký nên chuyển về TP.HCM để… thuận tiện hơn”.

Nắm thông tin do Giác Ngộ online đăng ngày 15-12, TT.Thích Thiện Thống đã tìm hiểu vụ việc và ký công văn như nói trên, nêu rõ ý kiến của TƯGH, với nội dung xác quyết gồm 4 điểm chính:

1. Trụ sở GHPGVN đặt tại địa chỉ chùa Quán Sứ, số 73 phố Quán Sứ, Hà Nội; Văn phòng Thường trực tại phía Nam (Văn phòng II T.Ư) đặt tại thiền viện Quảng Đức, số 294 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.Hồ Chí Minh.

2. Địa chỉ của GHPGVN tại số 368 suối Tân Cang, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là giả mạo.

3. Tờ gấp  quảng cáo “Hành hương chắp cánh ước mơ” có địa chỉ tổ chức GHPGVN tại số 368 suối Tân Cang, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai của sư Tuệ Niệm là hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng danh nghĩa của tổ chức Giáo hội để hoạt động cá nhân khi chưa có sự cho phép của GHPGVN.

4. Sau khi tìm hiểu, sư Tuệ Niệm tu học theo truyền thống Nam tông, là người Việt Nam sang Myanmar xuất gia, có tên khai sinh là Ngô Hoàng Sang, gia đình đang ở quận 10, TP.Hồ Chí Minh. Việc cá nhân sư Tuệ Niệm tổ chức hành hương Myanmar dưới danh xưng tổ chức GHPGVN là vi phạm pháp luật.

Đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin liên quan tới Giáo hội

Việc Văn phòng II TƯGH nhanh chóng có phản hồi trước thông tin được các báo, trong đó có Giác Ngộ đăng tải về những vụ việc liên quan tới Giáo hội lẫn Tăng Ni, Phật tử... đã đáp ứng được nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử, người đọc - thể hiện sự lắng nghe tiếng nói từ phía các cơ quan truyền thông, dư luận. Trước đó, trong loạt bài ghi nhận “Gửi gắm với GHPGVN tuổi 35”, ngoài các trăn trở về nghi lễ, giáo dục Tăng Ni, pháp phục, thì nội dung phát ngôn của Giáo hội được nhiều người đặc biệt quan tâm.

Có thể dẫn ra đây một số ý kiến gần như trùng nhau nhưng rất thực tế, nóng bỏng, cấp bách: “Đối với người làm mảng thông tin - truyền thông phải có kỹ năng về viết lách, về công nghệ, tốt nghiệp cử nhân, biết xử lý khủng hoảng truyền thông, am tường về Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự, phải có trình độ về Phật học, biết rõ về đường lối chủ trương của Nhà nước”, TT.Thích Quảng Tánh, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN huyện Củ Chi bày tỏ. 

TT.Thích Thiện Tài, Trưởng BTS PG Q.8 ưu tư: “Trước những vấn đề thông tin nhạy cảm hiện nay liên quan tới Phật giáo, Giáo hội còn chậm phản ứng so với đại lộ thông tin diễn ra mỗi lúc càng phức tạp, nhất là với việc tùy tiện khai thác, chia sẻ thông tin chùa chiền, Tăng Ni một cách lệch lạc, không chính xác - dẫn đến tình trạng hiểu lầm, nhận định không đúng về Phật giáo, Tăng Ni, ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của Giáo hội”.

Và, TT.Thích Thiện Tài đề nghị: “Tôi khẩn thiết mong muốn Giáo hội cần có cơ chế phát ngôn kịp thời, tránh gây hiểu lầm đáng tiếc, ảnh hưởng tới thanh danh của Giáo hội và Phật giáo”.

Trong khi đó, ĐĐ.Thích Lệ Tâm, Chánh Thư ký BTS PG huyện Hóc Môn góp ý, Ban Thông tin - Truyền thông T.Ư của Giáo hội cần có phản ứng nhanh để định hướng thông tin cho dư luận khi có vụ việc liên quan đến Phật giáo xảy ra, từ đó tránh những cơ quan thông tấn ở ngoài đổ đồng tất cả - chẳng hạn như vụ việc ở chùa Bửu Quang hay Thái Nguyên gần đây.

“Giáo hội cần có cơ chế phát ngôn để định hướng dư luận, tránh những xuyên tạc làm mất lòng tin nơi tín đồ, cũng như ngoại đạo có cơ hội dèm pha về tính nghiêm minh trong việc lựa chọn người xuất gia của Phật giáo”, Đại đức bày tỏ.

Từ vụ việc cụ thể trên và tìm lại những chia sẻ chân thành của chư tôn thiền đức quan tâm, mong muốn một diện mạo Phật giáo nhập thế trong thời hiện đại - không thể tách khỏi dòng chảy cuộc sống vốn đầy ắp thông tin, chuyển tải nhanh nhạy trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện - và việc Giáo hội có “câu trả lời” nhanh, cụ thể trong những vấn đề liên quan có thể đặt niềm tin rằng, hoạt động của Phật giáo đã hòa vào dòng chảy đó. Đây là tín hiệu đáng mừng, để mỗi hoạt động của bất cứ cá nhân nào nhân danh Phật giáo hoặc mượn danh Giáo hội đều có thể cân nhắc, chùn tay.

Thay vì im lặng để... ai hiểu sao cũng được, ai làm gì thì làm (ngay cả lạm xưng danh nghĩa Giáo hội, nhà chùa, Tăng Ni), gây ra những hiểu lầm không đáng có thì giữa những luồng thông tin ác ý (kiểu giật tít câu view khi cứ cố tình đánh lận ngôn từ nhà sư khi thấy một người gây án ở chùa tại Thủ Đức mới đây chẳng hạn) thì Giáo hội đã ra công văn hoặc cần thiết thì tổ chức họp báo trong thời gian sớm nhất có thể để đính chính thông tin. Như đã nói, tin tức thời công nghệ nhanh nhạy, nên ai cũng có thể tung ra nội dung (đôi khi rất bất lợi cho Phật giáo, gây phương hại đến hình ảnh người xuất gia, Phật tử) - có thể do thiếu thận trọng, thiếu hiểu biết hoặc nhiều khi là cố tình - thì công tác phát ngôn của Giáo hội trở nên cần thiết, cấp bách hơn hết.

Dân gian có câu nói xây thì lâu chứ phá trong chốc lát. Trong trường hợp này, hình ảnh của Tăng đoàn, Giáo hội, của chùa... được dựng xây bằng nỗ lực, tâm huyết của nhiều thế hệ, nhưng nếu không gìn giữ (trong đó có biện pháp minh bạch thông tin gây hiểu lầm, sai lệch, thông tin của cá nhân bị quy chụp thành tất cả...) quả thực rất nguy hiểm. Tất nhiên, ngoài vai trò của Giáo hội, thì như nội dung Công văn số 479/CV.HĐTS ngày 17-12: Toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong nước và ở nước ngoài cần cảnh giác trước những hành vi lợi dụng danh nghĩa GHPGVN. Cảnh giác bằng cách tiếp nhận tin tức cần có khoảng dừng để phân tích, xử lý chứ đừng vội tin ngay, nghe theo một cách mù quáng.

Đồng thời, khi phát hiện những hành vi lạm dụng danh nghĩa Giáo hội hoặc Phật giáo nói chung thì thông tin ngay tới các văn phòng TƯGH hoặc BTS PG các tỉnh thành liên quan vụ việc. Để sự kết nối đó được thực thi tốt thì bộ phận văn phòng - tiếp nhận thông tin của Tăng Ni, Phật tử, người dân phải hoạt động tốt bằng cơ chế luôn luôn lắng nghe, nhanh chóng phân tích, xử lý, đính chính kịp thời nhằm chặn đứng sự suy diễn, phát tán của nguồn tin sai, độc hại!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.