GN - Hơn 70 bài tham luận với nhiều vấn đề bức thiết của chư tôn đức phụ trách ngành từ thiện xã hội toàn quốc, quý học giả, các nhà nghiên cứu được gởi đến Hội thảo “Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện”.
Sự kiện này do Ban Từ thiện xã hội (TTXH) T.Ư GHPGVN, UBTƯ MTTQVN cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV) Hà Nội phối hợp tổ chức tại TP.Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) trong 2 ngày 14, 15-6. 16 tham luận được trình bày trước toàn thể đại biểu cùng hơn 10 ý kiến thảo luận trực tiếp và vấn đề được nêu ra, quan tâm nhiều nhất đó là nhu cầu chuyên nghiệp hóa hoạt động công tác xã hội Phật giáo.
Toàn cảnh phiên làm việc của Hội thảo - Ảnh: Minh Triết
Nhiều manh mún và bất cập
Là một trong những bài tham luận chính của hội thảo, đăng đàn trình bày, PGS.TS Trần Thị Kim Oanh, Chủ nhiệm Bộ môn Tôn giáo học, ĐH KHXH&NV Hà Nội nêu lên các kết quả và thực trạng của công tác xã hội và từ thiện Phật giáo, qua góc nhìn từ Cơ sở Bồ Đề (Q.Long Biên, Hà Nội).
Bằng những trải nghiệm thực tế, tổng hợp và phân tích sau một thời gian nghiên cứu, nhà khoa học của Trường ĐH KHXH&NV tại thủ đô cho rằng, ngoài những thành quả trong công tác cứu trợ nhân đạo, thực hiện an sinh xã hội, chăm nuôi trẻ mồ côi và người già không nơi nương tựa; được người dân và chính quyền ủng hộ, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của địa phương, cơ sở xã hội chùa Bồ Đề có nhiều hạn chế phổ biến.
Theo đó, bà Kim Oanh khẳng định, hoạt động xã hội, từ thiện của chùa Bồ Đề chỉ phát triển mạnh ở bề nổi, chưa thực sự đi vào chiều sâu khi chưa có lộ trình để đối tượng thụ hưởng có một nơi ở, một nghề nghiệp ổn định cho cuộc sống, có nguồn thu nhập thường xuyên, có hướng tương lai khi trưởng thành, chưa có chế độ dinh dưỡng...; còn manh mún, tự phát, chưa hệ thống, bài bản và thật sự có chất lượng vì chủ yếu trong chùa có gì thì ăn nấy hoặc nhờ cậy vào sự quyên góp, giúp đỡ nuôi nấng của các Phật tử hay đến chùa hay người dân quanh chùa; điều kiện cơ sở vật chất không đủ đáp ứng, đội ngũ làm công tác chăm sóc lại thiếu tính chuyên nghiệp.
Không những thế, về mặt tổ chức, tại đây những người đứng đầu cơ sở từ thiện đôi khi cũng không nắm bắt được hết các hoạt động diễn ra ở cơ sở mình; giao các công việc cụ thể cho các cá nhân khác thực hiện (có khi là chư Ni, có khi là Phật tử…), tuy nhiên lại không kiểm tra, giám sát được chặt chẽ, thường xuyên.
“Công tác từ thiện tại chùa Bồ Đề, quận Long Biên chưa có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương và các cơ sở từ thiện Phật giáo khác trong nước, đặc biệt chưa có sự hỗ trợ tích cực từ phía Giáo hội”, bà Kim Oanh nhấn mạnh.
Đối với cơ sở khám chữa bệnh từ thiện Phật giáo, bên cạnh các kết quả khả quan trước mắt, cũng gặp không ít khó khăn và rào cản. Phát biểu về nội dung này, TT.Thích Tuệ Tâm, Giám đốc Trung tâm Kế thừa Y học cổ truyền (YHCT) Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa (Thừa Thiên Huế) cho hay, là một tổ chức khám bệnh từ thiện nhưng khi xin giấy phép hoạt động, cơ quan có thẩm quyền đã căn cứ khoản 1, Điều 46 Luật Khám chữa bệnh về điều kiện để được cấp giấy, đã buộc cơ sở phải thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, đóng thuế kinh doanh theo quy định. “Chúng tôi thiết nghĩ, đã làm từ thiện rồi mà còn bị đóng thuế nữa thì chúng tôi không biết nói làm sao cả”, TT.Thích Tuệ Tâm chua chát phát biểu.
Không những thế, theo vị giáo phẩm phụ trách cơ sở Liên Hoa này, trong công tác y tế lưu động, cơ sở thường đem một số thuốc tự sản xuất, bào chế dạng cao đơn hoàn tán được Sở Y tế cấp phép lưu hành nội bộ để cấp phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo thì bị cấm với lý do như thế là đưa thuốc ra thị trường; một số nhân viên của cơ sở đã tốt nghiệp lớp y sĩ YHCT chính quy và đăng ký học liên thông lên đại học YHCT, cơ sở sẽ chịu mọi kinh phí nhưng ngành y tế tại Huế không chấp thuận với lý do đối tượng thuộc lĩnh vực y tế tư nhân, không quản lý nên không giới thiệu đi học được.
Đáp lại các phát biểu của TT.Thích Tuệ Tâm, có mặt tại hội thảo, ThS.BS Phan Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Quản lý Y cổ truyền thuộc Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế được Ban Tổ chức và Đoàn chủ tọa mời phát biểu với hy vọng sẽ trả lời những vấn đề được nêu ra, nhưng rất tiếc vị đại biểu đến từ cơ quan của Bộ Y tế này chỉ tập trung vào giới thiệu các số liệu thống kê của Phật giáo VN và công tác từ thiện đã hết giờ cho phép nên không làm thỏa mãn được hội trường. Trong giờ giải lao, chúng tôi (PV) đã tiếp cận, nhắc lại các vấn đề thì bà Thu Hiền đề nghị TT.Thích Tuệ Tâm nên có văn bản gởi trực tiếp Bộ Y tế để được hướng dẫn cụ thể.
Cũng đề cập đến khám chữa bệnh từ thiện, nhiều đại biểu Phật giáo đến từ nhiều tỉnh thành cũng đồng loạt đề nghị việc bỏ quy định phải có giấy phép kinh doanh, bỏ quy định đóng thuế và việc đề nghị các cấp Giáo hội cần thể hiện sự quan tâm đến các cơ sở qua việc dành thời gian thăm hỏi, kiểm tra, đôn đốc.
Hướng đến chuyên nghiệp
Nhìn lại các hoạt động TTXH Phật giáo, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu phó ĐH KHXH&NV Hà Nội khẳng định các công tác xã hội, từ thiện Phật giáo đã thể hiện tính nhập thế cao độ của Phật giáo VN, tạo nên sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống, góp phần to lớn hướng đến những thay đổi tích cực trong xã hội thời gian qua.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hoạt động này trong giai đoạn hiện nay cần phải tiến lên một bước là xã hội hóa và cần xem “công tác xã hội hóa, từ thiện của Phật giáo là một trong những nguồn vốn xã hội, vốn cộng đồng quan trọng.” Từ đó, ông đề nghị cần huy động nguồn lực này của Phật giáo để đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay không chỉ đòi hỏi phải có sự phát triển về số lượng mà cả về chất nhằm mang lại những lợi ích và niềm tin, niềm hạnh phúc chân chính cho mọi người dân.
Cũng đồng quan điểm với ông Hoàng Anh Tuấn, HT.Thích Tấn Đạt, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban TTXH T.Ư thay lời cho HT.Thích Như Niệm, Phó ban Thường trực Ban chuyên môn này đề nghị Giáo hội cần có các cuộc thảo luận sâu giữa tỉnh, thành trong cả nước để tăng cường tính liên kết trong các hoạt động an sinh xã hội và nhất là để khắc phục tình trạng tự phát, mạnh ai nấy làm. Đồng thời, cũng cần đánh giá nhu cầu cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội ở từng vùng miền, mỗi địa phương để xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động an sinh xã hội, hình thành các phong trào từ thiện xã hội có tính thực tế và đạt được hiệu quả, chất lượng cao nhất.
Về chiến lược, HT.Thích Tấn Đạt nêu một số mô hình và hành động lâu dài như: Thành lập trung tâm cứu trợ nhân đạo để tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ trong, ngoài nước, xây dựng mạng lưới tình nguyện viên rộng khắp; đào tạo một cách bài bản, có kiến thức chuyên môn và kỹ năng của ngành công tác xã hội, phát triển cộng đồng đối với Tăng Ni trẻ, Phật tử và nguồn nhân lực tham gia lĩnh vực an sinh xã hội của Phật giáo; ra quy chế hoạt động lẫn giám sát các cơ sở xã hội của Phật giáo đang nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa hoặc chăm sóc và điều trị bệnh nhân nghèo sau khi trao đổi với các cơ quan quản lý chuyên môn của nhà nước, nhất là sự đồng thuận cao từ những cơ sở xã hội của Phật giáo.
Đối với việc hỗ trợ trực tiếp, HT.Thích Tấn Đạt cho biết nên thể hiện sự lưu tâm đến đối tượng xã hội rất cần hỗ trợ hiện nay như người nhập cư ở các đô thị lớn, công nhân tại các khu công nghiệp, trẻ đường phố và người già lang thang, người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, thiên tai tàn phá, các dân tộc thiểu số ở miền núi còn khó khăn, nghèo đói hoặc người dân ở vùng biên giới, hải đảo…
“Đây là những đối tượng cần nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, trong đó có Phật giáo bằng những hành động mang tính cấp bách như: cấp thẻ bảo hiểm y tế, cung cấp nước sạch, điện và xây dựng cầu, đường giao thông, phát thuốc và khám chữa bệnh, tặng học bổng cho học sinh nghèo,….”, HT.Thích Tấn Đạt bổ sung và nhấn mạnh.
Phát biểu đúc kết tại Hội thảo “Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện”, HT.Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban TTXH T.Ư cho biết, trong 5 năm của nhiệm kỳ VII, theo tổng kết sơ bộ, Giáo hội đã đóng góp cho công tác từ thiện xã hội hơn 500 ngàn tỷ đồng. “Với số tiền rất lớn như vậy nhưng việc làm hầu hết là tự phát”, Hòa thượng nhận xét.
Cũng theo vị giáo phẩm đứng đầu ngành TTXH của TƯGH, nếu với số tiền đó được tập trung về một mối thì có thể thực hiện được nhiều công trình mang ý nghĩa lợi lạc lâu dài cho xã hội như các trường học, xây dựng cầu đường… Giáo hội sẽ có sự liên kết tốt hơn với các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan để khắc phục điều đó trong nhiệm kỳ tới.
* Tin liên quan: Bế mạc hội thảo PG tham gia công tác xã hội - từ thiện ||