Cẩn trọng để không gieo thêm nỗi bất an

GN - Sau gần 100 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, Việt Nam đã và đang bước vào đợt chống dịch thứ 2 với số ca lây nhiễm tăng nhanh, xuất hiện một vài ca tử vong trên nền bệnh lý nặng. Tại Đà Nẵng, tình trạng giãn cách xã hội đã nhanh chóng được thiết lập từ những ngày đầu bùng phát dịch, các hoạt động phòng chống đang được khẩn trương tiến hành.

bacsi.jpg
Nhiều tỉnh thành chi viện y bác sĩ cho Đà Nẵng, Quảng Nam, chung tay dập dịch. Trong ảnh, đoàn y bác sĩ tỉnh Bình Định tới Đà Nẵng hỗ trợ dập dịch chiều 6-8 - Ảnh: Tấn Lực/ TTO

Trong đợt dịch này, chúng ta có cơ hội chứng kiến sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của người dân Đà Nẵng cũng như trên khắp mọi miền đất nước. Những lời động viên, khích lệ hướng về “tâm dịch” liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội; nhu yếu phẩm được người dân tự nguyện đưa tới các bệnh viện phong tỏa với mong muốn tiếp sức cho những người đang ở nơi tuyến đầu; lời kêu gọi, phát động đóng góp mua sắm trang thiết bị y tế hỗ trợ cho các bệnh viện được nhiều tổ chức, cá nhân liên tục đưa ra,… Những ngày qua, có lẽ mấy mươi triệu người Việt Nam, không ai là không cảm nhận được một điều thật rõ ràng: Chúng ta là một!

Mặc dù vậy, với tốc độ lây nhiễm Covid-19 nhanh và khó lường hơn rất nhiều so với đợt dịch trước, sự lo lắng đã và đang bao trùm lên toàn xã hội. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tình hình dịch bệnh chiếm vị trí chủ đạo. Người dân quan tâm và tiên tục cập nhật những thông tin về diễn biến của các ca bệnh, số lượng ca nhiễm mới hoặc tử vong, tình hình tại các địa phương có người nhiễm Covid-19 nhằm chuẩn bị biện pháp đề phòng, bảo vệ tốt nhất cho bản thân và gia đình.

Đây cũng chính là cơ hội để nạn tin giả hoành hành. Còn nhớ giữa đợt dịch Covid-19 vào đầu năm nay, hàng loạt thông tin, bình luận, đánh giá tiêu cực về tình hình dịch bệnh liên tục được truyền đi, tất cả không quên gắn thêm những cái “mác” như “tin nội bộ” hay “tin từ người nhà làm ở một ban, ngành cấp cao” nào đó… Những thông tin, số liệu thiếu kiểm chứng liên tục được chia sẻ, chuyền tay nhau trên Facebook gây nên không ít hoang mang, sợ hãi trong cộng đồng. Và hiện nay, trong không khí khẩn trương chống dịch trên cả nước, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn.

Bên cạnh sự lo lắng thái quá, việc mong muốn trở thành người thạo tin là điều không khó để tìm thấy ở nhiều người, đó chính là một trong những chất xúc tác khiến tình trạng tin giả tiếp tục hoành hành mỗi khi có một biến cố, sự kiện gì xảy đến. Cơ quan chức năng đã có những biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn tình trạng nói trên, tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở ý thức của từng cá nhân trong việc lựa chọn, tiếp cận và chia sẻ thông tin.

Đạo Phật luôn nhắc nhở con người phải luôn cẩn trọng về 3 nghiệp thân, khẩu, ý. Năm giới, nền tảng căn bản của một Phật tử được đặt ra cũng không ngoài việc ngăn ngừa con người sa vào những sai trái trong hành động, lời nói và ý nghĩ của mình. Nếu suy xét một cách thấu đáo về tác động, sự bất an mà mình có thể gây ra cho người khác khi lan truyền những điều tiêu cực, thiếu kiểm chứng, chắc chắn mỗi chúng ta sẽ cẩn trọng và tự chủ hơn với mỗi cái bấm nút “share” hay “send” thông tin nào đó cho những người xung quanh. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.