Số ca nhiễm mới trong ngày hôm nay chủ yếu tại TP.HCM (3.898), Bình Dương (3.210), Long An (724), Đồng Nai (614), Khánh Hoà (201), Đà Nẵng (130), Hà Nội (114).
Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 121.804, Bình Dương 27.639, Đồng Nai 7.919, Đồng Tháp 3.968, Khánh Hòa 3.366, Hà Nội 2.001, Cần Thơ 1.752, Phú Yên 1.718, Đà Nẵng 1.533, Bình Thuận 1.148, Bến Tre 1.093, Trà Vinh 524, An Giang 480, Ninh Thuận 452, Đăk Lăk 389, Quảng Ngãi 356, Hưng Yên 270, Bình Phước 256, Vĩnh Phúc 232, Hà Tĩnh 213, Gia Lai 186, Quảng Nam 183, Đăk Nông 127, Hải Dương 125, Thừa Thiên Huế 124, Lâm Đồng 92, Thanh Hóa 91, Hà Nam 68, Thái Bình 51, Quảng Bình 47, Cà Mau 44, Phú Thọ 15.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27-4 đến nay lên 206.439, ghi nhận ở 62 tỉnh thành. Có 4.860 người được công bố khỏi Covid-19 trong ngày 8-8, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 71.497. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 501. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20.
Cũng trong chiều nay, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 147 ca tử vong (3251-3397) tại 6 tỉnh, thành phố. Trong đó, TP.HCM tử vong 108 ca; Bình Dương 30 ca; Long An 5 ca; các tỉnh Cà Mau, Đăk Lăk, Bình Định và Ninh Thuận mỗi nơi 1 ca.
Bộ Y tế: Các địa phương cần chuẩn bị phương án cao nhất cho điều trị
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký ban hành công điện số 1168/CĐ-BYT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể:
Về ngăn chặn lây nhiễm: Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả, chắc chắn và thực chất việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó".
Địa phương không thực hiện giãn cách tiếp tục đẩy mạnh việc xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Về giảm các trường hợp tử vong: Chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu và các vật tư, trang thiết bị cần thiết khác. Thiết lập và chuẩn bị sẵn sàng đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, theo tiến triển và mức độ lâm sàng của người bệnh.
Địa phương có nhiều người nhiễm, được áp dụng cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp nhiễm. Địa phương chịu trách nhiệm tổ chức các tổ công tác y tế, tổ tư vấn, tổng đài tư vấn để giúp đỡ, chăm sóc người bệnh và kịp thời chuyển đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu chuyển nặng.
Về tiêm chủng vắc-xin: Các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn cho người được tiêm.
Tổ chức tiêm chủng cho tất cả trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên các địa bàn, khu vực đang có dịch và tiêm ngay cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, trường hợp có bệnh lý nền, lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế...
Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành...
Bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng. Thực hiện tiêm cuốn chiếu, khu vực nào xong khu vực đó để tạo ra vùng xanh an toàn trong khu vực đang bùng phát dịch.
Tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.
Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.