GN - Nói về một bậc Thánh đã giải thoát sanh tử và khổ đau, trong Kinh tạng, Thế Tôn thường dùng hình ảnh “gánh nặng đã đặt xuống”. Như người nông dân xưa, mọi thứ đều đặt trên đôi vai, khi về đến nhà, gánh nặng được buông xuống thì cảm giác thật tuyệt vời.
Ảnh minh họa
Đã sinh ra làm người, dĩ nhiên mỗi người mỗi nghiệp. Có thân nên khổ vì thân. Chính tấm thân năm uẩn này cùng với sự tham ái và chấp thủ kiên cố đã tạo ra vô vàn đau khổ. Buông gánh không phải là bỏ thân này, vì thân này hư hoại thì vẫn theo nghiệp tạo thân mới, tiếp tục chịu khổ.
Buông gánh chính là “khiến cho ái kia dứt hẳn trọn vẹn”. Khi tham ái và chấp thủ không còn thì nhân duyên sanh tử bị chặt đứt, khổ đau được đoạn tận, hành giả hoàn toàn tự do và giải thoát. Đức Phật dạy về pháp tu buông gánh như sau:
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nay Ta sẽ thuyết về gánh, cũng sẽ thuyết về người mang gánh, cũng sẽ thuyết nhân duyên gánh, cũng sẽ thuyết về buông gánh. Tỳ-kheo các Thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ, nay Ta sẽ thuyết.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Thưa vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:
- Thế nào gọi là gánh? Nghĩa là năm ấm. Thế nào là năm? Nghĩa là sắc, thọ, tưởng, hành, thức ấm. Đó gọi là gánh.
Thế nào gọi là người mang gánh? Người mang gánh là thân người, tên gì, họ gì, sanh như thế, ăn thức ăn như thế, chịu khổ vui, thọ mạng dài ngắn như thế. Đó gọi là người mang gánh.
Thế nào gọi là nhân duyên gánh? Nhân duyên gánh là nhân duyên ái trước, cùng chung với dục, tâm không xa lìa. Đó gọi là nhân duyên gánh.
Thế nào gọi là buông gánh? Nghĩa là hay khiến cho ái kia dứt hẳn trọn vẹn, đã trừ, đã mửa ra. Đó gọi là buông gánh.
Như thế, Tỳ-kheo, nay Ta đã thuyết gánh, đã thuyết về nhân duyên gánh, đã thuyết về người mang gánh, đã thuyết về buông gánh. Chỗ đáng làm của Như Lai, nay Ta đã làm xong. Hãy ở dưới gốc cây, chỗ vắng vẻ, ngồi ngoài trời, thường nhớ tọa thiền, chớ có buông lung.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Nên nhớ bỏ gánh nặng,
Lại chớ tạo gánh mới,
Gánh là bệnh thế gian
Bỏ gánh vui đệ nhất.
Cũng nên trừ ái kiết
Và bỏ hạnh phi pháp,
Trọn nên xa lìa đây,
Lại chẳng thọ thân nữa.
Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy tạo phương tiện xa lìa gánh nặng. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Tứ đế,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.545)
Từ xa xưa, Thế Tôn đã dạy chúng đệ tử hãy “buông gánh, đặt gánh nặng xuống”. Hiện tại, một vị thiền sư khi đệ tử cầu pháp muốn được nhận lời giáo huấn ngắn gọn nhất, đơn giản nhất để tu hành cũng đã dạy “buông”.
Buông là thả ra, bỏ ra, không nắm giữ. Vậy mà chúng ta, hàng đệ tử của Thế Tôn, mấy ai đã thực sự trọn vẹn xả buông. Và dĩ nhiên, không buông thì dính mắc, bị trói buộc không thoát ra được.
“Khiến cho ái kia dứt hẳn trọn vẹn” chính là trọng tâm của giáo lý giải thoát. Thân năm uẩn tuy hiện hữu nhưng giả có, thực sự không phải là tôi, tự ngã của tôi. Vì chấp ngã nên tham ái hoành hành và tạo ra phiền não, khổ đau, sanh tử.
Muốn đoạn trừ tham ái thì trước cần buông bỏ những thứ ngoài thân, buông bỏ từng phần. Những thứ bên ngoài như tài sản, chức phận… vốn bèo bọt, hư ảo khá dễ dàng nhận thấy mà không buông được, thậm chí còn chạy vạy kiếm tìm thêm thì biết khi nào mới nghĩ đến chuyện buông bỏ bên trong.
Thân năm uẩn vốn không có lỗi, chấp thủ năm uẩn là tôi và của tôi mới là vấn đề. Hành giả khi đã buông bỏ được những thứ ngoài thân cần nỗ lực thiền định, phát huy tuệ giác để “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Thấu triệt được tính chất duyên sinh, vô ngã của năm uẩn thì tham ái diệt tận. Ngay đây hành giả thực sự buông gánh, thành tựu giải thoát.