Cách người trẻ hướng về Tây Nguyên

GN - “Voi ôm đại ngàn” là tên một dự án nhỏ do nhóm các bạn trẻ 9x làm cà-phê, say mê thiên nhiên, yêu rừng và dành sự quan tâm đặc biệt đến các chú voi nơi “đại ngàn” thành lập nên.

Khi nhắc đến Tây Nguyên, có hai thứ ta có thể liên tưởng ngay, đó chính là cà-phê và voi. Đây cũng là hai trong số những biểu tượng đặc trưng cho văn hóa của vùng đất này. Vì lý do đó, ngoài việc duy trì gieo trồng, sản xuất cà-phê, việc bảo tồn sự sống của các quần thể voi còn ít ỏi, được xem là những sứ mệnh quan trọng trong hành trình gìn giữ nét văn hóa riêng của Tây Nguyên.

H4.jpg


Voi Bun Khăm và Y Khun trong mô hình du lịch thân thiện với voi tại Đắk Lắk được ghi nhận vào tháng 4-2020

Lấy ý tưởng từ sự gắn kết này, nhóm những bạn trẻ đến từ các “local brand” khá nổi tiếng trong ngành cà-phê “specialty” thời gian gần đây tại TP.HCM và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), đã quyết định cùng kết hợp để cho ra đời dự án nhỏ “Voi ôm đại ngàn”. Mục đích lớn nhất của dự án này là hướng đến việc gìn giữ môi trường sống và bảo tồn những chú voi Tây Nguyên.

“Voi ôm đại ngàn” do Trần Lê Minh Trúc (sáng lập thương hiệu Every Half Bean, TP.HCM) cùng nhóm bạn của mình tại Soul Specialty Coffee (Đắk Lắk) khởi xướng, với thông điệp chính là kêu gọi cộng đồng đối xử nhân đạo và chung tay cùng Tổ chức Động vật châu Á ở Việt Nam - AAF (Animals Asia Foundation) bảo vệ voi nhân ngày Voi Thế giới 12-8 vừa qua.

Chia sẻ về việc sáng lập nên dự án này, Trúc cho biết: “Sau nhiều năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm, đây là lúc thích hợp để mình dành cho bản thân đôi chút khoảng lặng, một phần để chiêm nghiệm cuộc sống, suy nghĩ về các hoạch định tương lai, phần còn lại mình mong có thể chuyên tâm góp sức vào các dự án hỗ trợ cho quê hương Đắk Lắk của mình”.

Qua tìm hiểu, bên cạnh việc dốc sức nghiên cứu, phát triển các giống cà-phê đặc sản trong nước, hiện tại, Trúc cùng nhóm cộng sự đang nỗ lực nhập khẩu và trực tiếp rang xay các giống cà-phê đặc sắc từ nước ngoài, góp phần tạo nên một thị trường cà-phê sôi động tại Việt Nam những năm gần đây.

Lấy thế mạnh đó làm bước đệm cho dự án, nhóm đã quyết định dành 20% doanh thu từ việc bán các sản phẩm cà-phê “specialty”, kèm theo đó là một số vật phẩm như áo thun và túi tote, có in hình “Voi ôm đại ngàn”, cũng chính là logo của dự án. Những vật phẩm này do Khiim - một nghệ sĩ trẻ trong lĩnh vực thiết kế đương đại, cũng là thành viên của nhóm, thực hiện riêng cho dự án.

H1.jpg


Trần Lê Minh Trúc và các hoạt động cắm trại gần gũi với núi rừng

“Tụi mình biết 20% doanh thu chỉ là một con số khiêm tốn thôi, nhưng mình tin ‘tích tiểu thành đại’. Hiện tụi mình có ít người quá, nguồn lực còn hạn chế, nên chỉ mong lan tỏa thông điệp với từng bước đi nhỏ như vậy. Mình tin, đây sẽ là bài học kinh nghiệm, là tiền đề vững chắc cho những lần tiến xa hơn, mạnh mẽ hơn trong các dự án tiếp theo của tụi mình”, Trúc chia sẻ.

Theo đó, 20% doanh thu sẽ được nhóm gửi trực tiếp đến AAF, tổ chức có hoạt động bảo tồn voi tại Vườn quốc gia Yok Don - Daklak, nhằm góp một phần hỗ trợ cho việc duy trì, chăm sóc các cá thể voi tại đây. Ngoài ra, Trúc cũng cho biết, toàn bộ doanh thu sẽ được chính thức công bố trên các trang fanpage của Every Half Bean và Soul Specialty Coffee sau khi dự án khép lại.

Thực trạng voi tại tỉnh Đắk Lắk

Tính đến tháng 6-2020, Việt Nam chỉ còn 87 cá thể voi nhà, một nửa trong số đó (44 cá thể) tập trung tại tỉnh Đắk Lắk. Phần lớn voi nhà bị khai thác trong hoạt động du lịch cưỡi voi, số còn lại được trưng bày trong các vườn thú, khu du lịch, nhiều nơi có điều kiện không phù hợp với voi. Hầu hết voi nhà đã lớn tuổi và chưa ghi nhận trường hợp nào voi con được sinh ra thành công trong gần 40 năm trở lại đây.

Mặt khác, voi hoang dã ở Việt Nam còn chưa đến 114 cá thể, phân bố chủ yếu dọc biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia. Trong đó, số lượng voi hoang dã lớn nhất cả nước là Đắk Lắk phân bố chủ yếu ở Vườn quốc gia Yok Đôn với 5 quần thể và khoảng 80-100 cá thể (quần thể nhỏ nhất gồm 5-10 cá thể, quần thể lớn nhất có 32-36 cá thể).

Quần thể voi hoang dã cũng đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa như môi trường sống bị suy giảm và bị phân mảnh, cùng với đó là sự xung đột voi - người đang ngày càng trở nên gay gắt. Nhiều ý kiến nhận định, trong thời gian không xa nữa, hình ảnh đàn voi vốn thân thuộc với người Tây Nguyên sẽ chỉ còn trong tiềm thức.

- Tổ chức Động vật châu Á ở Việt Nam (Animals Asia Foundation)

H3.jpg
Các sản phẩm cà phê specialty và vật phẩm dành riêng cho dự án “Voi ôm đại ngàn”


Cùng góp một phần nhỏ bảo vệ voi

Khoảng năm 2017-2018, mình vô tình được tham gia một dự án nghệ thuật dài liên quan đến động vật. Trong quá trình nghiên cứu và thực hành từ các rừng quốc gia đến những trang trại, sở thú tư nhân, mình nhận ra chúng ta vô tình tác động quá lớn đến hệ sinh thái động thực vật, kể cả trong việc gây nên sự tuyệt chủng của một số chủng loài. Mình luôn ưu tiên hàng đầu những dự án về động vật, thiên nhiên, tác động của loài người, vì thế trong quá trình làm việc và nghiên cứu mình luôn muốn tạo ra những "sản phẩm" mang hơi thở của mẹ thiên nhiên.

Trước đây mình từng nghiên cứu về sự tuyệt chủng của tê giác một sừng tại Việt Nam, điều đó đã để lại sự ám ảnh to lớn trong mình. Và loài vật đáng lưu tâm tiếp theo là voi. Mình cũng đã dành 2 ngày liên tục chỉ để tiếp xúc với voi, cảm nhận, nhìn vào những đôi mắt sâu thẳm đầy ấm áp đó kèm theo những dòng thông tin sự kiện đáng buồn về voi mỗi ngày. May mắn nhất là đúng dịp Every Half Bean và Soul Specialty Coffee cùng làm dự án này để những thiết kế ứng dụng được đưa đến mọi người, cũng như góp được một phần nhỏ hỗ trợ cho những nhà bảo tồn thực hiện trọng trách vĩ đại của họ, điều vui nhất là Chính phủ đã và đang quan tâm hơn đến động vật và tự nhiên.

- Khiim

Giao Hảo / Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.