Các sĩ tử đổ xô vào chùa để... luyện thi đại học

Thời tiết nắng nóng, nhà trọ ồn ào đã làm cho các học sinh khó có thể tập trung ôn bài cho tốt. Vì thế, sân chùa mát mẻ, yên tĩnh chính là “lò luyện” thi mà đa phần các sĩ tử lựa chọn.

Các sĩ tử đang ngồi luyện thi trong chùa. Ảnh: Diệu Linh/Vietnam+

Kỳ thi đại học, cao đẳng sắp tới gần, các sĩ tử đang miệt mài ngày đêm lo đèn sách, chuẩn bị hành trang tốt nhất để “vượt vũ môn.”

Thời tiết nắng nóng, nhà trọ ồn ào đã làm cho các học sinh khó có thể tập trung ôn bài cho tốt. Vì thế, sân chùa mát mẻ, yên tĩnh chính là “lò luyện” thi mà đa phần các sĩ tử lựa chọn.

Phần lớn, các ngôi chùa được các học sinh làm địa điểm “cắm trại” ôn thi đều năm gần nơi các trường đại học như chùa Láng, chùa Thánh Chúa…

Nằm trong khuôn viên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội), bạn Nguyễn Thị Thắm (Quốc Oai, Hà Nội) đang ngồi một mình dưới bóng cây hoàng lan râm mát trong sân trong chùa Thánh Chúa lật giở từng trang sách để ôn lại kiến thức.


Lên Hà Nội ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp, Thắm đã đăng ký tham gia khóa học luyện thi đại học ở trường Đại học Sư phạm. Tranh thủ học ôn ở lớp buổi sáng xong, Thắm ra chỗ này ngồi học bài.

“Ở xóm trọ thời tiết nắng nóng và ồn ào, dù có cố gắng học cũng không thể vào được nhất là đối với các môn xã hội cần học thuộc và nghiền ngẫm kiến thức,” Thắm ngậm ngùi nói.

Với Thắm, có được không gian học yên tĩnh, tập trung đã là một phần quan trọng trong kỹ năng luyện thi đại học đối với sinh viên.

Thắm chia sẻ: “Học ở đây yên tĩnh. Khi nào mệt thì đứng dậy đi lại cho thư thái đầu óc. Vì thấy, ở trong môi trường này, ai cũng chăm chỉ, cố gắng học, nên mình không thể lười được.”

Cùng chung quan điểm đó, Lê Ngọc Sơn (Thanh Thủy, Phú Thọ) lại chọn cho mình một góc khuất sân sau cửa chùa để học bài.

Có anh trai làm trên Hà Nội, việc đi lại, ăn uống của Sơn rất thuận tiện. Tuy nhiên, xón trọ có nhiều phòng sinh viên nên lúc nào cũng có người ra người vào nên không thể cặm cụi ngồi học bài được.

Sơn chia sẻ: “Trần nhà bằng pro-xi măng nên ngày trời nóng ngồi trong nhà bật quạt nhưng người vẫn vã mồ hôi nên rất khó chịu. Chỉ có tầm đêm, trời mát mới bắt đầu học thấy vào.”

Cũng may, khi đi ôn thi tại giảng đường trường Sư phạm, Sơn đã bất ngờ khi gặp mấy bạn đang hì hụi ghi chép và học bài trong chùa nên đã vào thử để xem. Và rồi, chùa Thánh Chúa với những tán cây rợp bóng mát, không khí trong lành và vắng lặng đã được Sơn chọn làm nơi để ôn thi.

“Vào cuối buổi chiều, thỉnh thoảng  những tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh phật làm đầu óc thư thái sau thời gian học bài,” Sơn hồ hởi nói.

Nhìn quanh khuôn viên chùa, chỗ nào cũng bắt gặp những bạn ngồi học ôn như thế. Có gốc cây,  4-5 bạn ngồi vây quanh, thi thoảng lại ngẩng đầu lên, cùng nhau trao đổi bài.

Tại sân chùa Láng, hai học sinh Triệu Thị Kim và Đoàn Ngọc Lan (Tuyên Quang) đã có mặt ở đây từ sáng sớm để chọn chỗ phù hợp cho quá trình lên kinh dự thi.

Sáng nào cũng thế, hai cô bạn rủ nhau vào chùa từ sớm, tìm chỗ yên tĩnh ngồi ôn bài cùng nhau.

“Học trong này yên tĩnh, không khí học tập rất tốt, khi mệt thì tựa lưng nghỉ ngơi vì nhà chùa là nơi an toàn,” Kim lém lỉnh nói.

Nhưng cũng chính tại môi trường này, đã nảy sinh những tình cảnh dở khóc, dở cười riêng với từng sĩ tử.

Cá biệt, có học sinh cứ thoải mái ôm vai nhau một cách tự nhiên, thi thoảng lại cười rúc rích và hát to khiến nhiều người không thể học được, nên phải ra chỗ khác.

Thậm chí, cũng có những bạn, đến chùa ngồi học chỉ là... chống đối với phụ huynh.

Đưa ra dẫn chứng, chị Lan, chủ quán nước mía ngay trước cổng chùa Láng cho hay, có cậu con trai, ở nhà ham chơi điện tử, ngày nào cũng được mẹ chở tới tận cổng chùa, bảo vào đó kiếm chỗ ngồi học cho yên tĩnh và xa lánh cám dỗ bên ngoài.

“Thế nhưng, khi mẹ vừa đi khỏi thì cu cậu cũng ra đến đây ngồi uống nước, bắn thuốc lào. Gần trưa mẹ tới đón thì vờ đi vào rồi đi ra xong lên xe đi về,” chi Lan lắc đầu.

Mỗi người đều có cách riêng để học, nhưng ôn thi trong chùa, với không gian tĩnh lặng, xa lánh bên ngoài xô bồ cùng với khoảng thời gian suy tư như chững lại thật quý giá để sĩ tử luyện chữ thành tài là cả một quá trình học nghiêm túc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.