Cái tâm người thầy ở quê xưa

Cái tâm người thầy ở quê xưa
Giác Ngộ - Cứ như vậy mỗi ngày thầy dạy chúng tôi chỉ vài chữ cái, còn phần lớn thời gian thầy dạy chúng tôi “làm người” như lễ phép với ông bà, cha mẹ; anh chị em phải biết nhường nhịn, thương yêu lẫn nhau; khi ra đường gặp người lớn tuổi hơn phải vòng tay lễ phép chào hỏi…

Trong ký ức, quê tôi vẫn là một trong những làng quê nghèo nhất, nhì trong vùng. Người dân ở đây sống bằng nghề nông là chính. Ruộng ít, người đông nên nhà nhà đều thiếu trước hụt sau, vất vả chạy ăn từng bữa, nhà cửa tuềnh toàng, mái tranh vách đất chẳng khác nào như một cái ổ che nắng, tránh mưa... Nghèo thế! Nhưng người dân trong làng luôn mong muốn con em mình có cái chữ để sau này “ấm thân”.

Từ khát vọng ấy, người dân trong làng đã bàn nhau kẻ góp công, người góp của xây một mái trường (đúng nghĩa hơn là một phòng học) khoảng 30m2 dành cho các cháu sơ học (mẫu giáo). Thầy giáo là một “lão nông” có trình độ học vấn “cao” nhất làng tình nguyện đứng lớp mà không hề đòi hỏi một khoản lương bổng nào. Với hợp đồng không văn tự nhưng trong người thầy là một bản hợp đồng văn tự nghiêm túc, thấm đậm văn hóa nhân văn là nuôi dạy cách cháu nên người.

Khi đã có trường, có thầy nhưng lại gặp vấn nạn học trò không chịu đến lớp do “không quen” đi học. Thầy phải cất công đến từng gia đình có con em trong độ tuổi đi học, vận động gia đình khuyên nhủ, khuyến khích các cháu đến trường. Và rồi, cái Tâm đã thắng cái Tánh! Thầy đã gom hết mấy chục em đến với lớp học của mình. Con em của dân làng đi học, vậy mà thầy lại là người hạnh phúc ra mặt. Theo thầy, đó là “một thành công, một phần thưởng lớn nhất trong đời”.

Ngày đầu đến lớp là sự háo hức, mừng vui, hòa lẫn cả một sự hồi hộp, lo sợ của bọn trẻ chúng tôi. Sự chênh lệch tuổi tác giữa thầy và trò quá xa, nhưng thầy đã khéo léo chỉ dạy với tất cả cái tâm, tạo môi trường gần gũi, hòa đồng, thân ái, cho dù thầy chưa qua trường lớp sư phạm nào. Mỗi ngày thầy chỉ đứng lớp buổi sáng, chiều về thầy dành thời gian ra đồng làm ruộng, công việc của một người nông dân thực thụ.

Thầy dành nhiều thời gian nói về “Tiên học lễ, hậu học văn”. Ngày ngày sau khi chúng tôi vô lớp ổn định chỗ ngồi, thầy đem câu “Tiên học lễ...” ra diễn giải như một khúc dạo đầu tạo sự tập trung chú ý, và đạo lý ấy tự nhiên đi vào đầu óc non trẻ chúng tôi. Cứ thế chúng tôi cảm nhận sâu sắc từ sự chăm chút, vun đắp của thầy qua từng bài học. Thầy khéo léo dẫn dắt chúng tôi đến với bài học bằng những thí dụ sinh động và cụ thể, như khi ra đường gặp đám tang phải lấy nón, mũ ra khỏi đầu, đứng nghiêm trang hướng mặt về phía áo quan để tỏ lòng thành kính tiễn biệt người quá cố; gặp ông bà cụ già phải nhường bước khi lên xe, xuống đò....

Xen lẫn những bài học là những mẫu chuyện cổ như chuyện “Tấm Cám”. Cứ như vậy mỗi ngày thầy dạy chúng tôi chỉ vài chữ cái, còn phần lớn thời gian thầy dạy chúng tôi “làm người” như lễ phép với ông bà, cha mẹ; anh chị em phải biết nhường nhịn, thương yêu lẫn nhau; khi ra đường gặp người lớn tuổi hơn phải vòng tay lễ phép chào hỏi… Đây cũng chính là cách rèn Tâm - Đức biết kính trên nhường dưới, lễ độ và hướng thượng. Có thể nói đó là phương pháp “không sư phạm” nhưng đầy tính cách đạo đức, đức dục “trên cả tuyệt vời” mà tôi đã ghi tâm, khắc ý mãi đến ngày nay vẫn còn “nợ” thầy lời tri ân.

Công lao trời biển của thầy như vậy nhưng thầy không hề có một đòi hỏi nào về lương bổng, năm thì mười họa dân làng ai có mớ khoai, nải chuối, lon nếp... đem đến lễ biếu thầy trong sự tri ân, kính trọng. Thầy là tấm gương soi sáng suốt đời tôi một cách trọn vẹn kính quý!

Ngẫm lại thấy nghịch lý và cay đắng của xã hội hiện nay là quá coi trọng đồng tiền, “Tiền là tiên, là Phật...”. Người ta đem tiền mua danh vọng, địa vị, mua cả học vị thạc sĩ, tiến sĩ để giữ ghế, chạy chức nhằm mục đích trục lợi. Thậm chí tiền còn được đem mua bán tại những nơi “tôn nghiêm” như trường học và những gì thuộc về những giá trị vô cùng cao quý của người thầy là “lương tâm” cũng bị mua bán. Tiền được vinh danh với danh nghĩa quỹ hội phụ huynh, tiền thưởng giới thiệu được nhiều sinh viên vào học một số trường đại học, cao đẳng... mà gần đây các phương tiện truyền thông đã lên tiếng phản ứng, báo động một cách mạnh mẽ. Những mặt xấu và tiêu cực ấy của một số người trong và ngoài ngành giáo dục hiện nay, khi nhân cách phẩm giá đã bị đồng tiền bào mòn, làm tha hóa, mục ruỗng, thật đau lòng! 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.