Năm nay, ngày 7/3 âm lịch rơi vào thứ Ba (ngày 20/4). Hôm qua, như thường lệ, người dân làng Trúc Lâm lại sắm sửa đầy đủ lễ vật, quần áo chỉnh tề, nối đuôi nhau lên đền thờ cô hồn (thờ các vong linh người chết thảm) Trúc Lâm trên núi Rú Bắp. Lễ vật cũng khá cầu kỳ gồm 2 loại: mặn và ngọt. Bánh gai, bánh nậm lọc, bánh chưng, bánh tét, gà vịt, heo quay… là món mặn. Trái cây, xôi chè và rượu thuộc phần ngọt. Có tục cho rằng, nếu ai dâng lên cô hồn càng nhiều lễ vật, người đó và gia đình sẽ được phù trợ làm ăn thuận lợi trong năm đó. Cụ Phan Đình Tiếu, người già nhất làng (101 tuổi), cho biết tục cúng cô hồn của làng đã có từ rất lâu rồi. Từ khi cụ còn bé đã thấy người người mang lễ lên núi cúng. Trải qua hàng trăm năm, nét văn hóa tâm linh nhớ về người đã khuất vẫn được dân làng gìn giữ và phát huy. Lễ tế cô hồn làng Trúc Lâm theo các nhà nghiên cứu ở Huế, thuộc vào dạng lớn nhất về quy mô người tham dự cũng như lễ vật. Xin giới thiệu đến bạn đọc chùm ảnh ghi lại lễ tế cô hồn độc đáo tại núi Rú Bắp, làng Trúc Lâm năm nay: Đoàn người dài dằng dặc của làng Trúc Lâm đi lễ cô hồn Lễ Túc Yết, dâng trầm, hương, đèn lên các cô hồn. Bô lão kính cẩn quỳ trước bàn thờ dãy thượng. Các thầy chùa đi quanh đền cầu nguyện cho linh hồn được siêu thoát. Món mặn và ngọt bày la liệt. Nhưng quan trọng nhất vẫn là hạt nổ để vãi ra núi, cúng cô hồn. Áo binh (dùng để đốt cho cô hồn có quần áo mặc ở thế giới bên kia) cũng đầy ắp 3 trang thờ. Đội nhã nhạc dân gian chuyên chơi nhiều bản nhạc cho cô hồn nghe. Gánh lộc về nhà ăn lấy may.