GN - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình lúc nào cũng đề cao việc thành công trong công việc và đạt thành quả trong học tập nên mình lúc nào cũng muốn thành công.
Lâu ngày, mình bỗng dưng trở nên ‘ghiền’ sự thành đạt. Ai cũng bảo mình có tài nên phải làm cái này, làm cái nọ. Vì muốn chìu lòng mọi người nên mình cứ làm theo, cứ nghĩ đó là điều tốt nhất cho mình, chứ không hề nghĩ gì về những nhu cầu thật sự cho mình.
Có những thứ bạn nghĩ mình muốn nhưng có thể là những thứ bạn không cần. Vì bản chất tham lam nên đôi khi mình thèm muốn rất nhiều thứ mới thỏa mãn được bản ngã của mình. Nhưng đáng tiếc là mình sẽ không bao giờ được mãn nguyện vì bản tính mau chán với những thứ mình đang có, dù là phải tốn rất nhiều công sức và thời gian để có được.
Như vậy có gì khác biệt giữa cần và muốn. Cần là một cái gì đó bạn cần phải có, bạn không thể sống thiếu chúng. Ví dụ như là bạn cần ăn. Bạn có thể nhịn ăn vài ngày, nhưng cuối cùng, bạn cần phải ăn. Bạn không cần phải có nhiều thực phẩm, nhưng bạn chắc chắn cần phải ăn để sống. Muốn là bạn thích có một cái gì đó. Nó không nhất thiết là cần thiết, nhưng có nó là một điều hay. Một ví dụ điển hình như là âm nhạc. Có người sẽ tranh cãi là âm nhạc rất cần cho sự sống bởi vì họ không thể sống thiếu âm nhạc. Nhưng chúng ta không cần âm nhạc để sống còn; ngược lại, chúng ta cần ăn.
Sở dĩ phải dông dài về cần và muốn vì chúng ta thường hay lẫn lộn giữa hai thứ này. Có thứ mình nghĩ mình cần thì hóa ra là thứ mình thích, mình muốn. Có thứ mình không thích, không muốn nhưng lại cần phải có. Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe tiếng trẻ con la khóc trong tiệm bán thức ăn hay bán đồ chơi, v.v… đòi ba mẹ mua cho món hàng mà chúng muốn. Lúc đó, mình cảm thấy mừng vì đó không phải là con mình. Mình không phải bị đau đầu về những chuyện đó. Nhưng thực ra, đôi lúc mình cũng phải dằn lòng, không la khóc như trẻ con, vì có những món đồ mình thích quá mà mình không cần.
Tuy nhiên, bất kể là cần hay không, mình có quyền mua thứ mình thích muốn. Chúng ta đôi lúc cũng có cái cảm giác thèm khát đến tuyệt vọng phải có món đồ đó trong tay giống như đứa trẻ vậy!
Ngoài những thứ cần thiết cho đời sống như thức ăn, quần áo, thuốc men, nhà ở, tất cả những thứ khác đều là thứ mình muốn chứ không cần. Đương nhiên mình có thể thích một ngôi nhà đẹp và sang, ăn ngon, mặc đẹp.... Nhưng đó là những thứ mình muốn chứ không phải nhu cầu cần thiết. Khi chúng ta bắt đầu nhìn kỹ những thứ mình đang có và sẽ có, mà mình cho là cần thiết, chúng ta sẽ thấy có bao nhiêu thứ mình mua chỉ vì mình thích; và rồi bạn mới nhận ra rằng có bao nhiêu thứ mà mình có thể loại bỏ mà vẫn sống an lạc như thường.
Có những thứ mình không nhất thiết phải có. Chẳng hạn mình cần một chiếc xe để đi làm, sinh hoạt cho đời sống. Một chiếc xe tương đối tốt, ít bị hư hỏng, sạch sẽ một chút. Nhưng mình không cần phải có một chiếc xe sang trọng, đắt tiền. Quần áo cũng vậy. Chúng ta cũng nên có dăm ba bộ đồ coi được để đi ăn nói, tiệc tùng với đời. Nhưng không cần phải có cả trăm bộ để thay đổi mỗi ngày. Nếu mình chưa phải là người tu hành, xa lìa thế gian thì muốn một chút ít không có gì là tổn hại cả. Nhưng nếu thứ mình ưa muốn lại biến thành gánh nặng cho đời sống thì đó là điều mình nên xét lại.
Nhớ lại, khi mới bắt đầu bước chân đến xứ người, ai trong chúng ta hầu như là hoàn toàn tay trắng. Chúng ta mơ ước có một ngôi nhà tạm dung thân và công ăn việc làm để sinh sống qua ngày. Nhưng dần dà về lâu, nhu cầu của chúng ta bắt đầu thay đổi một cách đáng kinh ngạc. Mình giờ đây không thể sống thiếu những thứ như tủ lạnh, truyền hình, điện thoại di động, máy vi tính, v.v… Thậm chí những thứ lỉnh kỉnh như thức ăn ngon, quần áo sang đẹp, giầy dép thoải mái, trang sức đắt tiền… cũng đều là những nhu cầu mình không thể thiếu trong đời sống.
Chính vì cái danh mục, mà trước đây không có trong nhu cầu cần thiết của mình, nay bỗng dưng không thể thiếu được. Vợ chồng, con cái lục đục với nhau vì cái danh mục cần thiết này. Rồi để cung phụng cho cái nhu cầu đó chúng ta làm việc đầu tắt mặt tối, ngày đêm để lo chi trả. Cho nên việc ngồi xem lại cái danh mục đó để phân tích kỹ xem cái gì thực sự là cần thiết tối thiểu cho mình và cho gia đình, là một việc nên làm.
Trong kinh Bát đại nhân giác có dạy:
Hai là giác ngộ
Đa dục là khổ
Sinh tử nhọc nhằn
Đều do tham dục
Thiểu dục vô vi
Thân tâm tự tại.
(Sư ông Làng Mai dịch)
Càng lắm ham muốn thì càng nhiều khổ đau. Định luật này xưa nay chưa hề sai. Nhưng hình như tham đắm là nghiệp dĩ của con người! Theo đạo Phật, tham muốn có năm loại: tiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn ngon, ngủ nghỉ. Ai trong chúng ta cũng đều muốn càng nhiều năm thứ này càng tốt vì chúng ta cho rằng đây là những thứ mang lại hạnh phúc. Thoạt tiên, khi chưa có gì mình chỉ muốn được một thứ thôi, như tiền tài, là đủ rồi. Nhưng dần dần, chỉ tiền tài không thôi chưa đủ, chúng ta cần phải có hầu như tất cả năm thứ trên mới hoàn toàn mãn nguyện, hoàn toàn hạnh phúc.
Cái hạnh phúc ảo tưởng dựa trên vật chất này đã khiến mình lao đao, đau khổ không biết bao nhiêu lần! Vì sống trong cái thế giới vô thường, luôn luôn biến đổi, ngay cả cái mình rất thích, rất muốn có hôm nay sẽ không còn thích nữa ngày mai. Tại sao mình muốn phải có cái đó để rồi sau này lại ruồng bỏ vì không còn thích nữa? Cái hạnh phúc mình mơ tưởng da diết chỉ tồn tại như bong bóng nước, vì còn tùy thuộc vào việc mình có còn thích muốn nó nữa hay không?
Như vậy, hạnh phúc hay không là tùy thuộc nơi tâm mình. Hễ lòng mình không còn tham muốn nữa thì vật đó sẽ không còn khiến mình đau khổ được nữa.
Thiểu dục, tri túc chính là liều thuốc trị căn bệnh tham dục. Để hiểu nghĩa của thiểu dục, tri túc chúng ta phải xét kỹ cái gì mình thật sự cần và cái gì mình thật sự muốn. Sở dĩ mình phải bỏ công suy xét vì những thứ này có ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc trong đời sống của mình, và của cả gia đình mình nữa!
Như Phật dạy, ngoài những nhu cầu căn bản cần thiết như thức ăn, nhà ở, quần áo, thuốc men, tất cả mọi thứ khác đều là do tham dục tạo nên. Người biết đủ sẽ thấy lòng mình mãn nguyện với những thứ mình đang có và sẽ ít bị quấy nhiễu, khổ đau do tham muốn gây ra.