GN - Trong phiên họp kiểm điểm lại công tác đã thực hiện trước thềm Đại hội đại biểu MTTQVN TP.HCM lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2019-2024), Tổ Tư vấn Tôn giáo thuộc Ủy ban MTTQVN TP đã thống nhất nhiều nội dung. Đặc biệt, hướng tới tương lai, chúng tôi cũng đã thảo luận và đề xuất một số vấn đề nhằm mục đích xây dựng thành phố văn minh, nghĩa tình và hiện đại.
Quang cảnh lễ khai mạc Đại hội MTTQVN TP.HCM lần thứ 11 - Ảnh: Bảo Toàn
Trọng tâm vấn đề này có thể nói chính là mong muốn Ủy ban MTTQVN TP cần chủ động hơn trong việc vận động, thuyết phục các tổ chức thành viên, trong đó có các tổ chức tôn giáo, từng bước loại bỏ các hủ tục được xác nhận là mê tín dị đoan, hoặc các nếp sinh hoạt tín ngưỡng không phù hợp với xã hội hiện đại, một cách căn cơ và toàn diện.
Đó là vào trước các dịp đặc biệt như trước Tết Nguyên đán, hoặc trước các ngày lễ trọng truyền thống, rằm tháng Bảy âm lịch v.v…, MTTQ cần có chương trình đến làm việc với các tổ chức tôn giáo, tổ chức các cuộc họp mặt các chức sắc, chức việc; đối với Phật giáo là chư Tăng, Ni trụ trì các tự viện, tịnh xá theo các quận, huyện, rồi toàn thành phố để phổ biến các chính sách tín ngưỡng tốt đẹp như cải cách trong lễ nghi như tang gia, cưới xin, cúng kiếng..., để qua các vị Tăng Ni đó giải thích cho tín đồ nhằm chuyển đổi các sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo ảnh hưởng tam giáo cũng như tín ngưỡng dân gian, loại bỏ hủ tục đốt vàng mã, rải vàng mã trong đám tang, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp…
Chẳng hạn như tại TP.HCM, trong nhiều năm qua, với sự lãnh đạo của Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Trưởng BTS Phật giáo thành phố, ngài đã chủ trương thực hiện Pháp hội Dược Sư thay cho nghi lễ dâng sao giải hạn, và chủ trương này đang được hưởng ứng nhiều nơi.
Cùng với việc đó, MTTQ cũng nên chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng về quản lý văn hóa, nắm bắt tình hình cụ thể của các quận, huyện, đặc điểm cộng đồng dân cư ở thành phố, có phương thức tiếp cận và vận động từng hộ thực hiện nếp sống văn minh với các quy chuẩn được diễn đạt cụ thể, đơn giản dễ hiểu. Tùy theo hoàn cảnh, có thể cử các thành viên của MTTQ phù hợp cùng tham dự để vận động, thuyết phục.
Tôi nghĩ nếu chúng ta có sự chủ động như thế, thì sẽ đạt được hiệu quả trong cuộc vận động người dân, trong đó có các cộng đồng nhân dân có tín ngưỡng tôn giáo một cách đồng bộ, tạo sự hoan hỷ và chính sự hoan hỷ đó mới có thể chuyển hóa thói quen tín ngưỡng, những việc làm đã trở thành tập tục trong dân gian.
Một vấn đề khác, liên quan tới văn hóa tôn giáo mà tôi muốn nói ở đây, đó là tình trạng các cơ sở sản xuất mỹ nghệ, kinh doanh hàng hóa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo trong hoàn cảnh tự phát, dường như không có quy hoạch, hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Việc các cơ sở này tạo các hình tượng Phật, Chúa… và trưng bày dọc đường, vỉa hè ngổn ngang, tự sản xuất cũng có mà nhập cũng có, mẫu thì lấy chỗ nọ, sao chép từ chỗ kia… vô hình trung làm hỗn loạn, phá hỏng cả đặc trưng mỹ thuật truyền thống dân tộc, lại gây mất mỹ quan đô thị, không có sự tôn nghiêm cần thiết đối với các hình tượng thiêng liêng của tôn giáo.
Thiết nghĩ, MTTQ nên có sự phối hợp với những cơ quan chức năng về quản lý văn hóa gặp gỡ và có quy định, từng bước hướng dẫn, cung cấp biểu mẫu và giải thích với người dân, để có sự điều chỉnh từng bước, có quy hoạch theo vùng, khu vực, làm sao không ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ nghệ dạng này, đồng thời định hướng thị hiếu, lại góp phần tạo nên bộ mặt của một đô thị văn minh, tôn trọng truyền thống và các biểu tượng, giá trị tôn giáo, tín ngưỡng.
Cũng cách làm đó, đối với việc vận động giảm và hướng tới việc bỏ tục đốt vàng mã, chúng ta cũng nên vừa vận động, giải thích người dân có tín ngưỡng; đồng thời có sự làm việc, chuyển đổi nghề, hoặc chuyển đổi sản phẩm đối với các hộ gia đình mưu sinh bằng việc làm này. Như vậy thì việc vận động toàn dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị mới có tính căn cơ, thiết thực, hiệu quả.