Cái ác hoành hành

GN - Hai tuần qua, dư luận bàng hoàng vì vụ  xâm hại trẻ em hết sức nghiêm trọng ở Hà Nội, nghi phạm là Đặng Trần Hoài (26 tuổi, ở P.Dương Nội, Q.Hà Đông, Hà Nội).

Người ta xôn xao vì tính chất dã man, vô nhân tính của một người trẻ, không những thế, nghi can vừa được làm cha của một đứa trẻ hai tuần tuổi nên ai cũng nhói lòng khi đặt câu hỏi: “Hoài cũng có con nhỏ sao lại làm điều đó với con nhỏ của người khác? Nếu ai làm vậy với con của Hoài thì anh ta sẽ thế nào đây?”.

Cai ac hoanh hành.jpg

Cái ác hoành hành - Minh họa từ internet

Câu hỏi đớn đau và đầy bức xúc này nếu như Hoài cũng tự hỏi hoặc được hỏi ngay khi trong đầu khởi lên ý niệm phạm tội kia thì có lẽ anh ta đã không làm vậy. Người xưa nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” phần nào đó có ý nhắc tới nhân quả trùng trùng mà những người thân-thương của kẻ thủ ác sẽ phải chịu. Đứa con có thể không bị trúng y chuyện người cha đã gây tội ác với người khác nhưng khi người cha sa lưới pháp luật thì chắc chắn người con phải “ăn mặn” vì những thị phi điên đảo của cuộc đời.

Đây không phải là lần đầu tiên những hung tin về tội phạm làm rúng động lòng người mà ngày càng nhiều những vụ án như thế này, gây bức xúc dư luận. Những nỗi lo bao trùm về sự thiếu an toàn có mặt cùng với công bố về chỉ số hạnh phúc VN đứng hàng top làm người ta hoài nghi cũng là có lý do, rất chính đáng.

Song song đó là những tội ác liên quan tới tham nhũng, những người có quyền đã trót lọt rất nhiều vụ, hao hụt ngân sách Nhà nước (tiền thuế của dân) ở đó đây, từ nhỏ tới lớn cũng là thứ tội ác mang tên “quan tham”.

Bên trong nước thì vậy, kế cận bên mình là nước láng giềng Trung Quốc cũng có những thông tin đớn đau như vụ buôn bán nội tạng người quy mô lớn, rầm rộ; thuốc, sữa, hàng hóa tiêu dùng giả, độc hại gây tổn hại tới sức khỏe, tính mạng con người… gây bức xúc cho toàn thế giới.

Đạo Phật quan niệm về việc bất thiện (ác) là ý-khẩu-thân tạo tác điều không có lợi cho mình, không có lợi cho người ở hiện tại lẫn tương lai. Vì vậy, việc một ai đó làm gây ra thương tổn cho một người hoặc số đông người một cách trực tiếp hoặc gián tiếp ngay hiện tại đến tương lai là một việc bất thiện. Người xưa rút ra một triết lý rất giản dị với mấy chữ ngắn ngủi: tà không bao giờ thắng chánh. Tà, ở đây biểu trưng cho cái ác, bao giờ cũng không thể thắng được cái thiện (chánh). Có thể trong một lúc nào đó tức thời, thậm chí một thời gian khá dài, ở đâu đó, cái ác ở thế “áp bức”, lên ngôi bởi sự lấn lướt về hình thức, nhưng về lâu dài và nhất là trong chiều sâu của luật Nhân quả thì cái ác sẽ trở về đúng vị trí của nó: khổ đau, đọa lạc.

Niềm tin vào sự thiên lương trong lòng người là một niềm tin phải được nuôi lớn bởi nó cũng chính là phên giậu để đoạn trừ cái ác trong tâm mình và trong những biểu hiện băng hoại đạo đức, lối sống của một số (thậm chí là số đông người) trong xã hội đương thời lẫn tương lai. Niềm tin ấy nuôi dưỡng bởi chất liệu là một niềm tin khác - tin vào nhân quả, nghiệp báo; rằng nhân quả thì chi phối chúng sinh trong ba chiều quá - hiện - vị lai nên kẻ thủ ác chắc chắn phải nhận hậu quả khổ đau là đương nhiên. Hay, đơn giản như dân gian: cái ác không thể lên ngôi, dù đôi khi nó cố sức hoành hành nhưng không thể và không bao giờ thắng cái thiện, cũng trong cái nhìn về quá - hiện - vị lai về cuộc sinh tử này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.